Ngành dầu khí tăng cường giải pháp tạo tín chỉ các-bon

Với vai trò là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực năng lượng ở nước ta, thông qua hàng loạt các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong hoạt động của mình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã và đang nỗ lực vận dụng tất cả năng lực, kinh nghiệm, tiềm năng sẵn có để chung tay cùng Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án áp dụng công nghệ nâng cao thu hồi dầu, lần đầu được áp dụng đã mang lại hiệu quả cao tại mỏ Rạng Đông.
Dự án áp dụng công nghệ nâng cao thu hồi dầu, lần đầu được áp dụng đã mang lại hiệu quả cao tại mỏ Rạng Đông.

Tại Việt Nam, phát thải khí nhà kính đang vào khoảng 400 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó lĩnh vực năng lượng chiếm khoảng hai phần ba, còn lại là các lĩnh vực khác. Với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26, thị trường tín chỉ các-bon trong nước được dự báo sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới.

Tích cực chuyển đổi xanh

Đại diện lãnh đạo PVN cho biết, lượng phát thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng lượng phát thải ngành năng lượng. Đạt được điều này do các hệ thống thiết bị, công nghệ sản xuất của Tập đoàn hiện đại hơn so với mặt bằng chung của ngành năng lượng Việt Nam. Theo số liệu năm 2020, tỷ trọng phát thải của PVN chỉ chiếm khoảng 7% phát thải khí nhà kính của lĩnh vực năng lượng (19,5/273 triệu tấn CO2 tương đương). Mặc dù vậy, trong giai đoạn đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, nếu không có các biện pháp giảm phát thải, tỷ trọng phát thải của PVN sẽ tăng nhanh, chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp điện.

Hiện nay, Tập đoàn đang cập nhật kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết mới của Việt Nam. Theo đó, đến năm 2025, Tập đoàn dự kiến cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với phát thải cơ sở năm 2010. Giai đoạn 2031-2050, triển khai các giải pháp “xanh hóa” các nhà máy điện than, các dự án công nghệ thu hồi, sử dụng, lưu trữ các-bon (CCS/CCUS); tiếp tục thực hiện các dự án sản xuất năng lượng sạch như hydrogen “xanh”, NH3 “xanh” có tính khả thi; phát triển chuỗi giá trị thu hồi, sử dụng và lưu trữ các-bon,…

Với đặc điểm các nhà máy điện thường sử dụng lượng nhiên liệu và lượng phát thải khí nhà kính rất lớn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) hết sức chú trọng tìm giải pháp giảm thiểu phát thải hiệu quả. Từ nay đến năm 2030, PV Power đặt mục tiêu có 12 giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thực hiện tại các nhà máy điện và theo tính toán của PVN, dự kiến sẽ giảm thiểu được 160.884 tấn CO2e (lượng khí thải tương đương các-bon đi-ô-xít) trong giai đoạn 2018-2025 và 72.150 tấn CO2e trong giai đoạn 2026-2030.

Các giải pháp đăng ký phần lớn thuộc giải pháp tiết kiệm, giảm thiểu năng lượng sử dụng trong sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời. “Để phát triển bền vững, PV Power định hướng ưu tiên và khuyến khích sử dụng các công nghệ mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo và tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các loại nhiên liệu sạch, nhiên liệu thay thế và các công nghệ giảm thiểu phát thải tiên tiến khác để kịp thời đáp ứng chuyển dịch năng lượng, hướng tới mục tiêu giảm thiểu phát thải ròng của Chính phủ” - đại diện lãnh đạo PV Power nhấn mạnh.

Tăng cường giải pháp thu hồi, lưu trữ các-bon

Những năm qua, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đã xây dựng, triển khai lộ trình chuyển dịch năng lượng với định hướng nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tiết giảm, tối ưu sử dụng năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở sản xuất; phát triển các dự án nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) theo hình thức các “Hub nhập khẩu” kết nối với các tổ hợp nhà máy điện khí và phân phối LNG cho các thị trường hiện hữu, mở rộng thị trường mới, thay thế các loại nhiên liệu than, dầu có mức phát thải cao hơn khí; nghiên cứu tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh hydrogen “xanh”, NH3 “xanh” trên cơ sở tận dụng tối đa hạ tầng hiện hữu và đầu tư các hạ tầng mới.

