Theo khẳng định của Phó Chủ tịch hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Trần Văn Tần, bằng cách thu thập, phân tích và ứng dụng thông tin từ các nguồn dữ liệu khác nhau, ngân hàng có thể hiểu rõ hơn về khách hàng cũng như dự đoán xu hướng thị trường để tối ưu hóa quy trình kinh doanh.
Tạo lập, khai thác, kết nối dữ liệu
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng, năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là Năm Dữ liệu số quốc gia, với mục tiêu tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới. Đối với ngành ngân hàng, phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số là một trong chín nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thực tế hiện nay, các ngân hàng đã và đang “chuyển mình” với việc hình thành những kho, trung tâm lớn về dữ liệu. Thông tin từ VNBA cho thấy, toàn ngành ngân hàng đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và các tổ chức tín dụng, bảo đảm tất cả dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư...
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay, các tổ chức tín dụng triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng dữ liệu dân cư. Cụ thể, có 27 tổ chức tín dụng đã triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng; 42 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chíp (bốn tổ chức tín dụng đã ký hợp đồng và một tổ chức tín dụng đã chính thức triển khai dịch vụ),...
“Trong ba hoạt động chính của ngân hàng là huy động vốn, cho vay, thanh toán thì dịch vụ gửi tiết kiệm đã được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử. Đối với hoạt động cho vay, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cho vay trên môi trường điện tử và hạn mức là 100 triệu đồng.
Hoạt động thanh toán cũng được phép mở tài khoản bằng phương thức e-KYC”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng đánh giá. Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động cho vay trên môi trường điện tử, ngân hàng phải trả lời được các câu hỏi: “Anh là ai? Uy tín anh thế nào và phương thức trả nợ ra sao?”. Câu trả lời chỉ có thể là từ dữ liệu số.
“Chìa khóa” chuyển đổi số
Hiện nay, phần lớn các ngân hàng ở Việt Nam đang triển khai các chương trình chuyển đổi số, ở các mức độ khác nhau. Sự tương tác với khách hàng có thể coi là một trong những khâu có sự thay đổi mạnh mẽ và dễ nhận diện nhất khi nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào các ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm số cho khách hàng.
Theo thống kê sơ bộ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện 90% số ngân hàng của Việt Nam có số lượng giao dịch trên kênh số, thậm chí mảng hoạt động trên kênh số của một số ngân hàng lên tới 97-98%, đơn cử như ngân hàng TPBank. Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, một trong những mô hình đang được phát triển từ dữ liệu là ngân hàng mở.
Tuy nhiên, ngân hàng mở cũng tiềm ẩn một số rủi ro, thách thức về dữ liệu, rủi ro bên thứ ba khi cần phân định trách nhiệm các bên nếu xảy ra sự cố thất thoát dữ liệu, tổn thất tài chính cho khách hàng; rủi ro từ công nghệ khi cần liên tục nâng cấp nền tảng công nghệ để đáp ứng lưu lượng sử dụng và bảo mật. “TPBank và các ngân hàng nói chung đều phải chủ động trong quản lý, xây dựng hệ thống, bảo mật dữ liệu khách hàng khi chia sẻ, kết nối với đối tác”, ông Nguyễn Hưng cho hay.
Ở góc độ khác, khảo sát EY Tech Horizon 2022 của tổ chức EY Toàn cầu lại chỉ ra rằng, 71% số ngân hàng thừa nhận hệ thống dữ liệu của nhiều đơn vị hiện không được chia sẻ với nhau, hay nói cách khác là dữ liệu được chia mảnh khắp nơi, không tập trung. Theo đó, dữ liệu và phân tích dữ liệu là yếu tố cốt lõi, với 53% số người tham gia khảo sát xác định đây là ưu tiên hàng đầu trong danh mục đầu tư của họ, tăng cao so với con số 35% trong năm 2020.
Do đó, việc tập trung giải quyết các thách thức về dữ liệu là hết sức cấp thiết và để dữ liệu trở thành “dầu mỏ” cũng cần rất nhiều nỗ lực. “Doanh nghiệp muốn khai thác hiệu quả dữ liệu cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận nghiệp vụ, công nghệ, dữ liệu và cần một mục tiêu cụ thể từ dữ liệu. Từ đó, mỗi bộ phận (với chức năng riêng) sẽ có một kế hoạch phù hợp để triển khai”, Giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào - bà Winnie Wong lưu ý. Ngoài ra, theo bà Winnie Wong, đối với việc bảo đảm an ninh, an toàn thì cần xác định, dữ liệu không chỉ để tăng doanh thu mà còn là công cụ để giảm rủi ro, mối đe dọa có thể xảy ra đối với doanh nghiệp. Đồng thời, dữ liệu về cách sử dụng sản phẩm của người dùng cũng có thể giúp doanh nghiệp bảo vệ người dùng tốt hơn.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ trình Quốc hội sửa Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); triển khai dự án luật các hệ thống thanh toán, trình ban hành nghị định thay thế nghị định về thanh toán không tiền mặt và các văn bản hướng dẫn; trình ban hành Nghị định về sandbox; sửa đổi Quyết định số 630/QĐ-NHNN theo hướng phân cấp hạn mức giao dịch, áp dụng các biện pháp xác thực bằng sinh trắc học…
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ phối hợp tốt hơn với Bộ Công an trong ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, tối ưu cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, nâng cấp, phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số.
Sự chính xác và nguyên vẹn của dữ liệu là nền tảng để AI đưa ra các kết quả đáng tin cậy. Nhằm bảo đảm thuật toán AI tiếp tục tạo ra kết quả đáng tin cậy, dữ liệu cần được kiểm tra về độ chính xác một cách đều đặn. Để làm điều đó, các ngân hàng cần có thể chế và hệ thống quản trị dữ liệu mạnh mẽ.
Sayantan Choudhury
Phó Tổng Giám đốc Tư vấn công nghệ, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam