Theo phong tục của đồng bào Khmer Nam Bộ, trước đây, mùa lễ Sene Dolta diễn ra trong thời gian nửa tháng với 4 nghi thức chính: Lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh); Lễ cúng ông bà (Banh Sene Dolta); Lễ hội linh (Banh phchum banh) và Lễ tiễn đưa ông bà (Banh chuônh Đôn-ta).
Gia đình ông Lý Bê ấp Tam Thọ, xã Đại Tâm thực hiện nghi thức cúng rước ông bà |
Ngày nay để phù hợp với cuộc sống hiện đại, lễ Sene Dolta chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có. Lễ Sene Dolta năm 2024 của đồng bào Khmer Nam bộ diễn ra từ ngày 1 đến 3/10/2024 (nhằm ngày 29, 30/8 và 1/9 âm lịch).
Trong đó, ngày thứ nhất là ngày cúng rước ông bà quá cố. Gia đình dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ. Sau đó, chuẩn bị mâm cỗ rồi mời các thành viên trong gia đình cùng đốt nhang, đèn, khấn mời linh hồn ông bà và người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu.
Mọi người mang thức ăn vào chùa để cúng chung. |
Đến chiều, mọi người ăn mặc tươm tất, tiếp tục dọn mâm cơm mới cúng ông bà, rồi mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp.
Ngày thứ hai là ngày cúng chính. Vào buổi trưa, đồng bào Khmer chuẩn bị mâm cơm cùng bánh, trái… mang vào chùa để tổ chức cúng tập thể. Sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả các linh hồn ông bà của tất cả mọi nhà trong phum, sóc, bà con trong phum sóc cùng ăn uống, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa.
Các vị sư tụng kinh cầu siêu cho người quá cố. |
Buổi chiều, họ làm lễ rước linh hồn ông bà về nhà, dâng mâm cơm mới cúng ông bà và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu.
Ngày thứ ba là cúng tiễn. Mỗi nhà chuẩn bị một mâm cơm, họ mời vài vị sư sãi cùng họ hàng thân tộc trong phum sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn ông bà quá cố.
Trong các ngày lễ, đồng bào kể lại cho con cháu những câu chuyện tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ những người quá cố.
Ngoài ra, lễ này vừa thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng trong ngôi chùa Khmer Nam Bộ.
Lễ hội đua bò Bảy Núi trong dịp Lễ Sene Dolta. |
Lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ những người quá cố đối với con cháu. Ngoài ra, lễ này vừa thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng trong ngôi chùa Khmer Nam Bộ.
Tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang những ngày lễ, các ngôi chùa Phật giáo nam tông Khmer được trang hoàng lộng lẫy, các hoạt động văn hóa, thể thao được diễn ra trong khuôn viên chùa thật ấm cúng, ý nghĩa.
Hòa trong niềm hân hoan đón lễ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tổ chức chương trình mừng Lễ Sene Dolta năm 2024 với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển” tại chùa Phđau Pên (Pô This Thôm Phđau Pên) thuộc xã Viên Bình, huyện Trần Đề.
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khẳng định, từ đầu năm 2024 đến nay, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác tiếp tục được thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng.
Qua đó, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần và bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến, kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn không ngừng khởi sắc; đời sống nhân dân trong tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng được cải thiện.
Khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thế trận lòng dân được củng cố, trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị được giữ vững. Đồng bào dân tộc Khmer luôn tin tưởng và thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những ngày này, tại Trà Vinh, lãnh đạo tỉnh và địa phương tổ chức nhiều đoàn đến thăm, chúc mừng tại các điểm chùa và gia đình chính sách tiêu biểu, gia đình có công với cách mạng.
Chôl Chnăm Thmây - lễ hội mừng năm mới của người Khmer
“Các hoạt động nhằm tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024” Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn khẳng định.
Tại An Giang, Hội đua bò Bảy Núi hằng năm thường được tổ chức huyện Tri Tôn trong dịp lễ Sene Dolta mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân gian của cư dân làm nông nghiệp lúa nước của đồng bào Khmer Nam Bộ.