Những chuyển biến tích cực
Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi là một trong những cơ sở dạy nghề đi đầu của tỉnh Hưng Yên về nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Nhà trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học hiện đại; đội ngũ giáo viên đủ năng lực để đào tạo 11 nghề trình độ cao đẳng, 16 nghề trình độ trung cấp và sơ cấp với quy mô đào tạo khoảng 3500 đến 4000 học sinh, sinh viên thuộc các lĩnh vực cơ điện, thủy lợi và phát triển nông thôn. Nhà trường đã xây dựng được mạng lưới gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với hàng trăm doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp FDI.
Các chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi có sự gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Trong các kỳ thực tập, các em học sinh, sinh viên được rèn tay nghề, luyện tác phong làm việc nền nếp tại các doanh nghiệp. Nhờ đó, số học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt từ 95% trở lên. Một số ngành nghề tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 100%, như: công nghệ ô tô, kế toán doanh nghiệp, điện công nghiệp…
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi Lý Hưng An, cho biết: Để đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, trường đã xây dựng nội dung chương trình đào tạo theo hướng học đi đôi với hành, giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời gian thực hành. Nhà trường đang liên kết với gần 100 doanh nghiệp từ việc tuyển sinh đến đào tạo và kết nối tạo việc làm cho học sinh, sinh viên. Sau thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, các em được rèn tay nghề, tác phong làm việc nên đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng sau khi ra trường.
Sinh viên trường cao đẳng Cơ điện và thủy lợi Đỗ Văn Thắng, chia sẻ: Trong quá trình học em và các bạn đã được đi thực tế, vừa học vừa làm tại một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; hoạt động này giúp chúng em có thêm kinh nghiệm trong quá trình vận hành, sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ cho làm việc sau này.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên quan tâm đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, phát triển đội ngũ giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; đổi mới chương trình, phương thức đào tạo… Chương trình đào tạo của trường được xây dựng và triển khai theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt, coi trọng các giờ học thực hành, thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức mới nhằm thực hiện đào tạo sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên tích cực điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; tập trung đào tạo các ngành, nghề doanh nghiệp có nhu cầu cao về nhân lực, tạo cơ hội tìm việc sau tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên như: Điện tử công nghiệp, may thời trang, công nghệ thông tin, hàn…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 10 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 10 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo 77 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, ngắn hạn và chuyển giao khoa học kỹ thuật; trong đó, có 23 nghề trọng điểm, gồm: 1 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, 2 nghề trọng điểm cấp độ Asean, 20 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thường xuyên phối hợp tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, phân luồng tuyển sinh; trung bình mỗi năm tổ chức khoảng 50 “Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cấp cơ sở”.
Phương pháp dạy và học của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề; đa dạng hóa các phương thức và chương trình đào tạo nhân lực có tay nghề cao; gắn kết hơn với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp được hình thành và vận hành có hiệu quả trong thực tiễn. Hằng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên đã phát động, tổ chức cho học sinh, sinh viên các trường nghề tham gia hội thi tay nghề ASEAN. Qua đó, đã rèn luyện thêm kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên, đào tạo nguồn nhân lực mới có tay nghề bổ sung vào lực lượng lao động chất lượng cao của tỉnh.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MekTec Manufacturing khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên. |
Tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho công tác đào tạo nghề
Nhìn chung công tác đào tạo nghề ở tỉnh Hưng Yên đã có những chuyển biến tích cực, hàng năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo ngắn, dài hạn được trên 60.000 người cung cấp cho thị trường lao động. Tuy nhiên, trong công tác đào tạo ở tỉnh Hưng Yên còn những mặt tồn tại, yếu kém: Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phân bố không đồng đều, nhiều cơ sở công lập. Chưa có nhiều cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao để đào tạo lao động có tay nghề cao hoặc các nghề mũi nhọn, trọng điểm.
Tiến độ giao thực hiện tự chủ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chậm. Năng lực của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đạt yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn thiếu, lạc hậu; một số chương trình, giáo trình chậm được đổi mới, cập nhật. Công tác tuyển sinh nhất là tuyển sinh trình độ cao còn gặp khó khăn; một số ngành, nghề có số lượng tuyển sinh thấp hoặc không tuyển sinh được. Tình trạng học sinh sau khi tốt nghiệp không được vào làm việc đúng với ngành, nghề đào tạo vẫn còn nan giải; tỷ lệ lao động qua đào tạo có kỹ năng và tác phong làm việc chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng còn nhiều;
Tỉnh Hưng Yên đang trong quá trình công nghiệp hóa, do vậy nhu cầu nhân lực có tay nghề, nhất là tay nghề cao là rất lớn, đến năm 2025 tỉnh Hưng Yên phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%. Để đạt được mục tiêu trên tỉnh Hưng Yên tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp với nhiều nhiệm vụ giải pháp:
Rà soát, sắp xếp, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức khác thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhất là tham gia hợp tác, đào tạo nghề; ưu tiên, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia thành lập trường cao đẳng tư thục chất lượng cao.
Đẩy mạnh thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp công lập ở tỉnh, huyện. Nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao; chú trọng công tác đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tập trung đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, đa dạng hoá nội dung, hình thức, chương trình, giáo trình đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác phân luồng, phân tầng đào tạo, tập trung bồi dưỡng kỹ năng nghề, thực hành nghề, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp; đưa nội dung giáo dục tác phong làm việc, phẩm chất đạo đức, lối sống vào chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng lao động sau đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; áp dụng chuẩn đầu ra đào tạo lao động có tay nghề cao.
Ưu tiên bố trí nguồn lực nhà nước gắn với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, lồng ghép các nguồn lực theo các chương trình mục tiêu, dự án để nâng cao năng lực đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, hoàn thiện phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư tập trung cho các nghề trọng điểm, nghề mũi nhọn, nghề có nhu cầu sử dụng nhiều lao động có tay nghề cao; hỗ trợ xây dựng, tiếp nhận các chương trình đào tạo tiên tiến ứng dụng trong đào tạo lao động có tay nghề cao.
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với người dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh có nguyện vọng học nghề tại các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, góp phần khuyến khích đào tạo lao động có tay nghề cao; xây dựng, ban hành chương trình, đề án đào tạo lao động có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đến năm 2030 gắn với thực hiện tốt Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.