Đường đến hệ sinh thái tài chính số

Bước sang năm 2022, chuyển đổi số được coi là động lực chính cho phục hồi và phát triển kinh tế. Với ngành tài chính, mọi hoạt động quản lý nhà nước về tài chính đang được chuyển đổi mạnh mẽ sang môi trường số.

Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) đi vào hoạt động giúp nâng cao năng lực quản lý thuế. Ảnh: Khánh An
Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) đi vào hoạt động giúp nâng cao năng lực quản lý thuế. Ảnh: Khánh An

Trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính luôn được xếp ở nhóm dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là việc triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Đối với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc thống nhất, đồng bộ pháp luật tài chính với hệ thống pháp luật hiện hành trên mọi lĩnh vực, nhất là thống nhất trong giao dịch điện tử. Hệ thống các văn bản này là cơ sở pháp lý, tiền đề để hướng tới xây dựng Bộ Tài chính số, đáp ứng mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số mà Chính phủ đã đặt ra cho giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Về nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, Bộ Tài chính đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính từ rất sớm. Hiện toàn ngành có khoảng 33 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị: 19 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành tài chính với các đơn vị ngoài ngành và 14 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành tài chính với nhau. Bộ cũng đã xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu tổng hợp về tài chính (cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính).

Theo đó, dựa trên các nhóm yếu tố chính là nhân sự-dữ liệu-công nghệ-cơ chế, chính sách, lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu về tài chính được thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn 2019-2022 tập trung vào thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu có cấu trúc gồm dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Tài chính; dữ liệu từ các bộ, ngành, địa phương,... Giai đoạn 2023-2025 sẽ tiếp tục bổ sung các dữ liệu theo các mảng nghiệp vụ theo lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, cập nhật các dữ liệu phi cấu trúc hoặc bán cấu trúc vào trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính. Bộ Tài chính sẽ thực hiện đồng bộ việc xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu tổng hợp về tài chính theo kiến trúc Data Hub có đầy đủ các công cụ phân tích dữ liệu như công cụ báo cáo thông minh (BI), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI),…và quản trị dữ liệu (Data Governance) nhằm bảo đảm chất lượng dữ liệu và cung cấp một nguồn dữ liệu đồng bộ, nhất quán.

Trong thời gian tới, về công tác xây dựng các hệ thống chuyên ngành, cốt lõi của ngành tài chính, Bộ Tài chính sẽ thực hiện hệ thống tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước. Theo xu hướng chuyển đổi số, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước phải được tổng hợp từ dữ liệu gốc, là dữ liệu kế toán, tài chính của đơn vị sử dụng ngân sách. Trong lĩnh vực quản lý thuế, ngành tài chính đã thực hiện một cuộc cách mạng trong phương thức quản lý thuế bằng việc nâng cấp và triển khai mở rộng hệ thống Quản lý hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, chính thức “khai tử” hóa đơn giấy truyền thống.

Theo lộ trình chuyển đổi số của ngành tài chính, mục tiêu đến năm 2025 sẽ thiết lập hệ sinh thái tài chính số, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên, thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh. Đến năm 2030, Bộ Tài chính đặt mục tiêu xây dựng xong hệ sinh thái tài chính số hiện đại với cơ chế kết nối, cơ chế chia sẻ thông minh, từ đó tạo ra những giá trị gia tăng để hướng tới một nền kinh tế số toàn diện. Trong công cuộc đó, điều kiện tiên quyết là cần có một nền tảng số vững chắc, bảo đảm an toàn mạng, được điều hành bởi công nghệ hiện đại, và cần có trách nhiệm của người đứng đầu. Tại nhiều buổi làm việc với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam, Bộ Tài chính cũng đã “đặt hàng” cung cấp công nghệ để thực hiện chuyển đổi số toàn bộ hoạt động của ngành tài chính.

Rõ ràng, sự kết nối, liên thông giữa các hệ thống thông tin để hình thành hệ thống văn phòng điện tử và kho dữ liệu tổng thể của toàn ngành tài chính với toàn bộ hệ thống điều hành của Chính phủ đã đặt ra bài toán phức tạp nhưng lý thú với các doanh nghiệp công nghệ viễn thông nội địa.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, ngoài việc bảo đảm hạ tầng kết nối thì công tác vận hành giám sát, bảo mật dữ liệu trên môi trường mạng là một trong các yêu cầu bắt buộc trong quá trình chuyển đổi số. Là doanh nghiệp quốc phòng, có đội ngũ chuyên gia hàng đầu về viễn thông và công nghệ thông tin, Viettel đã làm chủ các công nghệ hiện đại như AI, Big Data, Machine Learning, Cloud, Blockchain…, hình thành các sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” và sẵn sàng song hành cùng Bộ Tài chính đưa hoạt động chuyển đổi số đi vào cuộc sống.

Sông Trà