Giá lợn hơi dao động 63.000-65.000 đồng/kg
Chị Ngô Thị Huệ, một trong những tiểu thương ở chợ xã Nam Hồng, huyện Nam Trực (Nam Định) cho biết: Giá lợn tại địa phương bắt đầu nhích nhẹ trong khoảng 3 đến 4 ngày nay. Giá lợn mua trong dân dao động từ 55.000 đến 64.000 đồng/kg thịt hơi tùy theo chất lượng lợn. Giá các tiểu thương mua từ công ty là 65.000 đồng/kg.
“Đại diện công ty thông báo ngày mai giá thịt lợn hơi sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 2.000 đồng/kg. Mặc dù giá lợn hơi tăng nhưng giá thịt lợn ở chợ vẫn đang bán duy trì từ 95.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg, cao nhất là khoảng 120.000 đồng/kg, không tăng so với giá thịt lợn từ đầu năm đến nay”, chị Huệ chia sẻ.
Chị Vũ Thị Hương, một tiểu thương ở khu vực Thanh Oai, Hà Nội khá bất ngờ khi giá lợn hơi tăng. |
Cũng giống như chị Huệ, chị Vũ Thị Hương, một tiểu thương ở khu vực Thanh Oai, Hà Nội khá bất ngờ khi giá lợn hơi tăng. Chị Hương cho biết: “Sau nghỉ lễ sức mua của người dân giảm đi đáng kể. Trước lễ trung bình mỗi ngày gia đình tôi bán khoảng 3 tạ lợn, nhưng thời điểm hiện tại lượng tiêu thụ giảm đi khoảng một nửa so với những tháng đầu năm. Bởi thế dù thịt lợn hơi tăng giá mấy ngày nay thì các tiểu thương ở đây vẫn chưa tăng giá so với thời điểm trước”.
Theo ghi nhận, hôm nay giá lợn hơi tại miền bắc trong khoảng 62.000-64.000 đồng/kg. Tại Nam Định và Thái Bình hiện đang ở mức cao nhất khu vực là 64.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Cùng mức tăng trên, hai tỉnh Ninh Bình và Tuyên Quang lần lượt đưa giá thu mua lên mức 62.000 đồng/kg và 63.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi ở khu vực miền trung, Tây Nguyên tăng cao nhất 2.000 đồng/kg. Trong đó, lợn hơi tại Quảng Bình, Quảng Trị và Bình Định đang được thu mua chung mức 61.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Cùng mức tăng trên, thương lái tại Hà Tĩnh và Thanh Hóa đang giao dịch lợn hơi với giá 62.000 đồng/kg. Đây cũng là giá lợn hơi được ghi nhận tại tỉnh Quảng Ngãi sau khi tăng 2.000 đồng/kg. Hiện tại, giá lợn hơi ở khu vực miền trung, Tây Nguyên trong khoảng 61.000-63.000 đồng/kg.
Thận trọng tái đàn, tránh nguy cơ đầu cơ
Nhìn lại thị trường lợn từ đầu năm đến nay có thể thấy, giá vẫn đang duy trì đà phục hồi. Theo đó, tính đến ngày 3/5, giá lợn hơi bình quân cả nước khoảng 62.000 đồng, tăng khoảng 24% so với hồi đầu năm. Giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng nguồn cung giảm chính là động lực tăng giá trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết đà tăng của giá lợn hơi được hỗ trợ bởi nguồn cung giảm trong khi nhu cầu trong nước tăng lên.
Chủ tịch Hội chăn nuôi khuyến cáo người dân cần thận trọng tái đàn lợn, tránh làm mất thế cân bằng cung cầu trong chăn nuôi. |
Cụ thể, trong giai đoạn trước Tết xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ đã bán “chạy dịch”, thậm chí bán non. Điều này khiến nguồn cung trước Tết tăng mạnh, gây sức ép lên giá xuống khoảng 52.000-53.000 đồng/kg. Do đó, đến giai đoạn sau Tết, nguồn cung lợn (loại đủ khối lượng xuất chuồng) suy giảm, mặc dù tổng đàn lợn trên cả nước vẫn không đổi.
“Như mọi năm, phải qua rằm tháng Giêng người dân mới bắt đầu xuất bán nhiều. Nhưng năm nay, lượng lợn xuất bán đã tăng đột biến từ dịp trước Tết. Bình thường, lợn nuôi mất khoảng 5 tháng, đạt 100-120kg mới đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. Nhưng vì trước Tết người dân bán chạy dịch, lợn chỉ khoảng 80 kg người dân đã bán. Do đó, giai đoạn sau Tết nguồn cung lợn đủ tiêu chuẩn xuất bán suy giảm”, ông Trọng cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội chăn nuôi, giá lợn thịt thời gian gần đây tăng trở lại cũng là phù hợp với quy luật thị trường.
“Sau một thời gian dài giá lợn bị sụt giảm xuống mức hơn 50.000 đồng/kg lợn hơi khiến người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn, chăn nuôi không có lãi. Đến thời điểm hiện tại giá lợn dao động trong khoảng từ 63.000 đồng đến 65.000 đồng là mức giá hợp lý để người chăn nuôi lấy lại thế cân bằng sau thời gian dài chăn nuôi bị thua thiệt. Dự báo sắp tới, mức giá có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn sau đó sẽ dừng lại đặc biệt là vào các tháng hè khi thời tiết nắng nóng, sức tiêu thụ của người dân giảm đi”, ông Dương khẳng định.
Mặc dù vậy ông Dương khuyến cáo doanh nghiệp, người chăn nuôi cần bình tĩnh trong tái đàn và xuất bán lợn bình thường. Không nên đầu cơ tạo nguy cơ khủng hoảng thiếu giả tạo sẽ ảnh hưởng đến cung cầu thực phẩm từ nay đến cuối năm.
"Việc giá lợn tăng hiện nay rất dễ dẫn đến tâm lý nhiều người chăn nuôi giữ lại lợn đến tuổi xuất chuồng chờ giá cao hơn gây ra khủng hoảng thiếu giả đẩy giá lợn tăng cao hơn. Mặt khác, nhiều người chăn nuôi ồ ạt tái đàn gây ra mất thế cân bằng giữa cung cầu trong giai đoạn hiện nay. Tôi khẳng định hiện nay nguồn cung cầu trong chăn nuôi lợn của chúng ta đang rất ổn định, vì vậy người dân cần bình tĩnh trong tái đàn, tránh mất thế cân bằng trong chăn nuôi", ông Dương khuyến cáo.