Đến thăm Nghệ sĩ Ưu tú Ðức Chính tại nhà riêng nằm trên con phố nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học, đúng lúc ông đang dạy hát cho các học viên cao tuổi, chúng tôi có dịp được thưởng thức trực tiếp giọng hát của ông. Ở tuổi 67, nhìn ông vẫn phong độ, trẻ trung, chất giọng vẫn sáng, đẹp, dường như chưa hề bị tác động bởi thời gian. Sinh năm 1957, quê gốc ở Hà Nam, nhưng nghệ sĩ Ðức Chính sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội.
Có lẽ bởi thế mà tình yêu dành cho Thủ đô đã được hình thành, nuôi dưỡng trong ông như một lẽ tự nhiên. Năm 1975, khi vừa tròn 18 tuổi, mang theo tinh thần ba sẵn sàng, chàng thanh niên Ðức Chính gác lại ước mơ thi vào Ðại học Y để lên đường nhập ngũ, đầu quân cho Sư đoàn 361- bộ đội phòng không bảo vệ bầu trời Hà Nội; đây chính là bước ngoặt đưa ông đến với con đường nghệ thuật.
Tại đơn vị, qua các hoạt động phong trào, giọng hát trời phú của nghệ sĩ Ðức Chính được chú ý. Năm 1979, ông tham gia Hội diễn văn nghệ toàn quân; và với sáng tác đầu tay của chính mình mang tên “Kỷ niệm không quên”, lấy cảm hứng từ câu chuyện Bác Hồ đến thăm một đơn vị pháo phòng không bảo vệ vùng trời Thủ đô, ông đã giúp đơn vị giành Huy chương vàng. Ca khúc này ngay sau đó được người yêu nhạc biết đến qua sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam với phần thể hiện của Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Hưng.
Năm 1980, tại Hội diễn ca khúc chính trị toàn quốc, nghệ sĩ Ðức Chính tiếp tục đoạt Huy chương vàng với bài hát “Cung đàn mùa xuân” (nhạc Cao Việt Bách, thơ Lưu Trọng Lư). Nghệ sĩ Ðức Chính trở thành diễn viên đơn ca của Ðoàn Nghệ thuật Phòng không, sau là Ðoàn Văn công Phòng không-Không quân. Luôn mong muốn được nâng cao trình độ, năng lực cho nên đến năm 1981, ông xin cơ quan cho đi học và thi đỗ Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Dưới sự dìu dắt trực tiếp của Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Hưng, giọng ca của nghệ sĩ Ðức Chính vốn đã đẹp lại càng thêm tinh tế. Tại Hội diễn đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ nhất năm 1987-1988, ông đã đoạt giải Người hát hay nhất bài hát đề tài khi thể hiện ca khúc “Lời tỏ tình của mùa xuân” (Thanh Tùng) và “Ngọn lửa cao nguyên” (Trần Tiến).
Giọng ca của nghệ sĩ Ðức Chính được yêu mến qua nhiều bài hát về Hà Nội, như: “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” (Nguyễn Cường), “Cảm xúc tháng 10” (nhạc Nguyễn Thành, thơ Tạ Hữu Yên), “Ngẫu hứng sông Hồng” (Trần Tiến), “Mong về Hà Nội” (Dương Thụ)… Trong số đó, “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” có thể coi là ca khúc đã đóng đinh với giọng hát của Ðức Chính trong ấn tượng của công chúng.
Trước ông, từng có ca sĩ thể hiện bài hát này, nhưng phải đến Ðức Chính, cái chất Hà Nội mới toát lên sâu lắng và trọn vẹn. Chia sẻ về kỷ niệm với ca khúc này, ông cho biết khi gia đình chuyển từ phố Hàng Ngang sang phố Hàng Bạc, tình cờ ở gần nhà nhạc sĩ Nguyễn Cường, hai người nghệ sĩ cùng chung tình yêu với âm nhạc, với Hà Nội đã nhanh chóng trở nên thân thiết, và nhạc sĩ Nguyễn Cường đã trao cho nghệ sĩ Ðức Chính ca khúc mình rất tâm huyết để thể hiện.
Nghệ sĩ Ðức Chính chia sẻ rằng khi ông hát về Hà Nội cũng tựa như giãi bày tiếng lòng với mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn. Ông được trao danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2012.
Nghệ sĩ Ðức Chính còn thành danh ở vai trò nhạc sĩ. Trong gia tài gần 100 ca khúc do ông sáng tác có một góc riêng cho những ca khúc về Hà Nội. Ngoài sáng tác đầu tay “Kỷ niệm không quên”, còn có những bài hát như: “Mai về cùng em”, “Ðồng Xuân một ngày mới”, “Tôi yêu quê tôi Ba Vì”… Mỗi bài hát đều như những lời thủ thỉ, tâm tình, kể những câu chuyện về mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, giọng hát và những sáng tác âm nhạc của nghệ sĩ Ðức Chính đã theo chân ông tới nhiều vùng miền đất nước để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Là nghệ sĩ trưởng thành từ quân ngũ, sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Vẫn hát, sáng tác và dạy thanh nhạc cho những người cao tuổi không chuyên, với Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ðức Chính, đó là công việc nhiều ý nghĩa, giúp lan tỏa tình yêu âm nhạc, tình yêu cuộc sống cho mọi người.