Bộ đội thời bình

Bộ đội thời bình. Câu đó nghe thật chậm, thật nhẹ, thậm chí tôi tin, với nhiều người có lẽ còn thấy phảng phất hương vị của sự thảnh thơi, lãng mạn. Mà xét cho cùng, đúng là lãng mạn luôn có sẵn, vì lính thời nào chẳng là nơi hội tụ của tuổi tráng trai phơi phới, căng tràn lực sống cùng khát vọng.

Đoàn công tác Bộ Quốc phòng thăm, tặng quà các cháu sơ sinh gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 (ảnh trên).
Đoàn công tác Bộ Quốc phòng thăm, tặng quà các cháu sơ sinh gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 (ảnh trên).

Có muốn từ chối lãng mạn e rằng cũng không thể. Nhưng thảnh thơi ư, xem ra chẳng mấy khi. Cứ ngẫm lại các chặng thì thấy ngay: Từ anh Tuyên truyền Giải phóng quân, tới anh vệ túm, Vệ quốc đoàn, rồi anh Giải phóng quân miền nam, anh lính miền bắc xã hội chủ nghĩa, và bây giờ, trong một thể thống nhất tuyệt đối, anh Bộ đội Cụ Hồ, đoạn nào bộ đội cũng bận rộn ghê gớm. Thời chiến có cái gai góc thời chiến, thời bình có cái vất vả, gian lao của thời bình.

Bộ đội thời bình là con dao pha. Nơi nào thật khó, bộ đội có mặt, chốn nào thật hiểm nguy, bộ đội chắn che. Dấu chân bộ đội trải khắp mọi miền Tổ quốc, từ nơi cực bắc cuồn cuộn sương mù tới cực nam lắng đọng phù sa đất Mũi. Giữa mênh mang những đồng nước nổi miền tây, có bộ đội. Trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ rực sắc bazan, có bộ đội. Bởi thế mà thời bình, bộ đội vẫn xa nhà. Vẫn còn những người vợ trẻ một năm chỉ được gần chồng một, hai lần, lần nào cũng gấp gáp để rồi sau đó là dằng dặc nỗi khắc khoải ngóng chờ về phía đường chân trời thẳm xanh của bể Đông. Vẫn còn những đứa trẻ ngày giáp Tết, thơ thẩn ngó sang hàng xóm thấy cảnh gia đình nhà người ta sum họp đủ đầy, ấm cúng, mà quay vào phụng phịu, hờn trách hỏi mẹ rằng bao giờ bố về phép ăn Tết với nhà mình.

Và vẫn có những bà mẹ phải gắng chắt chiu thêm từng hơi thở tàn để chờ đợi đứa con trai đóng quân ở xa kịp về gặp mặt lần cuối. Bộ đội thời bình đâu chỉ là xa nhà. Bộ đội thời bình nhiều khi còn phải hy sinh cả tính mạng của mình. Ở Rào Trăng hẳn sẽ mãi mãi còn bóng dáng đoàn quân bươn bả tìm cách vượt qua mưa lũ rợn người để tìm đến cứu dân. 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 mãi là những tấm gương sáng ngời về tinh thần hy sinh vì nước, vì dân.

Bộ đội thời bình là thế!

Và cái ngày đại dịch Covid-19 bất thần xuất hiện. Nó như ngọn gió đen thổi văng đi những hàng rào yên bình thường ngày, để lộ ra cái điểm yếu đắng ngắt rằng con người mong manh, dễ vỡ biết chừng nào. Lúc ấy, tình thế cực cam go. Lúc ấy, lòng người nôn nao, chao đảo. Trong nỗ lực của cả xã hội chung tay chống giặc Covid-19, đôi khi như vẫn cảm giác thiêu thiếu cái gì đó thật vững chắc. Rồi thì bộ đội thời bình có mặt. Giặc lần này không phải một đội quân xâm lăng cụ thể, mà siêu hình, biến hóa, trà trộn hơn, vì thế, cũng hiểm nguy khó lường hơn. Nhưng mệnh lệnh đã sang sảng vang lên, trận này phải thắng, nhất định phải thắng. Những người lính thời bình một lần nữa cùng cả nước vào trận, nơi vắng bặt tiếng súng nhưng cái chết lại vô cùng gần cận.

Bộ đội thời bình -0
  Cán bộ, chiến sĩ Quân đội trao quà hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại quận 8, TP Hồ Chí Minh.  Ảnh: Hồng Pha

Họ đã không quản hiểm nguy, chắn che cho dân, chia cơm sẻ áo với dân, thậm chí phải ra ngủ ngoài bìa rừng chịu màn sương chiếu đất để nhường chỗ cho dân ở. Mấy người mẹ có thể hình dung cậu con trai của mình, mới ngày nào ở nhà còn bỡ ngỡ việc gia đình, thế mà bỗng chốc trở thành một quân nhân chững chạc, đầy trách nhiệm với nhân dân, với đồng bào mình. Người chị nào có thể biết trước cậu em trai khờ khạo, xuề xòa, chỉ biết đọc sách học hành kia lại trở nên chăm chỉ, kỹ lưỡng đến mức đi chợ lựa mua từng mớ rau, con cá cho dân. Còn nữa, thật khó diễn tả được chính xác cái cảm giác về hình ảnh những người lính trẻ măng, nghiêm trang mang lọ tro cốt đi dò tìm từng ngõ, vào từng nhà để trao tận tay cho thân nhân phần còn lại của người đã mất. Chỉ biết rằng, những gì làm được cho dân mình thì bộ đội thời bình đã làm, làm không nề hà, cấn cá, như một người con gắng gỏi tự biết trưởng thành sớm để gánh phần trách nhiệm với cả gia đình.

Tôi nhớ nét mặt của vị Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi nhắc đến đoàn cán bộ, chiến sĩ lên đường vào nam chi viện chống dịch. Lúc ấy khuôn mặt ông vừa trang trọng, vừa phảng phất nét ưu tư. Trang trọng trong tư cách một vị chỉ huy tự hào về sự quả cảm của người lính dưới quyền mình, ưu tư của một người anh nhìn những đứa em đi vào vùng hiểm nguy. Cái ưu tư của Đại tướng-Chủ nhiệm cũng là cái ưu tư của tất cả các chỉ huy quân đội trong những tình huống cấp bách, liên quan sinh mạng binh lính. Phía sau quân lệnh là tình người. Vị tướng ấy cũng từng là một người lính, cũng từng trải qua những tình huống tương tự như thế, cho nên hơn ai hết, ông hiểu điều gì đang chờ đợi các chàng trai của mình. Dĩ nhiên, ông tin họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ như người chỉ huy nào đó đã từng tin ông. Và trên thực tế, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khi nhìn dòng sông, người ta thường chỉ thấy bề mặt êm đềm, phẳng lặng của nó, mà khó đong đếm được sức vóc cũng như định lượng ngầm ẩn bên dưới. Làm sao đong đếm được công sức những gì bộ đội thời bình đã làm, bởi trong đó có mồ hôi, máu, thậm chí cả sinh mạng. Nhưng quan trọng hơn, không có bất cứ ai, từ tướng lĩnh đến chiến sĩ, dù chỉ là thoáng qua, mảy may nghĩ tới cái việc thực dụng so kè ấy. Đơn giản, những người lính thời bình, ngoài mệnh lệnh của chỉ huy, họ còn nhận thêm mệnh lệnh từ một nơi khác, đó là từ chính trái tim mình. Và nhiệm vụ tối thượng của họ là vì dân. Đã vì dân thì tuyệt không đong đếm.

Tùy bút của NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG,

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội