Tại các tuyến phố trung tâm thành phố như: Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Ðào, Hàng Buồm, Hàng Ðường... nhiều cửa hàng mặt phố phải đóng cửa vì không có người thuê. Phần lớn những cửa hàng đóng cửa vốn là nơi kinh doanh thời trang, đồ uống hay dịch vụ làm đẹp (spa)... Theo các chủ cửa hàng, nguyên nhân dẫn đến việc này là do tình hình kinh doanh ảm đạm những tháng vừa qua. Việc hạn chế người nước ngoài nhập cảnh khiến lượng khách du lịch giảm sút nghiêm trọng, trong khi những cửa hàng trên phố cổ kinh doanh chủ yếu dựa vào khách du lịch. Ngoài ra, việc đàm phán giảm giá với các chủ cho thuê mặt bằng không thành công. Trong thời gian chờ đợi lượng khách phục hồi, nhiều cửa hàng quyết định mở bán cầm chừng, thậm chí không ít chủ cửa hàng dừng hoạt động do doanh thu thấp, thua lỗ. Nhiều tiểu thương không trụ nổi đã nghỉ bán hàng, trả mặt bằng, chuyển sang kinh doanh online hoặc chuyển về những địa điểm có giá thuê thấp hơn.
Kết quả nghiên cứu của Công ty TNHH Savills Việt Nam về thị trường Hà Nội trong quý I-2020 cho thấy, giá thuê mặt bằng trung bình giảm 2%, mức độ ổn định giảm 4%, tần suất thuê giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu bán lẻ của các cửa hàng trên mặt phố giảm khoảng 50% và bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, nhiều khách thuê đã đề xuất với chủ nhà về việc miễn giá thuê trong thời gian cách ly xã hội (tháng 4) và giảm 20 đến 50% giá thuê từ ba đến 12 tháng tới.
Thực tế là để thu hút khách thuê cửa hàng trong thời điểm sau dịch, hầu hết chủ nhà có diện tích cho thuê kinh doanh đều chấp nhận giảm từ 20 đến 30% giá thuê nhà. Chẳng hạn như trên trang thương mại điện tử Chợ tốt đang rao giá cho thuê nhà bốn tầng, mỗi tầng rộng 70 m2 mặt tiền phố Hàng Bài là 150 triệu đồng/tháng và miễn phí hai tháng để ổn định kinh doanh. So với thời điểm cuối năm 2019, mức giá cho thuê này đã giảm 20%. Thế nhưng, hiện nay cung lớn hơn cầu, vì có rất nhiều doanh nghiệp, tiểu thương trả lại mặt bằng kinh doanh. Nhiều người đang tiếp tục đàm phán để được giảm sâu hơn về giá thuê và các chi phí kinh doanh khác. Một số khách đã quyết định không gia hạn hợp đồng thuê. Khách thuê mới đang đàm phán lại giá thuê hoặc hoãn việc ký hợp đồng mới...
Theo các chuyên gia, giảm giá sẽ là xu thế vì nếu giữ giá cao sẽ không có người thuê. Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Ðính cho rằng, trong trường hợp chủ nhà vẫn còn tâm lý "nhất quyết không chịu thiệt" thì bất động sản thương mại sẽ khó mà vực dậy được. "Nếu không giảm giá thì chẳng có ai thuê. Mà không có ai thuê, thì đương nhiên chủ nhà sẽ là người chịu lỗ vì vẫn phải đóng thuế đất. Vậy nên, trong giai đoạn khó khăn này, chủ nhà chấp nhận hạ giá cho thuê mặt bằng cũng chính là một cách tự cứu lấy mình", ông Ðính nói.