Chuyện phá án ly kỳ hơn phim ảnh

1 Tháng 8 năm “con trâu”, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nước ta lên đến gần đỉnh điểm. Ở yên trong nhà “chống dịch” có điều kiện xem nhiều “phim bộ” hơn. Tình cờ, một buổi chiều mở VTV4, “gặp” ngay bộ phim “Cung đường trắng” mà tôi là tác giả kịch bản. Dài 45 tập, “Cung đường trắng” tái hiện cuộc chiến đấu vô cùng cam go, ác liệt với bọn tội phạm gieo rắc “cái chết trắng”.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hòa Bình từng phá nhiều vụ án ma túy lớn, tham gia đóng phim Cung đường trắng.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hòa Bình từng phá nhiều vụ án ma túy lớn, tham gia đóng phim Cung đường trắng.

Để viết kịch bản này, tôi đã được đơn vị chức năng cho phép khai thác tài liệu một số vụ án lớn, gặp gỡ những trinh sát dày dạn trận mạc... Chuyện từ chính những người trong cuộc tại Công an huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình trực tiếp vây bắt trùm ma túy Vàng A Khua ở Hang Kia. Căng thẳng cao trào khi các lực lượng đang cố gắng thuyết phục Khua đầu thú, thì y điên cuồng xả súng! Vàng A Của, con trai Khua bị chính bố mình bắn chết khi vừa ra khỏi nhà xin cho y đầu thú. Ba chiến sĩ công an trúng đạn! Các anh đã mãi mãi ra đi vào một ngày giáp Tết!

Tiếp đó là cuộc chiến đấu trong rừng sâu núi thẳm Sơn La giữa một tổ trinh sát với 25 tên tội phạm đang vận chuyển ma túy vào nội địa. Đáp lại loa gọi hàng là súng bắn ra như vãi đạn. Tổ trinh sát buộc phải nổ súng tiêu diệt hai đối tượng nguy hiểm nhất, bắt một số tên, thu năm khẩu súng, hơn 100 bánh heroin. Nhưng trong trận đánh ấy, một chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh...

Tất cả những tình tiết ly kỳ, ác liệt nhất từ những vụ án điển hình trên được tái hiện khá chân thực trong “Cung đường trắng”. Trên thực tế, cuộc chiến còn phức tạp và dữ dội hơn rất nhiều. Theo số liệu công bố của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tính đến 30/11/2021, công an cả nước đã phát hiện hơn 25 nghìn vụ, bắt giữ hơn 37 nghìn đối tượng, thu giữ gần 600 kg heroin, hơn 2,4 triệu viên ma túy tổng hợp... Những con số không chỉ là chiến công mà còn cho thấy những khó khăn, gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ chống tội phạm ma túy.

Trước sự tấn công mạnh mẽ của lực lượng công an, gần đây tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn. Ma túy giấu cả tạ trong những chiếc mô-tơ điện nặng hàng tấn, vận chuyển từ nam ra bắc. Ma túy lẩn vào hàng trăm chiếc dạ dày lợn, hút chân không, đóng thùng... “xuất khẩu”! Cần phải nói thêm, những vụ án ma túy bị triệt phá kể trên đều diễn ra vào những ngày dịch Covid-19 hoành hành. Công an vừa phải chống “giặc” Covid, vừa phải chống “giặc” ma túy! Cũng trong tháng 8, Công an TP Hà Nội bắt quả tang một đối tượng đang vận chuyển 10 bánh heroin, 5 kg ketamine được chở trên chiếc xe tải được… “cấp luồng xanh” chở rau củ quả từ Tây Bắc về Hà Nội. Để phá vụ án này, hàng chục trinh sát đã phải vất vả xuôi ngược khi Sơn La, khi Hòa Bình. Chuyện phá án trong mùa dịch, nếu lên phim ảnh, chắc cũng vẫn ly kỳ và hấp dẫn...

Chuyện phá án ly kỳ hơn phim ảnh -0
 

2 Tối ngày rằm tháng 10 âm lịch vừa qua đã diễn ra buổi lễ tưởng niệm hơn 23 nghìn nạn nhân đã ra đi vì đại dịch Covid-19. Buổi lễ không chỉ thể hiện sự chia sẻ trước những mất mát, đau thương của các gia đình mà còn là sự động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có lực lượng công an. Tính đến ngày 7/12/2021, toàn lực lượng công an có hơn 10 nghìn cán bộ, chiến sĩ mắc và nghi nhiễm Covid-19, 17 người đã hy sinh, tử vong liên quan đại dịch.

