Quảng Bình hiện có hơn 591.000 ha rừng, trong đó có 469.961 ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,70%, đứng thứ hai cả nước. Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh được chi trả cho việc giảm phát thải là 469.317 ha, với số tiền hơn 235 tỷ đồng (cao thứ hai trong sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ), bình quân số tiền chi trả trên đơn vị diện tích là 170.000 đồng/ha.
Kinh phí lớn nhưng khó chi trả
Đến nay, Quỹ bảo vệ phát triển rừng Quảng Bình thực hiện phân bổ kinh phí cho các đối tượng hưởng lợi số tiền 68 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch, kinh phí còn lại sẽ được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024 để tiếp tục chi trả theo quy định.
Cùng với những kết quả bước đầu, quá trình triển khai thực hiện chi trả theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ ở tỉnh Quảng Bình gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cho biết, theo quy định, đối tượng hưởng lợi là cộng đồng dân cư, UBND cấp xã có thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức trong khi thực tế ở Quảng Bình thì diện tích rừng tự nhiên của các chủ rừng là tổ chức chủ yếu nằm ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, nhiều nơi giáp biên giới, điều kiện tiếp cận khó khăn, có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống. Vì thế, khi triển khai chi trả nguồn kinh phí này, các diện tích rừng này khó để đưa vào thực hiện giao khoán cho cộng đồng. Do đó, việc giới hạn đối tượng nhận khoán (cộng đồng dân cư) theo quy định là chưa bảo đảm tính khả thi trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Mặt khác, Điểm c Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP quy định nguyên tắc "chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước". Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang được bố trí kinh phí từ các chương trình, dự án thuộc ngân sách nhà nước để bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng (nhưng mức kinh phí đang hỗ trợ ở mức rất thấp, dưới 300.000 đồng/ha/năm). Nếu thực hiện theo quy định nêu trên thì sẽ còn lại rất ít diện tích rừng thực hiện việc khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP.
Đồng thời, một số chủ rừng không còn quỹ đất, không thực hiện được các biện pháp lâm sinh theo quy định hiện hành dẫn đến có thể phải trả lại kinh phí đã được phân bổ.
Làm rõ hơn về vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm Công nghiệp Long Đại Lương Sỹ Trình cho biết, diện tích rừng tự nhiên mà công ty được chi trả từ việc bán tín chỉ carbon là 57.937 ha thuộc vùng sâu, vùng biên giới Việt Nam-Lào, không có cộng đồng sinh sống trong rừng hoặc chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số sống ven rừng, vì vậy không thể thực hiện phương án giao khoán cho cộng đồng cùng tham gia quản lý bảo vệ rừng với công ty. Nghị định 107/2022/NĐ-CP quy định chi trả kinh phí cho cộng đồng có tham gia quản lý rừng với công ty là không thực hiện được. Trong khi đó, Công ty TNHH một thành viên Lâm Công nghiệp Long Đại là doanh nghiệp nhà nước, công tác quản lý bảo vệ rừng được đảm trách bởi lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là cán bộ, công nhân viên của công ty, hình thức khoán là khoán theo công việc. Để quản lý bảo vệ 57.937 ha, công ty đã phải thường xuyên biên chế gần 100 nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách, bình quân 600 đến 700 ha/người. Theo nghị định nói trên thì lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách không thuộc đối tượng được chi trả kinh phí. Vì thế, công tác giải ngân nguồn kinh phí được phân bổ của công ty gặp khó khăn, chưa thực hiện được.
Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh đang quản lý, bảo vệ hơn 52.000 ha rừng. Năm 2023, đơn vị được chi trả 8,2 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon. Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh Đỗ Minh Cừ cho biết, theo hướng dẫn, đơn vị chi 10% nguồn kinh phí được phân bổ cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, như: mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác quản lý, hỗ trợ xăng dầu cho xe, thuyền khi tuần tra truy quét, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Số còn lại sẽ hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng và xây dựng các mô hình sinh kế. Thực tế, số tiền mà Ban quản lý nhận được khá lớn, trong khi lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị đều là viên chức, hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên không thể nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí này. Trong khi phần lớn diện tích rừng của Ban quản lý đã khoán cho người dân bảo vệ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I với số tiền 400 nghìn đồng/ha/năm nên cũng không thể hỗ trợ thêm.
Sớm gỡ vướng về chi trả kinh phí
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm kiêm Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Long cho biết, số tiền bán tín chỉ carbon mà địa phương thu được và đã phân bổ cho các đơn vị chủ rừng trên địa bàn là khá lớn nhưng việc chi trả nguồn kinh phí này hiện gặp nhiều khó khăn. Cơ bản nhất vẫn là vướng quy định nguyên tắc "chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước".
Đại diện lãnh đạo Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung các nội dung được chi trả cho chủ rừng là tổ chức tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 107/2022/NĐ-CP theo hướng: Đối với các hoạt động không thực hiện được theo các nội dung được chi trả tại Điểm b Khoản 3 Điều 8 Nghị định 107/2022/NĐ-CP hoặc có thực hiện một phần thì kinh phí còn lại được thực hiện theo các nội dung tại Khoản 2 Điều 65 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo quy định của Nghị định 107/2022/NĐ-CP, điều kiện để được hỗ trợ phát triển sinh kế là cộng đồng phải có đăng ký tham gia hoạt động quản lý rừng, thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với công ty. Đây là nội dung quan trọng và mang tính nhân văn nhằm tạo sinh kế ổn định cho người dân sống trong rừng hoặc gần rừng để giảm áp lực lên công tác bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, thực tế ở Quảng Bình nhiều đơn vị lâm nghiệp bảo vệ rừng tự nhiên không có người dân tham gia nên việc hỗ trợ sinh kế không thực hiện được hoặc nếu đủ điều kiện để hỗ trợ cũng chưa giải ngân được. Bởi theo quy định, mỗi cộng đồng được hỗ trợ một mô hình trị giá 50 triệu đồng/năm là quá ít, trong khi các ban quản lý rừng phòng hộ cấp huyện không có chức năng và người có chuyên môn để hướng dẫn tạo mô hình sinh kế cho người dân. Lãnh đạo các đơn vị đề nghị tách nội dung này và giao cho phòng nông nghiệp, hội nông dân huyện hoặc chính quyền cấp xã thực hiện để sát thực, hợp lý và hiệu quả hơn.
Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh Đỗ Minh Cừ đề nghị các cấp thẩm quyền cần có những điều chỉnh lại đối tượng hưởng lợi từ bán tín chỉ carbon cho phù hợp với từng chủ rừng. Bởi kinh phí nhiều, trong khi lực lượng bảo vệ rừng trực tiếp thu nhập còn thấp, công việc rất vất vả, nguy hiểm nên có một số người phải bỏ việc hoặc xin chuyển công tác.
"Các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng cho người dân đã có nhưng vẫn chưa bảo đảm cuộc sống cho họ. Nếu số tiền từ việc bán tín chỉ carbon được dùng để hỗ trợ thêm cho lực lượng bảo vệ rừng và người dân tham gia giữ rừng, xây dựng thêm nhiều mô hình sinh kế cho bà con gần rừng thì công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ hiệu quả và có tính bền vững hơn", Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh Đỗ Minh Cừ nêu quan điểm.
Từ những khó khăn của địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị mở rộng đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng đối với các diện tích rừng tự nhiên của các chủ rừng là tổ chức như: hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương, các đối tượng khác như lao động hợp đồng…