Huyện Đắk Pơ là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất tỉnh với 782 ca, thành phố Pleiku: 760 ca, Krông Pa: 664 ca, Chư Prông: 594 ca, Chư Sê: 643 ca, Chư Pưh: 530 ca, Ia Grai: 509 ca… Hiện ngành y tế đang tích cực phối hợp các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách xử lý 303 ổ dịch sốt xuất huyết, quyết tâm khống chế thấp nhất dịch bùng phát và lây lan trên diện rộng; tiếp tục triển khai giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các huyện có số ca mắc tăng cao đột xuất.
Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã có công văn khẩn chỉ đạo Sở Y tế, các địa phương và ngành chức năng khẩn trương tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch; tập trung nhân lực, vật lực để dập tắt những ổ dịch, tích cực tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố có số trường hợp mắc bệnh cao triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát các trường hợp bệnh và triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết theo quy định.
“Hiện tại trong khoa, nhân lực hạn chế thì được tăng cường nhân lực từ các khoa khác và tăng cường điều dưỡng, bác sĩ từ các xã phường, trực 24/24 giờ. Bệnh nhân có diễn biến thì xử lý kịp thời và có trang thiết bị để điều trị bệnh nhân tốt nhất”, bác sĩ Rơ Mah Yah- Khoa Nội, Trung tâm Y tế Pleiku cho biết. Theo ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, ngành y tế Gia Lai đã dự đoán được tình hình mắc sốt xuất huyết sẽ tăng cao trong tháng 9 và tháng 10 vì đây là thời điểm mưa nắng đan xen thuận lợi cho muỗi phát triển. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai kế hoạch kiểm soát dịch và công tác điều trị ngay từ cơ sở. Tuy vậy, theo ông Nam, dịch sốt xuất huyết sẽ được kiểm soát hiệu quả nếu người dân ý thức thường xuyên vệ sinh môi trường, phá vỡ quy trình sinh sản của muỗi vằn - trung gian lây truyền bệnh.
Sở Y tế đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường nhân lực trực tiếp xuống cơ sở giám sát ổ dịch để kịp thời triển khai dập các ổ dịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát và lan rộng. Hiện các cơ sở y tế đã lên kế hoạch, bố trí giường bệnh, cơ số thuốc điều trị bệnh nhân, đặc biệt là các dung dịch cao phân tử để điều trị các trường hợp nặng, sốc sốt xuất huyết.
“Điều quan trọng nhất vẫn là cộng đồng nêu cao ý thức, quan tâm việc loại bỏ những vật dụng chứa nước đọng diệt tận gốc mầm mống gây bệnh ở khu vực mình sinh sống, khu vực lao động, làm việc, đây là giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết tốt nhất”, ông Đinh Hà Nam cho biết thêm.