Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhu cầu đất dịch vụ của thành phố là 725,87 ha, giao cho 64.068 hộ gia đình. Tính đến ngày 31-8-2019, thành phố đã giao đất dịch vụ cho 46.890 hộ, đạt 73,41%. Các địa phương đã hoàn thành khối lượng công việc từ 80% trở lên gồm các quận, huyện, thị xã: Sóc Sơn, Ứng Hòa, Thường Tín, Sơn Tây, Thanh Trì, Quốc Oai, Ðan Phượng, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Hoài Ðức, Gia Lâm, Thanh Oai, Bắc Từ Liêm (đã hoàn thành việc bốc thăm, dự kiến bàn giao đất dịch vụ xong trước ngày 31-12-2019). Tuy nhiên, một số địa phương chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc từ thực tế, ảnh hưởng mục tiêu, tiến độ chung của thành phố. Trong đó, quận Hà Ðông, huyện Hoài Ðức, huyện Mê Linh còn 12.972 hộ chưa được giao đất, chiếm 20,3% tổng số hộ được hưởng đất dịch vụ của thành phố.
Vướng mắc lớn nhất là cơ chế, chính sách cho diện đặc thù, trong đó có việc xử lý những trường hợp thu hồi diện tích đất lớn, vượt hạn mức được giao đất dịch vụ. Ngoài ra là các lý do liên quan chính sách giao đất trải qua nhiều giai đoạn khác nhau; thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng dự án đất dịch vụ…
Nhằm tháo gỡ vướng mắc, hiện nay các địa phương và ngành chức năng đã có đề xuất, kiến nghị cụ thể với UBND thành phố để xem xét, kịp thời tháo gỡ trên tinh thần vì lợi ích của người dân và đúng quy định pháp luật. Các địa phương cũng đang tích cực thực hiện chỉ đạo của thành phố, tổ chức giao đất dịch vụ cho các hộ ngay khi hoàn thiện hạ tầng; giới thiệu địa điểm, bố trí vốn xây dựng hạ tầng để giao đất dịch vụ cho các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp…
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Ðông, nhiệm vụ đặt ra cho các địa phương rất nặng nề, bởi hiện vẫn còn hơn 17 nghìn hộ dân nằm trong diện hưởng chế độ, chính sách nhưng chưa được nhận đất dịch vụ và hầu hết những trường hợp này đều có vướng mắc ở các mức độ khác nhau. Do đó, yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương phải vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm hơn nữa, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 2059/UBND-KT (ngày 17-5-2019) về "Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng đất dịch vụ và hoàn trả vốn ứng cho ngân sách thành phố". Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt các thủ tục đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ không phân biệt quy mô, để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc về áp dụng chính sách giao đất dịch vụ, UBND cấp huyện kịp thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, giải quyết.
Các sở, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, hướng dẫn, triển khai kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của UBND thành phố về việc ứng vốn, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng dự án đất dịch vụ… Ðồng thời, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất trong quá trình giao đất dịch vụ của từng địa phương, qua đó tham mưu giải pháp phù hợp hoặc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù (nếu cần), trình UBND thành phố quyết định để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bảo đảm quyền lợi và ổn định đời sống người dân.