Trong bối cảnh này, chiều 7/12, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp Cục Công nghệ thông tin, Vụ Thanh toán và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thuộc Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức “Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở”.
Các diễn giả tham gia Hội thảo tập trung làm nổi bật các nhóm vấn đề: làm rõ nội hàm khái niệm “Ngân hàng mở/Open Banking”; những giá trị mà Ngân hàng mở mang lại cho các chủ thể tham gia bao gồm: ngân hàng, trung gian thanh toán – fintech, người dùng…; cơ chế vận hành để tối ưu hóa hiệu quả khi triển khai đồng bộ mô hình Ngân hàng mở/Open Banking trên diện rộng so với kết nối đơn lẻ; những thách thức khi triển Ngân hàng mở/Open Banking…
Phá vỡ vị thế “đóng”, dịch chuyển xu hướng “mở”
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), việc phát triển ngân hàng mở đem lại những lợi ích thiết thực cho các chủ thể của hệ sinh thái thanh toán.
Hiện nay, trong mô hình ngân hàng mở có 3 chủ thể chính tham gia gồm Ngân hàng; Bên thứ 3 cung cấp dịch vụ được kết nối thông qua Open API vào hệ thống ngân hàng để chia sẻ thông tin cung cấp dịch vụ cho khách hàng; Khách hàng sử dụng dịch vụ.
Khi nói đến Ngân hàng mở được hiểu là ngân hàng chia sẻ thông tin, dịch vụ cho các công ty Fintech. Qua trao đổi với các chuyên gia trước đây, hiện nay ứng dụng Open API không chỉ giới hạn trong lĩnh vực Open Banking mà mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế, Open Banking, Open Finance, Open data. Thông qua giao diện Open API, hệ thống ngân hàng có thể kết nối, cung cấp toàn bộ cho các chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành fintech, tài chính mà còn đến các công ty bán lẻ, công ty dịch vụ logistic, từ đó cung cấp dịch vụ ngân hàng cho toàn thể người dân.
"Tôi nghĩ sự kết nối này đem lại lợi ích rất lớn cho toàn thể xã hội, cho các chủ thể tham gia Open Banking và tiến tới Open Data. Tôi nghĩ nhìn nhận tổng thể như vậy sẽ đưa sự phát triển của Open Banking vào định hướng phát triển của nền kinh tế số của Chính phủ", ông Long nêu rõ.
Xu hướng Ngân hàng mở trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ ở châu Âu cũng như châu Á tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... kể cả những nước láng giềng của Việt Nam là Philippines cũng triển khai rất mạnh.
Xu hướng Ngân hàng mở trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ ở châu Âu cũng như châu Á tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... kể cả những nước láng giềng của Việt Nam là Philippines cũng triển khai rất mạnh.
Theo ông Long, ở Việt Nam, việc phát triển ngân hàng mở mang tính tự phát do giữa các bên ngân hàng cung cấp hệ thống Open API để chia sẻ dữ liệu cho các bên thứ ba để triển khai dịch vụ.
"Trong thời gian tới, tôi tin với sự định hướng của Ngân hàng Nhà nước , sự quan tâm của ngành ngân hàng, của đơn vị hạ tầng thanh toán như NAPAS, xu hướng ngân hàng mở sẽ được chuẩn hóa về mặt kỹ thuật, cơ sở pháp lý, trong đó Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra thông tư, hướng dẫn để các ngân hàng, các bên thứ 3 có thể cung cấp nhiều ngân hàng mở cho khách hàng. Đặc biệt, các đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán như NAPAS cũng sẵn sàng chuẩn bị những cơ sở, sản phẩm dịch vụ để đón kịp và phục vụ ngân hàng và các bên thứ 3 cung cấp dịch vụ trên hạ tầng ngân hàng mở", ông Long nhận định.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Theo dòng chảy tất yếu của nền kinh tế chia sẻ, các ngân hàng truyền thống cũng nhận thức được rằng những người chơi mới bao gồm các công ty fintech/bigtech, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và quản lý tài chính không phải là mối nguy hiểm hay đối thủ cạnh tranh trực tiếp, mà là các đối tác cùng khai thác tiềm năng của thị trường ngày càng mở rộng.
Các mục tiêu ban đầu của ngân hàng mở là tạo một thị trường thanh toán trọn vẹn hơn, giúp thanh toán an toàn hơn và bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, nếu được xây dựng thành công ngân hàng mở cũng sẽ trở thành 1 hub tài nguyên dữ liệu khổng lồ, để các bên cùng khai thác và phát triển.
“Thay vì vài chục ngân hàng có hàng chục Open API, khiến các fintech phải truy cập vào tất cả Open API đó trao đổi dữ liệu thì chúng ta có cần 1 hub (trung tâm) về API, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào 1 chỗ mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống ngân hàng?...”. Đó cũng là vấn đề mà Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đã nêu khi đề cập đến câu chuyện ngân hàng mở đang rất nóng hiện nay tại Hội thảo.
