Từ nhiều năm nay, trang trại chăn nuôi gà của anh Trịnh Tiến Toàn, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục với diện tích hơn 1 ha, thường xuyên duy trì 50-60 nghìn con gà/lứa theo phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Chuồng trại được đầu tư hệ thống làm mát, quạt thông gió, chuồng nuôi được dọn vệ sinh và phun khử trùng tiêu độc định kỳ, môi trường chung quanh chuồng trại, đường đi được rải vôi bột.
Trên lối vào trang trại được bố trí hố nước vôi khử trùng tiêu độc cho phương tiện vận chuyển và người ra vào khu chuồng. Giống gà được anh Tiến nhập từ Công ty TNHH Japfa Việt Nam bảo đảm chất lượng, sạch bệnh. Quá trình nuôi, gà được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin và bổ sung thêm các loại men vi sinh, khoáng chất giúp tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng.
Anh Toàn cho biết, từ khi áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, trang trại chưa xảy ra dịch bệnh, gà khỏe mạnh, tăng trọng tốt, tỷ lệ hao hụt rất thấp. Mỗi năm, trang trại của anh xuất bán hơn 480 tấn gà, trừ chi phí còn thu về khoảng 300-400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho bốn lao động địa phương với thu nhập 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, tỉnh đang duy trì hơn 8,69 triệu con gia cầm; 373 nghìn con lợn. Với nhiều lợi ích mang lại, phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ngày càng được nhiều người dân áp dụng và nhân rộng.
Trong đó, cơ bản các trang trại, hộ chăn nuôi quy mô lớn đã áp dụng bài bản các quy trình từ nhập con giống chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêm đầy đủ vắc-xin, đến thực hiện khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chung quanh, hạn chế việc đưa người bên ngoài vào khu chuồng nuôi… Nhờ đó, thời gian gần đây, cơ bản đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh không bị mắc dịch bệnh, phát triển, tăng trưởng tốt.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Chi cục tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các địa phương, cơ sở chăn nuôi tổ chức quản lý, phát triển sản xuất chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cùng với tiêm vắc-xin phòng bệnh, áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi là một trong các biện pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi...; giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, hiện một số trang trại và hộ chăn nuôi chưa áp dụng đồng bộ, triệt để các biện pháp này do chưa nhận thức đúng, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của chăn nuôi an toàn sinh học, hoặc do chưa đủ điều kiện về diện tích đất chăn nuôi, khoảng cách ly vệ sinh, cơ sở vật chất hạ tầng chuồng trại, trang thiết bị vật tư, nguồn vốn...
Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nhằm đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, tập trung, chăn nuôi chuyên nghiệp và phát triển bền vững.