Khai mạc hội nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: Hưng Yên là vùng đất văn hiến và cách mạng có bề dày truyền thống lịch sử và mang đậm dấu ấn văn hóa lúa nước sông Hồng, có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa có giá trị và kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng.
Trong 1.803 di tích ở tỉnh Hưng Yên có 3 di tích, cụm di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 176 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 272 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 8 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, cùng hàng vạn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị; 6 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gần 600 lễ hội; nhiều làng nghề truyền thống và những làn điệu dân ca đằm thắm.
Hưng Yên cũng là nơi sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, những nhà văn hóa, chính trị, quân sự lỗi lạc làm rạng danh quê hương, đất nước như: Triệu Việt Vương, Phạm Ngũ Lão, Liệt sĩ Tô Hiệu, Trung tướng Nguyễn Bình, Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nhà thơ Phạm Huy Thông... là quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Hội nghị Văn hóa tỉnh Hưng Yên năm 2024 tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị thế, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm. Từ đó, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người Hưng Yên thời kỳ mới.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã trực tiếp tham luận về các nội dung: Văn hóa Hưng Yên trong dòng chảy văn hóa dân tộc; thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người Hưng Yên trong bối cảnh hiện nay; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; nhận diện bản sắc văn hóa, con người Hưng Yên trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp…
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh: Với mục tiêu đưa Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân cần phải xác định phát triển văn hóa, con người Hưng Yên là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, thường xuyên, liên tục, phải được đặt ngang tầm với chính trị, kinh tế.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Quan tâm phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống nhất là văn hóa Phố Hiến cổ gắn với phát triển du lịch; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tăng cường giới thiệu, quảng bá, lan tỏa rộng rãi hình ảnh, giá trị tốt đẹp của văn hóa và con người Hưng Yên ra thế giới.
Huy động các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ; chăm lo phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ văn nghệ cơ sở; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa; tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng con người Hưng Yên phát triển toàn diện, trở thành động lực, nguồn lực để xây dựng quê hương ngày càng hưng thịnh, yên bình.