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Hội thảo hôm nay diễn ra trong bối cảnh Chuyển đổi số được coi là ưu tiên hàng đầu trong ngành ngân hàng.
“Chuyển đổi số giúp cải thiện chất lượng dịch vụ; tiết giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận. Chuyển đổi số giúp duy trì tỷ suất lợi nhuận tốt, tái tạo tài sản con người và tiền tệ, đồng thời duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường đầy thách thức. Tôi cho rằng, chuyển đổi số của ngành ngân hàng là khách hàng sử dụng được tất cả các dịch vụ ngân hàng trên chiếc điện thoại di động một cách liền mạch. Về khía cạnh kỹ thuật, chuyển đổi số là sự kết nối, tích hợp của các thực thể, các tổ chức, cá nhân trong xã hội”, Phó Thống đốc nêu rõ.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng. |
Đồng thời, ông Phạm Tiến Dũng cũng nhìn nhận, Open Banking – Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Các thách thức, khó khăn khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý. Việc triển khai thành công khung pháp lý cho Open API sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng Fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Cần khung pháp lý hoàn chỉnh
Tại Việt Nam, xu hướng ngân hàng mở đang góp phần hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận với nhiều dịch vụ, sản phẩm đa dạng; đồng thời các ngân hàng, fintech dễ dàng đưa sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng.
Nhưng theo ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước), hiện mô hình ngân hàng mở hoạt động dựa trên nền tảng API mở để kết nối với nhiều bên nên việc mỗi bên đang có tiêu chuẩn riêng về kết nối, nền tảng công nghệ lõi để đảm bảo yêu cầu chất lượng dịch vụ cung cấp, đã tạo nên các hợp tác đan chéo, tốn nguồn lực và chi phí.
Vì vậy, để triển khai hiệu quả ngân hàng mở cần có tiêu chuẩn chung về kết nối, cho phép chia sẻ dữ liệu ngân hàng mở của khách hàng (gồm thông tin khách hàng, thông tin giao dịch, số dư tài khoản khách hàng, điểm tín nhiệm tài chính của khách hàng…).
Còn theo đại diện NAPAS, các ngân hàng cũng như các bên cũng cần có sự khai thông.
Thứ nhất, cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt trong việc chia sẻ và bảo mật thông tin. Các ngân hàng và các bên có thể an tâm về việc chia sẻ dữ liệu, dữ liệu nào được chia sẻ, bảo mật ra sao.
Thứ hai, cần có tiêu chuẩn chung, vì hiện nay khi ngân hàng triển khai theo tiêu chuẩn của từng ngân hàng, ngân hàng và các trung gian thanh toán tự thỏa thuận với nhau. Tuy vậy, để triển khai mạnh trên thị trường thì cần có bộ quy tắc chung.
Về vấn đề bảo đảm an toàn bảo mật thông tin, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá: Ngân hàng mở/Open Banking là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Đây sẽ là một trong những mô hình đột phá công nghệ tài chính, thúc đẩy quá trình phát triển số theo hướng thông minh và cởi mở, giúp chuyển đổi số thành công lĩnh vực ngân hàng.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng. |
“Song rủi ro trước mắt với mô hình này là chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn an ninh, an toàn thông tin chung cho ngân hàng mở. Cục An toàn thông tin trong vai trò là quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về an toàn thông tin. Chúng tôi cam kết sẽ luôn song hành cùng các tổ chức tài chính, ngân hàng trong công tác đảm bảo an toàn thông tin”, ông Trần Quang Hưng khẳng định.
Trong khi đó, ông Đào Quang Bính, Tổng thư ký Toà soạn, kiêm Tổng Giám đốc Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đánh giá cao sự kiện lần đầu tiên trong số các bộ, ngành, ngành ngân hàng xác định ngày 18/5/2023 là “Ngày chuyển đổi số” với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó, rất nhiều ngân hàng triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư, định danh, xác minh thông tin người dùng bằng căn cước gắn chip…
Ông Đào Quang Bính. |
“Ngân hàng là ngành nắm giữ huyết mạch của nền kinh tế, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành ngân hàng sẽ là động lực thúc đẩy số hóa nền kinh tế một cách nhanh chóng. Trong 2 năm gần đây, rất nhiều ngân hàng đã chủ động chuyển dịch mô hình kinh doanh từ truyền thống sang xu hướng giao tiếp với khách hàng bằng các cửa sổ trực tuyến, xóa bỏ ngăn cách không gian, thời gian và bối cảnh vật lý. Đây chính là cơ sở để ngành ngân hàng tiến xa hơn trong quá trình chuyển đổi sang Ngân hàng mở/Open Banking một cách toàn diện, mạnh mẽ và nhanh chóng”, ông Đào Quang Bính nhấn mạnh thêm.