Cần nhân rộng mô hình khuyến nông trong chăn nuôi dê ở Ninh Bình

Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã chọn ưu tiên phát triển sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm mang tính đặc hữu, đặc sản theo các tiểu vùng khí hậu, địa hình và thổ nhưỡng. Các mô hình khuyến nông trong chăn nuôi dê đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ nguồn thức ăn dồi dào, đàn dê của gia đình ông Trịnh Văn Đàm phát triển tốt.
Nhờ nguồn thức ăn dồi dào, đàn dê của gia đình ông Trịnh Văn Đàm phát triển tốt.

Là loài “ăn cỏ, uống nước lã cho ra thịt” rất phù hợp với điều kiện tự nhiên tại các huyện miền núi, bán sơn địa như Nho Quan, Tam Điệp, Gia Viễn, Hoa Lư..., dê được người dân cho là khá dễ nuôi, sinh sản nhanh, kháng bệnh tốt. Đồng thời, dê lại khá “ưa thích” với điều kiện tự nhiên như núi đá vôi hoặc đồi đất ở Ninh Bình. Do đó, nghề nuôi dê ở Ninh Bình gặp nhiều thuận lợi…

Cách trung tâm thành phố Tam Điệp chừng 7 km, Quèn Thờ là thung lũng nằm dưới những chân núi đá vôi thuộc dãy núi Tam Điệp. Tại đây, gia đình ông Trịnh Văn Đàm cũng như một số hộ khác đã nuôi dê được nhiều năm và đang cho thu nhập kép từ nuôi dê.

Ông Đàm cho biết, gia đình luôn duy trì đàn dê khoảng 200 con, trên diện tích chăn thả gần 20 ha, khu vực này rất phong phú các loại cỏ và lá cây trên sườn núi, nên dê của gia đình ông cũng như một số hộ chăn nuôi khác ở khu vực này phát triển rất tốt.

Ông Đàm chia sẻ, lợi thế của gia đình là chăn nuôi dê ở vùng núi Tam Điệp, nơi có nhiều thức ăn tự nhiên, môi trường trong lành, từ đó dê kháng bệnh rất tốt. Bên cạnh đó, gia đình may mắn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình hỗ trợ về con giống và thường xuyên cho đi tập huấn về cách chăm sóc dê, đặc biệt là dê mới đẻ và dê sữa sinh sản. Ngoài lợi ích từ việc bán dê thịt, dê giống thì việc chăn nuôi dê “bán tự nhiên” cũng thu hút được nhiều lượt khách đến tham quan, trải nghiệm với thung lũng này, mang lại thu nhập kép cho người dân.

Theo thống kê, hiện tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 24.000 con. Trong quá trình nuôi, người dân luôn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng như chính quyền địa phương đồng hành, tạo điều kiện vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, mở rộng quy mô để phát triển đàn dê chất lượng. Mặt khác, ở một số địa phương có tổng đàn dê lớn như huyện Hoa Lư, huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp, các hộ đã liên kết thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên gia để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Chị Nguyễn Thị Gấm, Hợp tác xã chăn nuôi dê Ninh Bình, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư cho biết, tuy dê là loài nuôi khá “dễ tính”, nhưng để nuôi tốt với số lượng lớn thì người nuôi cần am hiểu đặc điểm của loài dê, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi dê rất quan trọng, nhất là các khâu chuồng trại, theo dõi và quản lý đàn dê.

Dê có sức đề kháng rất cao, ít bệnh, nên chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh là dê khỏe mạnh. Để có đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, lưu ý khâu lựa chọn con giống phải bảo đảm chất lượng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình Đinh Văn Khiêm cho biết: “Xác định con dê là sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản phẩm biểu trưng gắn với thương hiệu tỉnh và chỉ dẫn địa lý dê núi Ninh Bình, chúng tôi sẽ chỉ đạo phát triển chăn nuôi dê theo các hướng: Chuyên thịt, phát triển đàn dê ngoại, dê lai (Boer, Bách Thảo) để nâng cao tầm vóc và sản lượng thịt ở các vùng đồi núi, bán sơn địa có độ dốc thấp như Nho Quan, Tam Điệp, Yên Mô; bảo tồn và phát triển đàn dê cỏ địa phương, tạo sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, gắn với điều kiện địa hình hiểm trở, đồi núi độ dốc cao phù hợp với đặc tính leo trèo, chịu đựng kham khổ của đàn dê cỏ như Hoa Lư, Gia Viễn hướng đến mục tiêu từng bước đáp ứng được nhu cầu du lịch ẩm thực, hướng tới các sản phẩm từ dê để du khách mang về.

Tỉnh Ninh Bình xác định chiến lược chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa, đưa sản phẩm trong khu vực trang trại đạt hơn 45% vào năm 2030. Đến năm 2025, xây dựng được từ 3-4 cơ sở an toàn dịch bệnh và năm 2030 xây dựng được từ 5-7 cơ sở an toàn dịch bệnh.

Đặc biệt là việc thực hiện Kế hoạch số 75/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ngày 2/6/2021 về việc thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất chăn nuôi bền vững, hiệu quả, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư-Khuyến lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình Nguyễn Thị Dịu cho biết, đối với những địa phương có điều kiện phát triển chăn nuôi ở những địa bàn thấp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục đưa giống có năng suất cao để cải tạo, tăng giá trị cho các sản phẩm thương phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Thời gian tới khuyến nông tỉnh tiếp tục tư vấn và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để giúp người dân chủ động được các quy trình sản xuất, chăn nuôi, để giữ vững được tổng đàn. Bên cạnh đó, trung tâm định hướng cho các hộ dân phát triển thêm các con nuôi đặc sản, phát triển các khu du lịch trải nghiệm về trồng trọt để phục vụ thêm cho hoạt động du lịch kết hợp với trải nghiệm, từ đó nâng được hiệu quả kinh tế, mang lại hiệu quả kép từ dịch vụ du lịch.

Có thể khẳng định rằng, ngoài lợi thế về điều kiện tự nhiên, việc phát triển chăn nuôi dê tại Ninh Bình trong những năm gần đây cũng là kết quả của công tác khuyến nông. Việc đưa những tiến bộ kỹ thuật trong lai tạo giống, kỹ thuật chăn nuôi..., đã nâng tổng đàn dê toàn tỉnh lên khoảng 24.000 con cho đến thời điểm này. Sự thành công từ các mô hình cải tạo nâng cao tầm vóc đàn dê được triển khai đồng loạt ở nhiều địa phương với đồng bộ các giải pháp đã đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình.