Thanh Hóa - điểm hội tụ, thắt chặt truyền thống đoàn kết

NDO -

NDĐT - Tỉnh Thanh Hóa mới phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu lưu niệm đón tiếp cán bộ, con em miền nam tập kết và Công viên văn hóa du lịch Sầm Sơn trên diện tích gần 38 ha, thuộc phường Quảng Tiến. Đây là điểm giáo dục truyền thống cách mạng, đoàn kết toàn dân, quyết tâm giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho thế hệ hôm nay và mai sau. Theo đó, Sầm Sơn sẽ có thêm những sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần phá thế du lịch còn mang tính mùa, vụ.

Bia khắc ghi sự kiện đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền nam tập kết tại cảng Hới (Thanh Hóa).
Bia khắc ghi sự kiện đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền nam tập kết tại cảng Hới (Thanh Hóa).

Cảng Hới - điểm tập kết

Sinh ra, lớn lên ở xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, Huỳnh Hà Thanh sớm giác ngộ cách mạng, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng mùa thu Tháng 8-1945 lịch sử rồi tham gia du kích xã nên năm 1948 ông được kết nạp đảng, tiếp tục công tác ở cơ sở. Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, ông được lệnh chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.

Chia tay vợ cùng đứa con trai ba tuổi hẹn ngày hội ngộ khi Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, ông lên tàu cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền nam ra bắc tập kết. Sau đợt gặp gió cả, ghé cảng Quy Nhơn ăn tết cổ truyền, tàu lớn vượt biển chừng hai ngày thì cập cửa Hới. Hàng chục chiếc thuyền của ngư dân Thanh Hóa áp mạn, trung chuyển các cán bộ vào đất liền.

Thời điểm đó, đông đảo nhân dân mang theo băng rôn, khẩu hiệu đứng đón cán bộ, đồng bào miền nam hai bên cầu cảng. Người dìu, người cõng những người say sóng, trẻ em vào khu lán A trên bờ sông chăm sóc sức khỏe, ăn no, mặc ấm, dần chuyển vào khu lán B.

Đoàn cán bộ tập kết lưu lại Quảng Tiến chừng năm ngày để phục hồi sức khỏe, học nội dung, quy chế sinh hoạt, hoạt động, tối xem phim, biểu diễn văn nghệ, giao lưu với nhân dân sở tại, rồi chuyển về xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc học tập, nhận nhiệm vụ mới.

Ông Trần Văn Bảo ở phố Phúc Đức năm nay 89 tuổi chậm rãi kể: Sau sáu tháng đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trở về nhà ông được chi ủy phân công làm Trưởng ban đón tiếp đồng bào, cán bộ miền nam tập kết. Ngoài huy động nhân lực, vật tư làm lán đón tiếp, nơi ăn, ở ban đầu cho cán bộ, đồng bào miền nam, ông dành ngôi nhà của mình đặt chục máy khâu may quần áo trang bị cho tù binh Pháp. Mọi người tập trung làm việc cả ngày đêm đáp ứng số lượng lớn trang phục cho tù binh chiến tranh. Theo đó việc giao, trả quân binh bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Nhiều lính Pháp lên tàu còn vẫy tay chào, hàm ơn tấm lòng độ lượng của quân, dân Việt Nam.

Cùng thời điểm, nhân dân Quảng Tiến đón hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ miền nam phía địch giao trả. Các thương, bệnh binh được đón tiếp, đưa về Trung tâm thương binh nặng ở xã Quảng Thọ chăm sóc. Gia đình ông Bảo tình nguyện đón thương binh Nguyễn Văn Thành quê ở Cần Thơ về ở cùng và được chia thêm hai sào ruộng để cấy, trồng, tạo nguồn hoa lợi nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh.

