New Zealand mở cửa trở lại biên giới từ tháng 4

NDO -

Sáng 16/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo, nước này sẽ mở cửa biên giới trở lại sớm hơn kế hoạch đã công bố trước đó, với mục tiêu đón khách du lịch để thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Máy bay của hãng hàng không Air New Zealand. (Ảnh minh họa: REUTERS)
Máy bay của hãng hàng không Air New Zealand. (Ảnh minh họa: REUTERS)

Phát biểu tại cuộc họp báo sáng nay, bà Ardern cho biết, các hành khách đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ nước láng giềng Australia có thể nhập cảnh vào New Zealand từ ngày 12/4.

Tiếp đó, từ ngày 1/5, New Zealand sẽ mở rộng thêm đối tượng được nhập cảnh nước này cho công dân từ các nước miễn thị thực như Mỹ và Anh.

Theo kế hoạch hiện tại, New Zealand dự kiến sẽ không mở lại biên giới hoàn toàn cho đến tháng 10, nhưng bà Ardern cho biết, chính phủ nước này đã quyết định điều chỉnh nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Bà nói: “Đóng cửa biên giới là 1 trong những bước đi đầu tiên của chúng tôi để ngăn chặn Covid-19, và việc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế trong suốt thời gian còn lại của năm”.

Theo quy định mới, khách nước ngoài phải được tiêm phòng và xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi khởi hành, đồng thời sẽ phải tiếp tục xét nghiệm khi đến New Zealand và sau đó được xét nghiệm thêm 1 lần nữa vào ngày thứ sáu sau nhập cảnh. Song tất cả du khách đủ điều kiện nhập cảnh đều không phải cách ly y tế.

Trước đây, các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã giúp New Zealand khá thành công trong việc ngăn dịch bệnh bùng phát trong thời gian dài, song hiện đất nước 5 triệu dân này đang trải qua làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây nên, với hơn 21 nghìn ca mắc mới được ghi nhận trong 24 giờ qua.

Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ bao phủ tiêm chủng rất cao, với 94% dân số trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi, nước này chỉ ghi nhận 102 ca tử vong liên quan trên tổng 399.342 ca mắc từ khi đại dịch bùng phát, theo số liệu chính thức từ Bộ Y tế New Zealand.

Trong khi đó, ở nước láng giềng Australia, tình hình dịch bệnh đã dần ổn định khi các ca mắc mới giảm mạnh sau giai đoạn bùng nổ đầu năm. Song giới chức y tế nước này cảnh báo, các ca mắc biến thể phụ BA.2 của Omicron, hay còn được gọi là “Omicron tàng hình” đang gia tăng.

New Zealand mở cửa trở lại biên giới từ tháng 4 -0

Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Câu lạc bộ thể thao Bankstown, Sydney, Australia, ngày 25/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Người đứng đầu Cơ quan Y tế bang New South Wales, ông Brad Hazzard cho biết, ca mắc BA.2 đang gia tăng ở bang đông dân nhất đất nước và được dự báo sẽ sớm vượt qua Omicron để trở thành chủng lưu hành phổ biến tại đây, với số ca mắc mới dự kiến tăng hơn gấp đôi trong 6 tuần tới.

Các chuyên gia y tế nước này cũng cảnh báo, BA.2 có thể sẽ thành chủng “thống trị” trên phạm vi cả nước trong vài tháng tới.

Ông Hazzard bày tỏ lo ngại, việc chậm triển khai tiêm vaccine liều tăng cường có thể khiến 1 làn sóng lây nhiễm mới bùng phát trong bối cảnh nguy cơ hiện hữu từ biến thể phụ BA.2.

Theo ông Hazzard, hơn 2 triệu người trên tổng dân số 8 triệu trong bang hiện đủ điều kiện để tiêm liều tăng cường, nhưng tốc độ triển khai vẫn khá chậm.

Dữ liệu chính thức cho thấy, mới chỉ hơn 57% người trên 16 tuổi ở New South Wales được tiêm liều thứ ba, thấp hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc là 65%.

Tại Mỹ, số ca mắc biến thể phụ BA.2 cũng đang gia tăng nhanh chóng, chiếm khoảng 23,1% tổng số các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lưu hành ở nước này, theo số liệu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 15/3.

