Đổi mới toàn diện giáo dục ở Hưng Yên

Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến trong dạy và học, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Đổi mới toàn diện giáo dục ở Hưng Yên

Những kết quả tích cực

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Đức Hào cho biết, việc triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Văn Lâm đã đạt được những kết quả tích cực. Các trường học thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học; triển khai giáo dục STEM, STEAM trong các cơ sở giáo dục; tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống; tiếp tục áp dụng một cách phù hợp mô hình trường học mới. Với phương pháp giáo dục theo chuẩn kiến thức kỹ năng đã phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh, bảo đảm hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ, dạy nghề theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên, để tổ chức triển khai thực hiện một cách hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội, tỉnh Hưng Yên đã ban hành kịp thời và đầy đủ các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và cụ thể hóa các nhiệm vụ tại địa phương.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên thường xuyên nắm bắt khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người dân và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh bằng nhiều hình thức nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và nhân dân trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Đồng thời, tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Điểm nổi bật, mấu chốt trong việc thực hiện đổi mới giáo dục là tỉnh Hưng Yên đã tích cực chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh; chỉ đạo đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; tăng cường việc sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các đơn vị giáo dục; yêu cầu mỗi giáo viên phải thường xuyên tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

Từ đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và tự chủ của nhà trường, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông. Phân công nhiệm vụ phù hợp trình độ chuyên môn, năng lực của giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ năm học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã nhận thức đầy đủ về quan điểm, chủ trương đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông, kiên định mục tiêu đổi mới, linh hoạt ở phương pháp triển khai; có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, thường xuyên trao đổi rút kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy thông qua dự giờ, sinh hoạt chuyên môn.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng, sử dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh. Học sinh đã trở nên tự tin, tự lực trong học tập, giao tiếp; mạnh dạn đưa ra ý kiến của riêng mình, phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo trong quá trình học tập.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả đổi mới giáo dục, đào tạo

Đổi mới toàn diện giáo dục ở Hưng Yên ảnh 1

Trong trình đổi mới giáo dục toàn diện và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở tỉnh Hưng Yên còn gặp những khó khăn vướng mắc: Thực hiện việc sáp nhập trường đã dẫn đến quy mô số lớp, số học sinh tăng; công tác quản lý, điều hành hoạt động của các nhà trường gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chuyên môn đối với các nhà trường sát nhập. Số lượng người làm việc trong các cơ sở THCS công lập của tỉnh Hưng Yên còn thiếu so với quy định về định mức giáo viên/lớp.

Do thay đổi về trình độ đào tạo đối với giáo viên khối mầm non và tiểu học theo Luật Giáo dục năm 2019, nên nguồn tuyển dụng đối với cấp học trên còn hạn chế; việc chuyển đổi cơ chế tự chủ tài chính để thực hiện trả lương cho viên chức từ nguồn thu sự nghiệp trong các nhà trường còn chậm nên chưa có cơ sở để thực hiện tuyển dụng viên chức đối với số biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, dẫn đến tình trạng số biên chế chưa sử dụng còn nhiều, chưa bảo đảm số giáo viên giảng dạy trong các nhà trường.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đồng bộ, thiếu; việc khai thác sử dụng thiết bị dạy học ở một số nhà trường còn hạn chế. Một số đơn vị trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, một số công trình phụ trợ của các đơn vị trường xây dựng đã lâu nên xuống cấp. Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương còn gặp khó khăn trong việc in ấn, phát hành do công tác đấu thầu. Một bộ phận giáo viên gặp khó khăn khi được phân công dạy liên môn…

Để thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Văn Phê cho biết, tỉnh Hưng Yên sẽ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những năm tới: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường, trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý và chức năng giám sát của xã hội, kiểm tra của cấp trên.

Chỉ đạo các đơn vị giáo dục thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Yêu cầu giáo viên các tổ, nhóm chuyên môn tích cực xây dựng kế hoạch môn học, xây dựng chủ đề dạy học. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Đổi mới nội dung, phương thức đánh giá học sinh phù hợp với các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học của học sinh. Tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.

Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về năng lực chuyên môn, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; năng lực tổ chức các hoạt động học và đổi mới kiểm tra đánh giá, tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Tích cực quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm lớp. Nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, của tổ chức đoàn, hội, đội, gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ có nền nếp, kỷ cương. Chú trọng giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng.

Tích cực tham mưu với các chính quyền địa phương trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; Tăng cường huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục.