Chăn nuôi lợn quy mô trang trại ở Thái Nguyên

Những năm gần đây, chăn nuôi lợn quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có bước phát triển, chiếm gần 50% tổng đàn.
0:00 / 0:00
0:00
Chăn nuôi lợn theo hướng bền vững tại trang trại của Hợp tác xã Chăn nuôi xanh ở phường Lương Sơn, thành phố Sông Công.
Chăn nuôi lợn theo hướng bền vững tại trang trại của Hợp tác xã Chăn nuôi xanh ở phường Lương Sơn, thành phố Sông Công.

Từ mô hình chăn nuôi lợn với quy mô nông hộ nhỏ lẻ, ông Nguyễn Ngọc Hùng ở phường Lương Sơn, thành phố Sông Công từng bước đầu tư mô hình chăn nuôi lợn với quy mô lớn hơn. Khi đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi và vốn, ông đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng bốn dãy chuồng, hệ thống máng chăn tự động, quạt gió, hầm biogas để chăn nuôi lợn quy mô trang trại.

Đến nay, quy mô trang trại của ông Hùng có từ 150-160 lợn nái, bốn lợn đực và 1.500 lợn thịt, hằng năm xuất bán, cung cấp cho thị trường hơn 400 tấn lợn. Điều đáng nói là trang trại của ông Hùng chăn nuôi khép kín, lợn nái sinh sản nuôi thành lợn thịt, tiêm phòng đầy đủ, làm tốt công tác vệ sinh, phòng bệnh nên không bị dịch bệnh, không ô nhiễm môi trường.

Mặc dù trang trại lợn có quy mô không lớn như của ông Hùng, nhiều năm qua ông Nguyễn Văn Thái ở xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình duy trì đàn lợn có lúc lên đến hàng trăm con, chăn nuôi khép kín, nuôi lợn nái để tạo nguồn con giống nuôi thành lợn thương phẩm, sử dụng phụ phẩm như bã rượu, cám gạo kết hợp với cám công nghiệp để chăn nuôi lợn nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả chăn nuôi và kiểm soát ô nhiễm nên không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân chung quanh.

Với mô hình chăn nuôi lợn quy mô trang trại, việc kiểm soát chất lượng con giống, nhất là an toàn dịch bệnh được coi trọng, chủ trang trại kê khai số lượng con giống, địa chỉ nhập ở đâu về, lợn giống được tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, người chăn nuôi ra-vào trang trại được khử trùng đầy đủ, tránh lây lan dịch bệnh từ bên ngoài về trang trại. Mặt khác, chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đến nay giảm dần, không còn phù hợp, hiệu quả kinh tế thấp, thường xảy ra dịch bệnh, không đầu tư hệ thống xử lý chất thải nên gây ô nhiễm môi trường.

Phó Chi Cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên Đỗ Đình Trung cho biết: Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh trên đàn lợn, tạo thuận lợi cho chăn nuôi lợn phục hồi và phát triển sau khi dịch tả châu Phi càn quét mạnh trên phạm vi toàn tỉnh trước đó. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh đối với chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ trên địa bàn vẫn còn lớn.

Mặc dù chăn nuôi lợn quy mô trang trại tại Thái Nguyên có bước phát triển, nhưng điều đáng lo ngại là không ít trang trại chưa chú trọng đầu tư công trình bảo vệ môi trường, phát triển nhanh về số lượng nuôi, chất thải vượt quá công suất của công trình bảo vệ môi trường, hoặc không áp dụng các giải pháp sinh học để bảo vệ môi trường, xả chất thải chăn nuôi lợn ra suối, ao hồ, đồng ruộng gây ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm, không khí, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất.

Trong khi đó, chính quyền một số địa phương và một số cơ quan chức năng chưa thật sự quan tâm, xử lý triệt để các trang trại gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nếu không sớm xử lý đối với các trang trại vi phạm về môi trường sẽ để lại hệ quả lâu dài, về nhiều mặt đối với người dân chung quanh.

Góp phần ngăn chặn dịch bệnh xảy ra, thời gian vừa qua, đặc biệt là từ sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, chăn nuôi lợn quy mô trang trại của Thái Nguyên đã có bước phát triển. Hiện nay, đàn lợn toàn tỉnh có hơn 600 nghìn con, trong đó chăn nuôi quy mô trang trại chiếm hơn 40% tổng đàn toàn tỉnh, tăng hơn 10% tổng đàn so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi năm 2019.

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn quy mô trang trại, các xã trong tỉnh đã quy hoạch vùng chăn nuôi, Thái Nguyên đã ban hành quy định cấm chăn nuôi lợn tại các khu vực đô thị mà lao động phi nông nghiệp chiếm 85% trở lên và đất phi nông nghiệp chiếm 80% diện tích trở lên. Đồng thời, tỉnh khuyến khích, tạo thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm, kỹ thuật đầu tư chăn nuôi lợn quy mô trang trại lớn, làm tốt công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường đầu tư vào tỉnh, nhất là đầu tư vào các huyện phía bắc như Đồng Hỷ, Phú Lương, Võ Nhai là những địa phương có diện tích rộng, thưa dân cư.