Trao đổi về vấn đề bình đẳng giới tại các khu công nghiệp, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ cho biết: “Khi nói đến bình đẳng giới, trong tiềm thức của mọi người thường nghĩ rằng, đây là chuyện của Chính phủ và các tổ chức xã hội. Trên thực tế, các doanh nghiệp trong khu vực đã và đang thực hiện nhiều công việc, giá trị để hướng tới bình đẳng giới. Giữa bối cảnh cộng đồng nữ doanh nhân phát triển liên tục trong 15 năm vừa qua, tỷ lệ nữ lãnh đạo ở cấp trung và cấp cao tại các tập đoàn, công ty cũng được gia tăng”.
Kết quả khảo sát tiêu chuẩn về đa dạng và hòa nhập (D&I) của PwC - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới cho thấy, khoảng 75% trong số hơn 450 tổ chức trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đồng ý D&I là giá trị được ưu tiên hàng đầu.
Người lao động ngày càng coi trọng môi trường làm việc bình đẳng, đa dạng và dễ dàng hòa nhập. Vì thế, việc xây dựng chính sách bình đẳng giới tại nơi làm việc và tăng cường quyền năng cho nữ lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, đang trở thành một mục tiêu quan trọng.
Theo bà Hà Thu Thanh, vai trò thực sự của người phụ nữ sẽ phát huy khi họ được tham gia, đóng góp và ghi nhận vào sự phát triển của rất nhiều doanh nghiệp. Lúc này, tài năng, các giá trị cống hiến của họ được công nhận xứng tầm và cơ hội thăng tiến được bình đẳng.
Với mục tiêu đẩy mạnh các giá trị giới được bình đẳng và sự phát triển bền vững trong môi trường lao động, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) phối hợp cùng Công ty cổ phần Shinec tổ chức Hội thảo “Gia tăng quyền năng cho nữ lao động trong các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp - kiến tạo giá trị xã hội trong ESG” vào ngày 27/5 sắp tới tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng.
Hội thảo được tổ chức nhằm kết nối các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu công nghiệp, chia sẻ những kinh nghiệm, chiến lược hiệu quả để xây dựng môi trường xanh, công bằng và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại nơi làm việc. Từ đó, chuyển đổi nhận thức này thành các chương trình hành động cụ thể để gia tăng quyền năng cho nữ lao động.
Đánh giá về ý nghĩa của việc xây dựng môi trường bình đẳng tại các khu công nghiệp, bà Cherie Russell, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam chia sẻ, khu vực kinh tế tư nhân thực hiện tốt vấn đề này sẽ góp phần tiếp tục định hình một Việt Nam xanh hơn, công bằng và hòa nhập hơn. Bởi thực hiện những điều này là đúng đắn cho khu vực, đồng thời mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Tại sự kiện, chính sách hỗ trợ lao động nữ, thúc đẩy vai trò của công đoàn trong việc kiến tạo môi trường làm việc đa dạng, công bằng và hội nhập cũng được tập trung thảo luận. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, học hỏi những phương pháp nâng cao quyền năng cho nữ lao động tại các khu công nghiệp.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec cho hay: “Với công ty, phát triển bền vững không chỉ chú trọng vào sự tiến bộ kinh tế và bảo vệ môi trường mà còn nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc. Để hoàn thiện mô hình phát triển bền vững, công đã áp dụng hiệu quả các chính sách về đa dạng, bình đẳng và hoà nhập, hỗ trợ nữ lao động tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền”.