Tác phẩm mới này do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành (gồm phiên bản bìa mềm in thường và phiên bản đặc biệt in màu) chưa đầy 250 trang, là câu chuyện không phải dành riêng cho bạn trẻ mà có thể cho bất cứ ai chịu ngồi lại, thư thái cảm nhận cuộc sống vào một dịp cuối tuần.
Như tên gọi, truyện dài “Những người hàng xóm” kể về những con người sống quanh khu nhà của Rémy – nhân vật dẫn chuyện, xưng “tôi” trong tác phẩm. Những con người nhiều lứa tuổi, nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng cuộc sống của họ và cách họ đối xử với nhau (đôi khi rất âm thầm) qua ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh đã mang lại cho chúng ta nhiều cảm xúc tích cực. Như mấy lời mở đầu của nhà văn, thì câu chuyện này ra đời từ chuyến rong chơi hai tháng của ông ở nước ngoài. Và bên cạnh chuyện thăm thú những danh lam thắng cảnh, khám phá nền văn hoá độc đáo xứ người, là một nhà văn, Nguyễn Nhật Ánh đã hào hứng bắt tay vào một cuốn truyện mới-với bối cảnh và những nhân vật hoàn toàn mới mẻ.
Giữ mãi niềm thơ ngây trong trẻo
Cuốn truyện không viết về tuổi học trò tinh quái, lắm chiêu mà kể về những người hàng xóm đã trưởng thành, thậm chí đã và sắp hoàn thành nhiệm vụ của đời mình, nhưng chất thơ ngây, trong trẻo vẫn lấp lánh. Là bởi vì cuộc sống vốn thế hay vì nó được chiếu qua lăng kính của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh?
Rémy-nhân vật dẫn chuyện là chàng trai Bỉ, lấy vợ Việt Nam, có ông bố vợ là nhà văn nổi tiếng, có sách bán trên amazon. Anh chàng trong lúc chờ việc mới, tập tành viết văn và bắt đầu bằng việc quan sát, thấu hiểu chính những người hàng xóm của mình.
Đó là Arnaud, một doanh nhân thành đạt và bà mẹ Dorothé thích nuôi ngựa, ưa sống tự lập. Không thuyết phục được mẹ nhận tiền giúp đỡ của mình, Arnaud nghĩ ra cách thuê lại một căn nhà đang bỏ trống của mẹ với lý do là để yên tĩnh viết văn. Đó là ông Simon với khu vườn trồng rất nhiều hoa tuylip, một ngôi nhà đẹp cổ kính. Nhưng sau khi bước vào tuổi 93 thì ông “tiện chân bước qua thế giới bên kia luôn”.
Ông Simon ra đi, nhưng con chim ác là vốn đã quen đậu trên nhánh cây sồi cạnh cửa phòng ông để nghe ông chơi phong cầm, thì vẫn cứ đợi ông trên nhánh cây sồi. Bên cạnh đó là câu chuyện vợ chồng Ruben và ông Jakob. Gia đình Ruben mua nhà của ông Jakob 80 tuổi với giá rẻ, trả góp trong vòng 15 năm với điều kiện: khi nào người bán qua đời thì mới được chuyển vào ở. Nhưng đã 17 năm trôi qua mà nhà Ruben vẫn chưa được chuyển tới nhà mới…
Các nhân vật hàng xóm và câu chuyện của họ chỉ quanh quanh nhịp sống thường ngày nhưng ai nấy đều có nét cá tính riêng. Bà Dorothé bướng bỉnh, cô Joséphine nói huyên thuyên…Mà cuối cùng, khi nhà văn hạ màn thì những bất ngờ dần dần dần hé lộ… Hoá ra bà Dorothé tinh quái biết thừa ý đồ của anh chàng Arnaud vì “ta sinh ra nó mà” và bà vờ đồng ý để “cho nó vui”.
Nhưng xúc động và bất ngờ hơn là chuyện về Ruben, dù trước tình thế vẫn phải chờ đợi vào nhà mới, nhưng khi ông Jakob bị tai nạn, nguy đến tính mạng, chính anh là người âm thầm hiến máu cứu ông. Do cùng thuộc hàng nhóm máu hiếm, sau này ông Jakob mới biết chuyện. Và đến một thời điểm thích hợp, ông đã đủ can đảm rút ống thở để đến gặp người vợ ra đi từ thuở thanh xuân của mình, và để Ruben được vào nhà mới.