Không chỉ những đơn vị nêu trên, hiện các đơn vị thành viên của PVN đã và đang xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh, hướng tới hạn chế đến mức thấp nhất phát thải khí nhà kính. Đơn cử, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) đặt ra lộ trình đến năm 2030 giảm 20% phát thải ròng, năm 2040 giảm 50% và tiến tới mục tiêu net zero vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu đó, PVEP đề ra các giải pháp bao gồm nỗ lực giảm thiểu phát thải trực tiếp từ các công trình hiện hữu, phát triển các dự án CCS/CCUS, mở rộng năng lượng tái tạo và các giải pháp các-bon thấp, tối ưu hóa việc sử dụng bù đắp các-bon trên cơ sở trồng rừng,… Trong đó, giải pháp được đơn vị quan tâm trong kế hoạch dài hạn là CCS (công nghệ thu hồi và lưu trữ các-bon) - thu hồi CO2 từ các nguồn phát thải, sau đó vận chuyển đến các điểm lưu giữ lâu dài.

Lãnh đạo PVN khẳng định: CCS được xem là một trong các biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp dầu khí. Hiện tổng cộng có 34 mỏ dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam đã được đánh giá tiềm năng lưu trữ CO2. Nếu chỉ xét đến các mỏ có tiềm năng lưu trữ lớn hơn 10 triệu tấn CO2, khả năng lưu trữ hiệu quả của các mỏ dầu khí ở bốn bể trầm tích đang có mỏ khai thác của Việt Nam là 1,15 Gt CO2, với mỏ lớn nhất hơn 300 triệu tấn CO2. Các mỏ dầu khí sắp cạn kiệt có thể tận dụng làm nơi lưu trữ, chôn lấp CO2, đồng thời có thể tận dụng các hạ tầng đường ống thu gom hiện tại để vận chuyển CO2,… Ngoài ra, đơn vị có thế mạnh sử dụng, tái chế CO2, như sử dụng CO2 cho nâng cao hệ số thu hồi dầu, sản xuất đạm, nhiên liệu tổng hợp, hóa chất, vật liệu,… Cũng theo lãnh đạo PVN, với tiềm lực tài chính lớn và ổn định sẽ giúp đơn vị đầu tư vào các dự án CCS với quy mô lớn và hiệu quả cao.

Đây cũng là cơ hội để Tập đoàn mở ra hướng kinh doanh mới, tạo ra tín chỉ các-bon đến từ việc thu hồi và lưu trữ CO2 tại các mỏ dầu khí ngoài khơi, tiên phong trong triển khai CCS, tạo ra lợi ích kinh tế và đem lại lợi nhuận từ việc bán tín chỉ các-bon hoặc tham gia vào thị trường các-bon, cũng như tăng cường vị thế của PVN, góp phần tăng uy tín tuân thủ các quy định về chống biến đổi khí hậu và giảm khí nhà kính của ngành dầu khí Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Lê Mạnh Hùng cho rằng, bên cạnh việc sử dụng các giải pháp khoa học công nghệ để giảm các loại phát thải khí nhà kính, trồng cây gây rừng là giải pháp chính yếu thứ hai giúp các doanh nghiệp tích lũy tín chỉ các-bon để được quy đổi tỷ lệ phát thải. “Với doanh nghiệp, việc trồng cây, gây rừng không chỉ là trách nhiệm với xã hội mà còn mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp khi được công nhận, cấp tín chỉ các-bon bù đắp phần phát thải.

Các hoạt động trồng rừng, phục hồi rừng trong những năm qua đã thể hiện hành động mạnh mẽ của PVN về ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu, góp phần cùng cả nước đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” - ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.