Tỷ lệ này đã gia tăng nhanh chóng trong 10 ngày qua, khi trong tuần kết thúc vào ngày 5/3, CDC ước tính BA.2 mới chiếm khoảng 13,7% các biến thể đang lưu hành.

Số liệu mới nhất của CDC cho biết, biến thể phụ này hiện chiếm 39% tổng số ca bệnh ở các khu vực gồm New Jersey, New York, Puerto Rico và Quần đảo Virgin. Trong khi ở các bang như Connecticut, Maine, Massachusetts, New Hampshire, Vermont và Rhode Island, BA.2 hiện chiếm khoảng 38,6% tổng số ca bệnh.

Các biến thể phụ khác của Omicron là BA.1.1 và B.1.1.529 lưu hành từ tháng 12/2021 hiện lần lượt chiếm khoảng 66,1% và 10,8%.

Trước đó, hồi đầu tuần, Nhà Trắng cho biết, đã có khoảng 35 nghìn trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.2 được phát hiện ở Mỹ và dự kiến con số này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày tại Mỹ đã bắt đầu giảm trong những tuần gần đây sau khi chạm mức kỷ lục vào tháng 1. Dịch bệnh lắng dịu cũng thúc đẩy CDC nới lỏng đáng kể các hướng dẫn phòng dịch, trong đó đeo khẩu trang đã không còn là yêu cầu bắt buộc kể cả trong trường học.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, diễn biến dịch bệnh vẫn căng thẳng khi nước này vừa vượt mốc 400 nghìn ca nhiễm mới trong ngày. Sáng nay, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố thêm 400.741 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, chủ yếu là lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 7.629.275 ca.

New Zealand mở cửa trở lại biên giới từ tháng 4 -0
Xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Công viên World Cup, Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/3/2022. (Ảnh: Yonhap)

Đây là mức cao nhất từ trước đến nay kể từ khi Hàn Quốc báo cáo trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 20/1/2020, tăng mạnh so với 362.338 ca công bố hôm qua. Mức cao kỷ lục trước đó là 383.659 ca ghi nhận vào thứ bảy tuần trước.

Tuy nhiên, bất chấp sự lây lan nhanh chóng trong làn sóng Omicron, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang xúc tiến các bước tiếp theo để trở lại trạng thái bình thường.

Thủ tướng Kim Boo-kyum sáng 16/3 cho biết, các cơ quan y tế nước này sẽ thảo luận với giới chức y tế địa phương về việc hạ cấp độ cảnh báo Covid-19 để phản ánh "những thay đổi" trong đại dịch hiện nay, tức coi căn bệnh này đã trở nên phổ biến, và việc phát hiện và điều trị đang được thực hiện ở cấp cơ sở y tế địa phương.

Hiện Covid-19 được xếp vào loại bệnh truyền nhiễm cấp 1 ở Hàn Quốc, yêu cầu những phản ứng ở cấp cao hơn đối với việc tiếp nhận và điều trị các ca bệnh, thí dụ như cách ly ở phòng áp lực âm.

Chính phủ cũng đã lên kế hoạch thảo luận với các chuyên gia y tế trong tuần này về việc điều chỉnh các quy định giãn cách xã hội. Yêu cầu liên quan đóng cửa lúc 11 giờ tối đối với các cơ sở kinh doanh và giới hạn 6 người trong các cuộc nhóm họp riêng sẽ kết thúc vào chủ nhật tới.

Cũng bắt đầu từ tuần này, học sinh và nhân viên nhà trường không nhiễm bệnh đã được phép đến trường trực tiếp, ngay cả khi các thành viên gia đình sống chung với họ dương tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, chương trình tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi sẽ được khởi động từ ngày 31/3.

Trên phạm vi toàn cầu, theo trang thống kê worldometers.info, hiện số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 6 triệu ca tính đến sáng nay. Cụ thể, thế giới ghi nhận tổng cộng 6.073.743 ca tử vong trên 462.014.781 ca mắc. Số bệnh nhân đã bình phục là 394.903.304 người, trong khi vẫn còn 64.561 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới