Chương trình phát triển đô thị Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chủ trương, định hướng chiến lược của Trung ương, Chính phủ và quy định pháp luật hiện hành.
Một số chỉ tiêu chủ yếu được xác định trong chương trình đó là: Thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước đạt 1,4 lần; mức tăng trưởng kinh tế trung bình ba năm gần nhất đạt 6,03%; tăng trưởng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn so với cả nước đạt 1,24 lần; mật độ dân số khu vực nội thị đạt 9.294 người/km2; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đạt 5,74 %.
Đối với chỉ tiêu phát triển đô thị, tỷ lệ đô thị hóa toàn thành phố hiện nay đạt khoảng 49,1%, Chương trình phát triển đô thị Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 55-65%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2035 toàn thành phố đạt khoảng 60-70%.
Dự kiến thành phố có 16 quận (gồm 12 quận hiện có và bốn huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì dự kiến thành lập). Số quận dự kiến này theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố và Báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển 5 huyện thành quận về tổng kết tình hình thực hiện các Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện thành quận năm 2023.
Việc phê duyệt Chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển huyện thành quận. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, do Chương trình phát triển đô thị và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn chưa được phê duyệt, cho nên các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng vẫn còn diện tích đất nằm ngoài khu vực phát triển đô thị.
Về triển khai công tác quy hoạch, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, sở đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, để đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng.
Chương trình đặt ra chỉ tiêu mật độ dân số toàn đô thị của Hà Nội đạt hơn 3.000 người/km2. Mật độ dân số trong khu vực nội thành, nội thị, thị trấn giai đoạn đến năm 2035 đạt 12.000 người/km2.
Theo đánh giá của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, trong giai đoạn vừa qua, các quy hoạch và kế hoạch vẫn chưa được xác lập đồng bộ, cho nên có hiện tượng phát triển đô thị còn phân tán, dàn trải. Vì nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhiều dự án khu đô thị mới chậm triển khai. Không gian đô thị chưa hài hòa giữa phát triển mới với cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị.
Về tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn đô thị, chỉ tiêu đặt ra về diện tích xây dựng đô thị trong khu vực nội thành đến năm 2035 (bao gồm tổng diện tích 12 quận và bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) là 540 km2, không bao gồm diện tích mặt nước, cây xanh phòng hộ, hành lang thoát lũ, đất an ninh quốc phòng.
Các đô thị còn lại sẽ theo định hướng Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được phê duyệt. Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông công cộng, thực hiện chiến lược chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp. Mật độ đường giao thông đạt 2,03 km/km2; diện tích đất giao thông bình quân đầu người đạt 6,2 m2/người; đất cây xanh đô thị bình quân đầu người đạt 2m2/người…
Chương trình phát triển đô thị tại Hà Nội được xây dựng theo yêu cầu phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực có liên quan, các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn và khả năng huy động nguồn lực thực tế tại địa phương.