Ông Trần Chí Trác, nguyên Bí thư đảng ủy xã Quảng Tiến cho hay: Năm 1954 ông phụ trách công tác vận động thanh niên làm lán, trại tiếp đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền nam tập kết. Từ miền xuôi, các tổ công tác lên tận Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Hóa xuôi bè mảng vận chuyển hàng chục nghìn cây luồng, nứa, kè, lá cọ về cảng Hới. Quảng Tiến trở thành đại công trường rộn rã tiếng cười lẫn tiếng đục, tiếng cưa, tiếng hầy dô dựng cột, kèo. Hàng nghìn lao động đến từ các huyện lân cận cùng nhân dân Quảng Tiến mở rộng 5 km đường ra cảng Hới; san lắp mặt bằng, dựng hàng nghìn m2 lán làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt; làm tuyến cầu phao luồng dài hàng km đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền nam.

Từ 15-10-1954 đến 1-5-1955 tại Sầm Sơn, cán bộ, nhân dân Thanh Hóa đã hồ hởi đón tiếp, chăm sóc tận tình, chu đáo 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ, chiến sĩ, 5.922 học sinh, 1.443 gia đình cách mạng từ miền nam tập kết ra Bắc. Thời điểm ấy Thanh Hóa gặp khó khăn do thiên tai gây ra nhưng nhân dân trong tỉnh vẫn dành cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tập kết những bữa cơm trắng, canh ngọt.

Nhà văn Lưu Quý Kỳ viết: “Đoàn xà lan từ từ chở chúng tôi vào bờ. Trong Nam hàng vạn đồng bào tiễn đưa. Ở đây, hàng vạn đồng bào đón tiếp. Việt Nam là một nước. Nam Bắc một tấm lòng”.

Cùng xây dựng quê Thanh, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà

Sau các đợt tập kết, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền nam người tiếp tục theo học tại các cơ sở đào tạo, người biên chế vào lực lượng vũ trang. Mọi người tập trung học tập để góp phần xây dựng kinh tế miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, ông Huỳnh Hà Thanh cùng 16 cán bộ quê ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam thành lập tổ hợp chế biến nước nắm Bình Nam, tham gia phát triển kinh tế ngay ở địa phương đã đón các ông tập kết.

Thời gian này, ngụy quân, ngụy quyền không thực hiện hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước mà đàn áp cơ sở, phong trào cách mạng; đế quốc Mỹ công khai đưa quân viễn chinh vào miền nam. Ngày làm việc trên đất Bắc, đêm hướng về miền nam, ông Thanh hiểu chiến tranh còn kéo dài.

Qua học tập và lao động, ông Thanh và bà Trịnh Thị Lộc đã “bén duyên”. Đám cưới “bình dân” được tổ chức đã vun đắp thành tổ ấm hạnh phúc cho ông bà, và tiếp thêm cho ông nghị lực, hăng say lao động, chế biến hải sản, phát triển nghề cá ở Quảng Tiến.

Thanh Hóa - điểm hội tụ, thắt chặt truyền thống đoàn kết ảnh 1

Bà Lộc chăm sóc người chồng tập kết, cư trú ở Quảng Tiến.

Tập đoàn chế biến nước mắm Bình Nam phát triển thành HTX, công ty chế biến thủy sản quốc doanh, góp phần đưa Quảng Tiến trở thành đơn vị lá cờ đầu trong khác thác, chế biến hải sản ở miền bắc.

Như trường hợp thương binh Nguyễn Văn Thành sau nhiều năm được chăm sóc, nuôi dưỡng, kết duyên với chị Lê Thị Cành rồi chuyển cư lên huyện Như Xuân, xây dựng vùng kinh tế mới. Thượng du Thanh Hóa những năm 60 của thế kỷ XX dần có thêm những làng, xã mới do đồng bào miền xuôi, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền nam chung sức gây dựng nên. Những khu vực như Vân Du, Thạch Quảng (Thạch Thành), Phúc Do (Cẩm Thủy), Lam Sơn, Sông Âm, Sao Vàng (Ngọc Lặc), Bãi Trành (Như Xuân) đã thành những vựa lúa, miền đồi xanh tươi ngô, khoai, sắn, dần chuyển sang trồng cà phê, mía, cây ăn quả.

