Vì sao bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết gia tăng ở Đắk Lắk?

NDO - So thời điểm năm 2016 và 2019 là chu kỳ dịch tễ 3 năm một lần, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp thì năm nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giảm hơn nhiều, nhưng số bệnh nhân tử vong lại tăng mạnh, khiến người dân hết sức lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00
Một bệnh nhân lớn tuổi nằm điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
Một bệnh nhân lớn tuổi nằm điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ Lê Phúc, cho biết: Theo chu kỳ dịch tễ 3 năm một lần, năm 2022 sẽ là năm sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, bùng phát thành dịch. Thực tế, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay diễn ra rất phức tạp, đặc biệt thời gian gần đây, số bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết tăng mạnh so những năm trước đây.

Cụ thể, năm 1998 trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 9.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và có 7 trường hợp tử vong; năm 2013 ghi nhận hơn 4.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong; năm 2016 toàn tỉnh ghi nhận 13.234 trường hợp mắc sốt xuất huyết và chỉ có 2 trường hợp tử vong; đặc biệt trong năm 2019 toàn tỉnh ghi nhận có tới 23.017 trường hợp mắc sốt xuất huyết và chỉ có 4 trường hợp tử vong.

Còn từ đầu năm đến ngày 4/10/2022, trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện 278 ổ dịch nhỏ rải rác tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố với 6.761 trường hợp mắc sốt xuất huyết, nhưng lại có đến 9 trường hợp tử vong, trong đó riêng địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột có 4 trường hợp, còn lại rải rác ở các huyện.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ Lê Phúc, cho biết: Năm nay trên địa bàn tỉnh không chỉ bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết gia tăng mà độ tuổi tử vong cũng thay đổi. Trước đây chủ yếu là trẻ em tử vong nhưng năm nay phần lớn là bệnh nhân lớn tuổi. Cụ thể, trong 9 trường hợp tử vong thì có đến 6 trường hợp trên 18 tuổi.

Theo bác sĩ Lê Phúc, nguyên nhân khiến bệnh nhận tử vong do sốt xuất huyết gia tăng là do các bệnh nhân có nhiều bệnh nền và chủ quan, mua thuốc uống tại nhà, khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Cụ thể, qua phân tích bệnh án 9 trường hợp tử vong cho thấy, trung bình các bệnh nhân mua thuốc uống tại nhà 3,5 ngày, có trường hợp đến 7 ngày. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, nhưng do bệnh quá nặng, không cứu chữa được.

Chẳng hạn như bệnh nhân H.M.N., sinh năm 2001, trú tại buôn Ko Siêr, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ngày 24/9, bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi, nhức mỏi tay chân, đau tức bụng, đi cầu phân lỏng nước. Đến ngày 30/9, bệnh nhân mệt nhiều nên nhập Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột để điều trị. Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa nặng, thiếu máu mạn mức độ nặng-Beta Thalassemia, bệnh lý máu ác tính, sốt xuất huyết Dengue ngày 5, sốt xuất huyết thể não... Do bệnh nặng, bệnh nhân tử vong vào lúc 10 giờ 20 phút ngày 2/10.

Hay như bệnh nhân V.V. sinh năm 1968, trú tại thôn 2, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, ngày 20/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao liên tục, đau mỏi toàn thân, đã điều trị thuốc không rõ loại tại phòng khám tư nhân nhưng bệnh không giảm.

Đến ngày 23/7, bệnh nhân đi khám và nhập viện Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, tại đây bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 3.

Đến ngày 27/7, bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 7 mức độ nặng.

Đến 20 giờ 45 phút cùng ngày, bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến ngày 30/7, người nhà xin đưa bệnh nhân về với chẩn đoán sốt xuất huyết nặng và bệnh nhân tử vong trên đường về nhà.

Bác sĩ Lê Phúc cho rằng, sốt xuất huyết là bệnh do virus và có 4 type huyết thanh là D1, D2, D3 và D4. Trước đây trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ có 3 type huyết thanh là D1, D3 và D4, nhưng hiện nay đã có đủ 4 type huyết thanh gồm D1, D2, D3 và D4, nên khi mắc bệnh, nguy cơ bị bệnh nặng càng cao, nhất là các bệnh nhân có nhiều bệnh nền.

Ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho thấy, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 1.430 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó nhóm nhẹ chiếm 40%, nhóm cảnh báo chiếm 55% và nhóm nặng chiếm 5%.

Để tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã thành lập nhóm Zalo kết nối tuyến tỉnh với tuyến huyện để các bác sĩ tham gia chẩn đoán và hướng dẫn điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở tuyến huyện, chỉ khi bệnh nặng mới chuyển lên tuyến tỉnh nhằm hạn chế sự quá tải tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Do bệnh nhân nặng tăng khiến khoa quá tải cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực. Hiện, cả khoa Truyền nhiễm có 120 giường bệnh, nhưng có khi phải điều trị cho 150 bệnh nhân sốt xuất huyết. Về nhân lực toàn khoa hiện có 22 người, trong đó, có 7 bác sĩ chỉ đủ điều trị cho 50 bệnh nhân, nhưng vừa điều trị cho 150 bệnh nhân sốt xuất huyết, vừa điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, bệnh nhân HIV...

Nguyên nhân bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết gia tăng có thể do phần lớn bệnh nhân có nhiều bệnh nền và đến cơ sở y tế muộn dẫn đến nhiễm trùng máu sau sốt xuất huyết kết hợp với các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gan, phổi mãn tính... dẫn đến tử vong.

(Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên)

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Lê Phúc cho biết, hiện nay dịch sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, bệnh nhân tiếp tục gia tăng.

Đặc biệt trong những tháng cuối năm là thời điểm nông dân ở Đắk Lắk bước vào thu hoạch cà-phê niên vụ 2022-2023, sẽ có nhiều người lao động từ các tỉnh đến Đắk Lắk làm thuê, giúp người dân địa phương thu hoạch cà phê. Để tiện cho việc trông nom vườn cà-phê và thu hái, nhiều gia đình làm chòi cho người lao động ở lại ngoài rẫy nên nguy cơ bị muỗi đốt và gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là rất lớn.

Nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết gia tăng trong những tháng cuối năm, giải pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, xử lý môi trường chung quanh nhà ở và trong khu dân cư, đồng thời tăng cường các lớp tập huấn, triển khai công tác xét nghiệm, chẩn đoán nhanh để triển khai, xử lý các ổ dịch khi phát hiện có bệnh nhân.

Về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tiếp tục duy trì công tác giám sát dịch tễ chặt chẽ, nhất là vùng có ổ dịch nhằm phát hiện sớm bệnh nhân, xử lý kịp thời và tích cực điều tra, phân tích các khu vực, cơ quan, đơn vị, trường học... có nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết cao để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý, không để dịch bệnh lây lan và bùng phát trên diện rộng.

“Để hạn chế bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, chúng tôi khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng mắc sốt xuất huyết thì đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự mua thuốc uống và điều trị tại nhà, chỉ đến khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế sẽ nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Lê Phúc khuyến cáo.