Các nhân vật khác trong “Những người hàng xóm” cũng tìm được hạnh phúc của mình theo tình huống khác nhau, nhưng đều mang màu sắc của sự sẻ chia, tiếp nối.
Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ được chất giọng hom hóm, trong sáng của mình và ông cũng chuyển tải được cho các nhân vật những nét “quái quái” khác nhau.
Gieo những niềm thương mến
Giữ niềm ngây thơ trong trẻo, lòng nhân hậu, sự tử tế có lẽ là một cách để duy trì mối giao cảm với đời sống tuy nhọc nhằn nhưng còn rất nhiều điều tốt đẹp.
Ông Jakob yêu hội hoạ, thơ văn, sau khi đoàn tụ với vợ quá cố của mình, còn để lại những vần thơ mang lại xúc cảm cho những người hàng xóm trẻ tuổi: “Bấy giờ, với đôi chân đã mỏi/ Anh đi tìm em/ Bấy giờ, với tấm lưng đã còng/ Anh đi tìm em/ Bấy giờ, ôm tuổi già trong tay/ Như ôm một bó hoa đã héo/ Anh đi tìm em…”.
Và ông nói về Ruben: “Ruben là người tử tế. Người tử tế cao hơn người đàng hoàng một bậc. Người đàng hoàng sống ngay ngắn, không làm hại ai. Còn người tử tế là người sẵn sàng chịu thiệt thòi vì người khác.”
Cùng với những con người trong trẻo, dễ mến, Nguyễn Nhật Ánh với chất thơ quen thuộc còn mang đến góc nhìn thiên nhiên, cuộc sống tha thiết. “Tôi nhẩn nha viết. Viết tới đâu tôi vẽ minh hoạ tới đó. Tôi vẽ ông Jakob ngồi dưới cây liễu roi. Tôi vẽ bà Dorothé lừa ngựa về tàu trong ánh chiều tà. Tôi vẽ mấy đứa nhóc nhà Ruben đang đong đưa trên xích đu. Tôi vẽ cả con chó Rex ham chơi, vẽ cặp vợ chồng gà lôi lén lút làm tổ trong vườn nhà tôi-bí mật đến nỗi suýt chút nữa tôi làm tan tành ổ trứng của tụi nó khi cắt cỏ trong vườn. Tôi vẽ con ác là sầu muộn trên nhánh sồi, vẽ cây táo trong vườn nhà mới nhú lên có chút xíu mà đã tíu tít nở hoa…”
Hay: “Khắp bãi chăn, cúc dại vàng và bồ công anh trắng muốt trổ hoa li ti giống như ai khâu vô số bông hoa lên thảm cỏ xanh và trên tấm thảm dịu mắt đó bao giờ tôi cũng nhìn thấy ít nhất một con ngựa đứng rủ bờm bên kia hàng rào. Trông nó thinh lặng không khác gì con ác là trên cành sồi bên nhà ông Simon…”
Cuốn sách cũng thông qua nhân vật Rémy gửi gắm sẻ chia về nghề viết. Rằng cuộc sống thường nhật ngoài kia chính là chất liệu tuyệt vời của nhà văn. Một cuốn sách ra đời và kết thúc thật giản dị đều bắt đầu bằng cách nhìn ra cửa sổ, và đến một lúc nào đó là “học cách nhìn vào thế giới nội tâm của mình”.
Viết một cuốn sách hay là sống một cuộc đời thì có lẽ cũng đều là cách để mình nghiền ngẫm về con người, về thế giới. Và quá trình đó cũng là quá trình học cách nhìn, như bố vợ chàng Rémy đã tóm tắt: “Nếu con biết cách mở cửa sổ, đời sống sẽ tràn vào trang viết của con. Đôi khi chúng ta vẫn nhìn đấy, nhưng chúng ta không thấy. Nếu trái tim con đập vì con người, thậm chí đập vì một con chim, con sẽ nhìn thấy rất nhiều thứ”.