Vừa chống dịch, lực lượng công an vừa âm thầm đấu trí với những “ổ dịch tham nhũng”, tiêu cực tại nhiều ngành, địa phương... Có thể nói việc khởi tố vụ án xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, bắt tạm giam bảy bị can thông đồng, phù phép nâng giá mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19 là “trận đánh án” mở màn trong lĩnh vực mua sắm thiết bị y tế mùa dịch để từ đó tiếp tục rà soát, điều tra 18 gói thầu mua sắm vật tư y tế trước đó có dấu hiệu vi phạm. Tháng 3/2021, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 11 bị can về hành vi “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra ở Sở Y tế Cần Thơ và tập đoàn NSJ. Tiếp đó, Công an Sơn La đã làm rõ vụ thông đồng nâng giá thiết bị y tế xảy ra ở Sở Y tế tỉnh này gây thiệt hại cho Nhà nước hàng tỷ đồng. Một số cán bộ, trong đó có cả nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La đã bị khởi tố, bắt giam. Vụ thông đồng nâng giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Thủ Đức TP Hồ Chí Minh đã khiến Giám đốc Bệnh viện này lâm vào vòng lao lý. Mới đây nhất, trong diễn biến điều tra và xét xử vụ buôn bán thuốc chữa bệnh ung thư giả từ những năm trước, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Y tế về những sai phạm liên quan...

3 Một cán bộ chỉ đạo Ban chuyên án cho hay: “Nếu nhìn vào hồ sơ đấu thầu mua bán thì tất cả đều “làm” rất đúng quy trình! (?). Phải trinh sát tốt, có nghiệp vụ điều tra vững vàng, khách quan, mới có thể phát hiện, đưa ra ánh sáng những chiêu trò móc ngoặc, thông đồng giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan thẩm định giá với đơn vị trúng thầu”... Vụ lắp đặt hệ thống robot phẫu thuật ở Bệnh viện Bạch Mai, nhập khẩu về chỉ có giá 7,4 tỷ đồng bị nâng khống lên tận… 39 tỷ đồng là một thí dụ. Tương tự, gói thầu stent mà Công ty Hoàng Nga nhập từ Ấn Độ về cho Bệnh viện Tim Hà Nội với giá từ 8 đến 11 triệu đồng đã bị “thổi” lên 36,6 đến 42 triệu đồng/chiếc! Việc phơi sáng những khuất tất trong lĩnh vực y tế không chỉ để chặn đứng hành vi trục lợi, cảnh tỉnh những “nhóm lợi ích” kiếm chác trong đại dịch mà còn phát hiện ra những “lỗ hổng” lớn trong các khâu thẩm định đầu tư, đấu thầu... Ở góc độ an ninh kinh tế, an ninh y tế, có quá nhiều việc phải làm!

Đó chỉ là một phần trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều đại án liên quan đất đai, buôn lậu, xây dựng... Sáng 6/11/2021, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với ba bị cáo trong vụ cựu Phó Tổng cục trưởng Tình báo Nguyễn Duy Linh (50 tuổi) nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ Vũ “nhôm”. Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 7 năm 6 tháng tù về tội đưa hối lộ; Nguyễn Duy Linh 14 năm tù về tội nhận hối lộ do các hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây bất bình trong dư luận.

Ngày 18/11/2021, trong Hội nghị về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan các vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế, vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước... Với quan điểm không có vùng cấm, “kỷ luật một người để cứu muôn người”, trong cuộc chiến “sinh tử” vì tồn vong của Đảng, của đất nước, đã có người từng là Ủy viên Bộ Chính trị phải vào tù, có Bộ trưởng phải ra trước vành móng ngựa, nhiều tướng, tá quân đội và công an sa ngã, đã tự mình làm mất đi danh dự của người quân nhân cách mạng... Và điều đó cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Mới đây, Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba (2020-2021) đã trao Giải Đặc biệt cho ba tập phim tài liệu “Giặc nội xâm”! Sau “Sinh tử”, “Giặc nội xâm”, nếu khai thác những đại án tham nhũng vừa được đưa ra xét xử công khai, chắc chắn các nhà làm phim sẽ có những bộ phim hay, dữ dội hơn, mang tính cảnh báo hơn rất nhiều.

Năm trước, xem phim “Sinh tử” (Đạo diễn: NSND Khải Hưng, NSƯT Mai Hiền; Kịch bản: nhà văn Phạm Ngọc Tiến) khán giả đã và sẽ còn nhớ lời “tự thú” của Trần Nghĩa, “Chủ tịch UBND tỉnh Việt Thanh” khi đến gặp ông Văn Thành Nhân, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này xin từ chức với những lời đau như dao cứa: “Tôi đã sai lầm! Sai lầm thì phải trả giá. Nhưng đau đớn nhất là đã để cho thằng con trai mình sa ngã và đã phải trả giá bằng chính sai lầm của mình... Tôi đã dạy nó nhiều điều, nhưng quên mất đã không dạy nó cách chọn lựa giữa quyền lợi cá nhân với trách nhiệm xã hội. Tôi nhận thấy mình có phần vội vàng khi đặt nó vào vị trí lãnh đạo khi nó chưa đủ rèn luyện về đạo đức và phẩm chất”...

Ngày Tết, có thời gian rỗi đọc sách, xem phim hơn, nghĩ chuyện phá án trong phim, đánh án ngoài đời, ngẫm ra nhiều chuyện. Lời “tự thú” muộn màng vì những sai lầm của nhân vật Trần Nghĩa đã khiến nhiều cán bộ phải trả giá và chính Trần Bạt, con trai ông phải nhận án tử hình! “Dư âm” cảnh tỉnh của nó vẫn luôn thời sự!

Để cuộc sống ngày mỗi tốt hơn lên!

Nhà văn Nguyễn Xuân Hải