Ngành chăn nuôi đứng trước những thách thức về chuyển đổi cơ cấu sản xuất

NDO - Sáng 14/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 14/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Sáng 14/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đến cuối năm 2023, tổng đàn lợn cả nước đạt 25,5 triệu con (chưa tính khoảng 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2022. Năm 2023 là năm có số đầu con lợn cao nhất trong 5 năm trở lại đây và tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình là 6,0%/năm trong giai đoạn 2019-2023.

Tổng đàn lợn đến thời điểm cuối tháng 6/2024 ước tính đạt 25.549,2 nghìn con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023 (theo Tổng cục Thống kê). Trong đó, đàn lợn vùng Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, tăng 16,5%.

Nguyên nhân là do có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn vào khu vực này trong năm 2023. Tiếp đến là khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung, tăng 3,1%; vùng Đông Nam Bộ tăng 3,0%; Đồng bằng sông Hồng tăng 2,8%; Trung du miền núi phía Bắc tăng 1,9%; chỉ có vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,3%.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, ngành này đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm. Riêng giai đoạn 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.

Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 và 2023 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm khoảng 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43% (theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank - VCBS).

Trong đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và nước ngoài (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Emivest, Cargill...) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành này.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay: Trong rổ thực phẩm, thịt lợn đang chiếm 65% chỉ số CPI. Hiện, giá thị lợn đang ở mức khá cao đã đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau một thời gian bị thua lỗ. Do đó, ngành chăn nuôi đặt ra yêu cầu vừa bảo đảm tăng trưởng, nguồn cung thực phẩm, bảo đảm người chăn nuôi có lãi song chúng ta cũng cần sớm có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để chỉ số CPI tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.