Ngành y tế chuẩn bị kỹ những bước đi tiếp theo đối phó với dịch Covid-19

NDO -

"Chúng ta tự hào vì ngành y đã đóng góp phần mình vào thắng lợi chung của đất nước trong việc ngăn chặn hai đợt dịch Covid-19 và đang tiếp tục tích cực chuẩn bị kỹ những bước đi tiếp theo để đối phó nếu dịch quay trở lại", quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. 

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Đại hội.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Đại hội.

Sáng 19-10, Bộ Y tế tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VII giai đoạn 2020 - 2025 với chủ đề: "Đoàn kết – Kế thừa – Đổi mới – Phát triển". Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đến dự.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm năm qua, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhiều sản phẩm mới, kỹ thuật mới, thiết thực, hiệu quả, trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ tạo nên những thành công trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị và của toàn ngành.

Đặc biệt, trong công cuộc chống dịch Covid-19 vừa qua, các chiến sĩ áo trắng đã tiếp tục thể hiện ý chí, không ngại khó khăn gian khổ, đứng vững ở tuyến đầu chống dịch.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tỉnh thành phố triển khai sớm các biện pháp phòng, chống dịch rất mạnh mẽ và hiệu quả theo chiến lược “ngăn chặn – cách ly - khoanh vùng triệt để - dập dịch quyết liệt và điều trị”, kết hợp với nguyên tắc “bốn tại chỗ” vốn lâu nay đã chứng minh được tính hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh và phòng chống thiên tai.

Những ổ dịch được nhanh chóng dập dứt điểm, số lượng ca mắc chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với quy mô dân số, tất cả các bệnh nhân nặng được điều trị bình phục…là những thành tích chống dịch Covid-19 nổi bật của Việt Nam trong giai đoạn 1 được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Khi đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng trong bối cảnh cả nước đang khẩn trương triển khai chủ trương mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế” của Chính phủ, ngành y tế đã thực hiện một việc chưa từng có tiền lệ.

Bộ Y tế thành lập Sở chỉ huy tiền phương chống dịch tại Đà Nẵng và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn ngành với lực lượng hơn 1.000 cán bộ y tế trong đó có 300 thầy thuốc là những chuyên gia đầu ngành trong công tác phòng chống dịch và điều trị để hỗ trợ, phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và hoàn thành việc dập dịch dứt điểm trong chưa đầy 40 ngày, cứu được tính mạng của nhiều bệnh nhân nặng.

“Chúng ta tự hào vì ngành y đã đóng góp phần mình vào thắng lợi chung của đất nước trong việc ngăn chặn hai đợt dịch Covid-19 và đang tiếp tục tích cực chuẩn bị kỹ những bước đi tiếp theo để đối phó nếu dịch quay trở lại. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, tôi nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực chung của toàn ngành, tất cả các tập thể, cá nhân đã đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết và công sức vào công tác phòng, chống dịch Covid-19”, quyền Bộ trưởng phát biểu.

Ngành y tế chuẩn bị kỹ kịch bản để đối phó nếu dịch quay trở lại -0
 Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020.

Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực y học cao như các thành tựu về ghép tạng và tim mạch can thiệp, các kỹ thuật nội soi được chuyển giao cho nhiều bệnh viện trong nước và được hơn 300 bác sĩ từ nước ngoài tới học tập. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đã đạt thành tựu khoa học trong ca đại phẫu thuật với hai bế Trúc Nhi và Diệu Nhi – một ca đại phẫu thuật phức tạp nhất từ trước đến nay với số lượng kíp mổ rất lớn.

Lĩnh vực sản xuất vaccine, sinh phẩm chẩn đoán và điều trị đã giảm chi phí từ 1/2-1/3 so với sản phẩm, dịch vụ cùng loại của nước ngoài. Sau 14 năm chuẩn bị, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 39 được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vaccine trong tổng số 43 nước có sản xuất vaccine trên thế giới.

Trong lĩnh vực quản lý dược, Bộ Y tế đã đẩy mạnh đấu thầu tập trung, đàm phán giá thuốc, giúp giảm chi phí thuốc, tiết kiệm ngân sách. Năm 2017, giảm được hơn 594 tỷ đồng; Năm 2018 - 2019 thuốc generic giảm được 1.563 tỷ đồng, thuốc ARV giảm được 44,4 tỷ đồng, đàm phán giá cấp quốc gia bốn thuốc giảm được 551 tỷ đồng. 

Công tác khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt về mặt chất lượng, giảm quá tải bệnh viện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Đặc biệt, đề án Khám chữa bệnh từ xa đã giúp Việt Nam hội chẩn từ xa, điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng. Đến nay đã có 1.000 cơ sở y tế kết nối hệ thống Telehealth, xóa dần khoảng cách về mặt chuyên môn giữa y tế vùng miền. 

Các lĩnh vực y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, công tác dân số, y tế biển đảo, truyền thông giáo dục, cải cách hành chính cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, hoàn thành các mục tiêu mà ngành y tế đã đặt ra. 

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong giai đoạn tới đây ngành sẽ tiếp tục kế thừa những truyền thống tốt đẹp, phát huy trí tuệ, sức mạnh đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên của toàn ngành để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực tích cực, mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20 và 21 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mới của giai đoạn 2020-2025 hướng tới phục vụ người dân ngày một tốt hơn, từng bước nâng cao vị thế của ngành y tế Việt Nam xứng đáng với sự giao phó của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc và đồng thời cũng để tri ân những tình cảm sẻ chia mà người dân đã dành cho ngành y tế, GS, TS Nguyễn Thanh Long cũng kêu gọi ngành y tế hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo” ủng hộ đồng bào miền trung ruột thịt khắc phục hậu quả thiên tai.

Tập trung phòng, chống dịch Covid-19