Năng lực nội sinh tạo đà tăng trưởng

Năm Nhâm Dần sẽ là một năm bận rộn của nền kinh tế nước ta với những nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng sau hai năm liền chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Năng lực nội sinh tạo đà tăng trưởng

Năng lực sản xuất quốc gia được khôi phục nhờ vào triển khai hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế chính là yếu tố bảo đảm cho việc hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 2021-2025, cũng như tiến đến những mốc phát triển trong giai đoạn xa hơn tới năm 2030 và 2045.

Bối cảnh đặc biệt đòi hỏi chính sách đặc thù

Đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong hai năm phục hồi kinh tế 2022-2023, sẽ huy động nguồn lực tài chính lớn để kích cầu đầu tư và kích thích tiêu dùng thông qua nhiều cơ chế, chính sách hết sức đặc thù trong bối cảnh đặc biệt này.

Điều quan trọng nhất là cơ chế, chính sách sẽ phải được xây dựng, tính toán sao cho thật sát với thực tế, diễn biến của tình hình, hỗ trợ đúng và trúng đối tượng, thời điểm, liều lượng trong không gian kinh tế thống nhất, không bị chia cắt do các lợi ích cục bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Ngoài các nguồn lực tài chính thì giải pháp “phi tài chính” là cải cách hành chính và nâng cao nhận thức của người dân cũng không kém phần quan trọng. Chúng ta đã có nhiều cải cách quan trọng, những nỗ lực như vậy vẫn chưa đủ, vẫn còn những nút thắt về thể chế, nhất là liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, về kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, truyền tải và phân phối điện, xử lý môi trường, phát triển đô thị, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Những chậm trễ trong phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng miền, địa phương; chậm tiến độ các công trình, dự án quan trọng quốc gia, chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công,… cũng là những điểm nghẽn “biết rồi, nói mãi”, đang hạn chế năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, địa phương, kìm hãm sự phát triển chung của đất nước.

Tăng dư địa phát triển nhờ cơ cấu kinh tế hợp lý

Trả lời câu hỏi về mục tiêu tổng quát của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến việc hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Với sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân và FDI, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, chúng ta cũng kỳ vọng sẽ phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và tạo sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực để từ đó thấy rõ hơn mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ và khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Nếu có cơ chế, chính sách tốt, chúng ta có thể dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ven bờ và ngoài khơi do tiềm năng trời phú, phát triển ô-tô điện, mạng viễn thông 5G, Fintech, ngân hàng số, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), người máy robot… nền tảng của kinh tế số nhờ trí tuệ và khả năng sáng tạo của con người Việt Nam.

Tham gia tích cực quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, Việt Nam đã sử dụng hệ thống các chỉ tiêu, tiêu chí phát triển quốc tế làm thước đo chung để lượng hóa sự phát triển của đất nước. Mới đây nhất, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết trước cộng đồng quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu và cam kết này đang được khẩn trương nội luật hóa.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ ở quy mô quốc gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, chắc chắn sẽ đem lại thành quả tích cực cho nền kinh tế, củng cố tiềm lực và vị thế của đất nước.

TS TRẦN VĂN,nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội