Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình” nhận được gần 60 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các địa phương trong, ngoài tỉnh, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đặc biệt là các nhân chứng lịch sử ở mọi miền đất nước.
Thanh Hóa phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới
Các tham luận, phát biểu tại hội thảo thống nhất nhận định: Chủ trương đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc năm 1954-1955 là quyết định lịch sử, tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thanh Hóa vinh dự được đón tiếp, chăm sóc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc không chỉ thực hiện nghiêm túc Hiệp định Geneva, mà còn thực hiện quyết sách quan trọng về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và đào tạo đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực lâu dài cho cách mạng Việt Nam.
Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo, huy động các cấp, các ngành, các địa phương, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất trong bối cảnh địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955 tại mảnh đất Sầm Sơn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa đã vinh dự đón tiếp 1.869 thương binh, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh; 1.443 gia đình cán bộ miền nam ra tập kết, với tình cảm và trách nhiệm “bắc-nam một nhà".
Đoàn chủ tọa điều hành hội thảo. |
Các nhà khoa học, đại biểu đánh giá, việc tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển quân, tập kết hơn 15 vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền nam và hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, trang thiết bị quân sự ra các địa phương miền bắc năm 1954-1955 là kết quả của đường lối phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế của Đảng trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, thử thách; trở thành bài học quý về “ý Đảng, lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một số ý kiến cho rằng nên tổ chức hội thảo khoa học quy mô cấp quốc gia, tiếp tục nghiên cứu toàn diện về cuộc chuyển quân, chuyển dân, bố trí, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực sau khi Hiệp định Geneva được ký kết.
Nhân chứng lịch sử chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc cùng giá trị nhân văn, nghĩa tình. |
Tại hội thảo các đại biểu, nhân chứng lịch sử còn chia sẻ những kỷ niệm sâu nặng nghĩa tình, ôn lại chặng đường vẻ vang trong lịch sử cách mạng Việt Nam, khẳng định niềm tin tưởng tuyệt đối của nhân dân cả nước vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tình cảm thủy chung, son sắt, gắn bó keo sơn, thắm đượm “tình trong một khắc, nghĩa dài trăm năm” của đồng bào miền nam đối với sự đón tiếp nồng hậu của đồng bào miền bắc nói chung và nhân dân Thanh Hóa nói riêng đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cổ vũ, động viên các thế hệ học sinh, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền nam tập kết ra bắc nỗ lực học tập, công tác, rèn luyện, trưởng thành, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo. |
Nêu bật Thanh Hóa "địa linh, nhân kiệt", giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, có đóng góp lớn, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lịch sử, rồi Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết định đúng đắn, kịp thời: đưa một số lượng không nhỏ cán bộ, chiến sĩ, con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền nam tập kết ra bắc nhằm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị một lực lượng hết sức quan trọng, lâu dài cho cách mạng.
Thanh Hóa được Trung ương Đảng lựa chọn là nơi đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam. Tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, tổ chức đón tiếp, tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn, chốn ở, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam chu đáo, an toàn.
Tình cảm, trách nhiệm của nhân dân miền bắc, trong đó có nhân dân Thanh Hóa đối với các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và các thế hệ học sinh miền nam tập kết ra bắc mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương trao đổi với các đại biểu, nhân chứng lịch sử. |
Ghi nhận, đánh giá cao sự dày công nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp thông tin, tư liệu về sự kiện tập kết ra bắc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các học giả, các vị đại biểu, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; về lòng yêu nước, tôn vinh, tri ân các thế hệ cha anh đã có nhiều công lao, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam cùng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Tỉnh cần chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Lễ khánh thành công trình Khu lưu niệm và Chương trình Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc tại thành phố Sầm Sơn.
Trên cơ sở tổ chức thành công chuỗi sự kiện chào mừng 70 năm đón tiếp đồng bào cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc, cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư, xây dựng, sưu tầm, bổ sung phong phú tư liệu vào Khu lưu niệm, tạo thành điểm đến tham quan mới thu hút, hấp dẫn khách du lịch trong, ngoài tỉnh.
Quang cảnh hội thảo. |
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong rằng, từ ý nghĩa hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra Bắc-70 năm sâu nặng nghĩa tình” cùng nhiều sự kiện trọng đại là niềm cổ vũ, động lực để Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, trí tuệ, niềm tin, khát vọng, nỗ lực phấn đấu, tiến tới về đích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX; đặc biệt là triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần quan trọng cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam, xây dựng đất nước hòa bình, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.