Thái Bình ghi nhận gần 300 ca sốt xuất huyết

NDO - Dịch sốt xuất huyết ở tỉnh Thái Bình đang có diễn biến mới khi số ca mắc những tháng gần đây có chiều hướng tăng. Ngành y tế địa phương ban hành nhiều công văn yêu cầu các huyện, thành phố tăng cường phòng chống dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình điều tra, giám sát chỉ số côn trùng tại khu vực có ca mắc sốt xuất huyết xã Đông Các (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). (Ảnh: CDC Thái Bình cung cấp)
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình điều tra, giám sát chỉ số côn trùng tại khu vực có ca mắc sốt xuất huyết xã Đông Các (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). (Ảnh: CDC Thái Bình cung cấp)

Theo số liệu tổng hợp từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận 284 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó, có 138 trường hợp nội sinh. Đáng chú ý, xuất hiện các ca bệnh thứ phát tại các ổ dịch cũ, nhất là đã có một số ca bệnh nặng buộc phải chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ương.

Số lượng ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng nhanh kể từ tháng 5 vừa qua, cao hơn so cùng kỳ năm 2021 và cùng kỳ nhiều năm. Dịch đang trong thời gian cao điểm, kết hợp với diễn biến thời tiết mưa ẩm kéo dài hơn 20 ngày qua, là điều kiện lý tưởng để các đối tượng trung gian gây bệnh như bọ gậy, lăng quăng sinh sản và phát triển.

Nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, việc vệ sinh môi trường chung trong cộng đồng, cơ quan còn hạn chế, nhất là tại các ổ dịch có ca bệnh nội sinh chưa hoàn toàn triệt để, đây là mầm mống phát sinh các ca bệnh thứ phát diễn ra thời gian gần đây.

Ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết: Trước tình trạng gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết, thời gian qua, Sở ban hành nhiều công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh này.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phối hợp ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế.

Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức đánh giá tình hình dịch sốt xuất huyết, đề ra giải pháp khắc phục các tồn tại và triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, xử lý nhanh gọn các ổ dịch, không để bùng phát trên diện rộng.

Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã khẩn trương tổ chức tập huấn về chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết cho các đơn vị y tế trong toàn bộ hệ thống từ tuyến xã đến tuyến tỉnh. Mục tiêu để sẵn sàng ứng phó với diễn biến bất thường của dịch, chuẩn bị tốt nhất cho công tác điều trị, không để xảy ra các trường hợp tử vong.

Cùng với đó, ngành y tế đã tổ chức phân tuyến quản lý, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn một cách khoa học, nhịp nhàng.Trong đó, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh được giao tập trung nguồn lực thu dung, điều trị các trường hợp bệnh nặng.