Nâng cao vai trò của phụ nữ trong thời đại công nghệ số

Chuyển đổi số không chỉ mang đến cơ hội cho phụ nữ tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới, cơ hội việc làm mới mà còn tạo điều kiện cho chị em tham gia vào các nền tảng giao dịch thương mại, tiếp cận khách hàng, quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình khởi nghiệp trang trại gà sạch ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: THU HƯƠNG)
Mô hình khởi nghiệp trang trại gà sạch ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: THU HƯƠNG)

Điều này quan trọng đối với phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; nhờ công nghệ số, các sản phẩm của hội viên “được” đi xa hơn những ngôi chợ truyền thống, tham gia vào mạng lưới kinh doanh online, có mặt khắp cả nước. Từ đó, giá trị của sản phẩm được nâng cao, kinh tế gia đình cải thiện. Đây cũng là cách thức giúp nhiều hội viên khởi nghiệp thành công.

Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII xác định: Ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp quan trọng để đổi mới phương thức hoạt động Hội, đồng thời là khâu đột phá giai đoạn 2022-2027; trong đó, lấy hội viên, phụ nữ làm trung tâm, cán bộ hội các cấp làm nòng cốt trong chỉ đạo, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội và hướng dẫn hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi số.

Về chỉ tiêu hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia kinh tế số, xã hội số, hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phấn đấu có 1 triệu hội viên, phụ nữ, trong đó có 30% hội viên, phụ nữ sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các nền tảng số, công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được đổi mới theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, dựa trên nhu cầu phát triển và thích ứng với bối cảnh, tình hình thực tiễn. Các cấp hội tổ chức nhiều chương trình đa dạng hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ nâng cao năng lực; hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thị trường, thông tin, công nghệ, tác động chính sách.

Bên cạnh các nội dung tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh mang tính truyền thống, các cấp hội đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động liên kết, hợp tác, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, như quản trị kinh doanh, năng lực ứng phó khủng hoảng do Covid-19, ứng dụng thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tổ chức hội thi và quảng bá sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp; đẩy mạnh kết nối liên tỉnh và nội tỉnh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông sản; kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua phối hợp với ngành bưu điện, sàn thương mại điện tử Postmart, Tiki, Shopee...

Để hỗ trợ phát triển tư duy và nâng cao kỹ năng thời kinh tế số cho hội viên, phụ nữ, nhiều chương trình tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi tư duy thời kinh tế số đã được thực hiện tại các địa phương. Các cấp Hội tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bán hàng trên nền tảng công nghệ số, kết nối, xúc tiến thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ làm ra, cung ứng trong và ngoài địa phương.

Cùng với đó, các cấp Hội triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025 (Đề án 939), Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế ngày càng đa dạng và hiệu quả; tổ chức các lớp tập huấn kinh doanh online, tham gia các kênh, nhóm kinh doanh trên mạng xã hội... để có môi trường và kỹ năng vận dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.

Có thể thấy việc hỗ trợ phụ nữ trang bị đầy đủ kiến thức cũng như thiết bị công nghệ để tham gia vào công cuộc chuyển đổi số phát triển kinh tế là vô cùng quan trọng và cần thiết. Do vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ về các chính sách và triển khai hoạt động phù hợp, kịp thời để phụ nữ tự tin, mạnh mẽ vươn lên, khẳng định vị thế và vai trò của mình, phát huy quyền năng kinh tế trong thời kỳ công nghệ số.

Để tiếp tục khuyến khích phong trào phụ nữ khởi nghiệp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần xây dựng chương trình hỗ trợ cụ thể dành cho hội viên khởi nghiệp, trong đó, chú trọng nâng cao, bồi dưỡng, đào tạo năng lực ứng dụng công nghệ của các hội viên; thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng công nghệ, chương trình tiếp cận chuyên gia có kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; tăng cường xây dựng hình ảnh phụ nữ khởi nghiệp, nữ doanh nhân thế hệ số. Các nhóm phụ nữ cần có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các hoạt động triển lãm công nghệ, đổi mới sáng tạo…