Ông Lưu Tân Cửu, quê ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, chiến đấu ở vùng hạ Lào, cùng sư đoàn ra Bắc, tập kết ở cửa Hội (Nghệ An). Thực hiện chủ trương giảm quân bị, ông về Liên đoàn Sao Vàng lao động, sản xuất, đến năm 1960 phát triển thành nông trường quốc doanh. Gần 1.000 ha được khai hoang, phục hóa; các hồ đập Vĩnh Trinh, Đồng Trường, Cửa Trát, Cây Quyết dần được thi công, cung ứng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Ông Cửu xung phong trở về quê hương xây dựng cơ sở hoạt động bí mật nhưng địch phát hiện, đành trở ra Bắc, tiếp tục công tác ở Nông trường Sao Vàng.

Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở phường Cẩm Châu, Thị xã Hội An, đến tuổi trưởng thành ông Trang Văn Đảng tham gia du kích, trở thành bộ đội địa phương, rồi được biên chế vào lực lượng chủ lực của Liên khu V. Sau ba ngày vượt biển, tập kết ở Hải Phòng, Sư đoàn 305 cùng ông tiếp tục hành quân về xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân đóng quân. Ông được tuyển chọn đào tạo nghiệp vụ pháo binh nhưng giảm quân thường trực nên chuyển về Cục cơ khí, Bộ Nông trường quốc doanh, rồi về công tác tại Nông trường Sao Vàng. Phụ trách đội cơ giới, ngoài phục vụ sản xuất, ông còn tham gia làm sân bay Sao Vàng, chỉ huy đại đội tự vệ chiến đấu, sau phát triển thành trung đoàn hỗn hợp gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo cao xạ.

Vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ thành quả lao động, sân bay Sao Vàng, đập Bái Thượng, ông Đảng đã cùng lực lượng vũ trang nông trường trưởng thành trong phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Tất cả vì miền nam ruột thịt”.

1.550 cán bộ, công nhân nông trường nhập ngũ, trong có nhiều người quê ở miền nam xung phong đi B, tham gia chiến đấu, giải phóng quê nhà. Tỉnh Thanh Hóa còn thành lập Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn vào chiến trường, sát cánh cùng quân dân Quảng Nam chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng 30-4-1975, thu non sông về một mối.

Ông Đảng trở về quê hương sau ngày đất nước đã thống nhất và lập tức lại được biên chế làm lực lượng nòng cốt xây dựng Nông trường Suối Nước Trong, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam năm 1978, rồi làm Giám đốc Nhà máy cơ khí tỉnh Tây Ninh, đảm đương công tác mặt trận, ổn định an ninh vùng đạo Cao Đài. Nghỉ hưu ông trở ra vùng đất Sao Vàng, nơi có người vợ giỏi việc nước, đảm việc nhà, giúp ông yên tâm chiến đấu, lao động, học tập, công tác.

Nguyên Bí thư đảng bộ Nông trường Sao Vàng Lê Hữu Ân khẳng định: Vùng đất Lam Sơn-Sao Vàng trù mật như hiện nay nhờ có công lao to lớn của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ miền nam gây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể, góp phần xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho CNXH, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền nam. Từ đây từng đoàn xe cơ giới chở lương thực, thực phẩm vào tuyến lửa; bổ sung nhân lực cho lực lượng vũ trang và cử các đoàn cán bộ nòng cốt vào tiếp quản vùng đất được giải phóng, gây dựng thêm các nông trường, phục hồi, xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Hiện tỉnh Thanh Hóa đang triển khai xây dựng Khu công nghiệp-nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn-Sao Vàng, thúc đẩy vùng thượng du tăng trưởng; tương tác, kết nối với Nghi Sơn-Bỉm Sơn-Sầm Sơn để Thanh Hóa tiến nhanh, mạnh, vững chắc trong thời trong thời kỳ CNH-HĐH.