Lao động nữ chịu nhiều tác động trong kỷ nguyên số

NDO -

NDĐT- Với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao hơn so với mức trung bình của thế giới, tuy nhiên, lao động nữ ở nước ta vẫn chịu sự yếu thế hơn lao động nam khi nhận lương ít hơn, có trình độ chuyên môn thấp hơn. Đây cũng là nhóm lao động chịu tác động nhiều nhất trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Lao động nữ tại Công ty Canon Việt Nam, khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội (Ảnh minh họa: Duy Linh).
Lao động nữ tại Công ty Canon Việt Nam, khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội (Ảnh minh họa: Duy Linh).

Thiệt thòi hơn lao động nam

Tiến sĩ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Khoa học lao động - xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới ở nước ta là khoảng 71%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới, trong khi con số tương đương của lao động nam là 81%, Tuy vậy, tiền lương của lao động nữ chỉ bằng 88% tiền lương của lao động nam. Trình độ chuyên môn - kỹ thuật của nữ được thống kê cho thấy thấp hơn nam. Lao động nữ chiếm tỷ trọng cao ở những ngành nghề không đòi hỏi chuyên môn như lao động giản đơn (40% so với 35%), nhân viên dịch vụ và bán hàng (21% so với 12%)… Đặc biệt, khoảng cách giới trong dạy nghề và bậc học tiến sĩ còn cao, thể hiện qua tỷ lệ phụ nữ tham gia thấp hơn đáng kể so với nam.

Lao động nữ chịu nhiều tác động trong kỷ nguyên số ảnh 1

Các đại biểu tham dự Diễn đàn (Ảnh: Thế Thảo Tuấn).

Đây là thông tin được ông Vinh đưa ra tại Diễn đàn đa phương “Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 18-7.

Bên cạnh đó, lao động nữ vẫn tập trung làm việc nhiều nhất trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Họ thường có vị thế việc làm kém hơn lao động nam, tập trung ở nhóm lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương.

Ngoài ra, phụ nữ vẫn phải làm các công việc chăm sóc gia đình không hưởng lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, 12 buổi mỗi tuần, tương đương 80 ngày mỗi năm. Như vậy, họ vẫn đang mang “gánh nặng kép”, khi vừa phải làm việc, vừa chịu trách nhiệm chăm lo cho gia đình.

Cũng theo Tiến sĩ Đào Quang Vinh, trong kỷ nguyên số, kết quả nghiên cứu về trường hợp Việt Nam cho thấy, trong mười năm tới, những công việc có thể bị thay thế bằng hệ thống máy móc tự động hóa là việc làm có rủi ro. Những ngành có rủi ro cao nhất bao gồm: nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, bán buôn bán lẻ. Ở Việt Nam, số phụ nữ hiện đang làm những công việc có khả năng sẽ chuyển sang tự động hóa cao gần 2,4 lần so với nam giới.

Những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất là dệt may và da giầy. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) chỉ ra rằng, 86% lao động làm công ăn lương ở Việt Nam trong các ngành này có thể bị mất việc do ứng dụng các tiến bộ công nghệ.

Ông Vinh nhận định, lao động nữ, lao động có trình độ thấp và lao động làm nghề có lương thấp sẽ chịu tác động nhiều nhất của Cách mạng công nghiệp 4.0. Trình độ học vấn càng thấp, làm những việc giản đơn, người lao động có nguy cơ bị máy móc thay thế càng cao. Lao động có trình độ từ tiểu học trở xuống có rủi ro cao lớn hơn 10-30% so với lao động có trình độ trung học phổ thông.

Bên cạnh tác động của kỷ nguyên số hóa, bình đẳng giới còn chịu tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập hết sức mạnh mẽ của Việt Nam. Sự hình thành của Cộng đồng ASEAN năm 2015 mở ra điều kiện di chuyển tự do hơn của lao động trong khối. Sự cạnh tranh về việc làm ngày càng lớn, không chỉ giữa lao động Việt Nam, mà còn với lao động trong khu vực ASEAN ngay trên thị trường lao động trong nước.

Về hội nhập quốc tế, đến cuối năm 2016, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Trong số này có sáu FTA đã được thực thi. Ngoài yêu cần về trình độ tay nghề và kỹ năng làm việc, việc gia nhập các FTA thế hệ mới đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Kỷ nguyên số: Nhiều thách thức về bình đẳng giới

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho hay, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm. Các chỉ số phát triển giới, chỉ số khoảng cách giới và chỉ số bất bình đẳng giới đều đạt ở mức trung bình cao. Theo báo cáo phát triển con người năm 2016, Việt Nam được xếp nhóm 1 trong năm nhóm xếp hạng về bình đẳng giới - nhóm các quốc gia có tình trạng bình đẳng giới tốt nhất thế giới.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp còn thấp. Lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10%; lao động nữ là đối tượng dễ tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân công. 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp... Không những vậy, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của nạn buôn, bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục.

Kỷ nguyên số sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế tri thức, các hình thức kinh doanh mới. Đây cũng coi là cơ hội cho cả phụ nữ và nam giới tham gia vào thị trường lao động, thúc đẩy bình đẳng giới thực chất. Do đó, bà Nguyễn Thị Hà mong muốn, cả hai giới cần tự giác thay đổi quan niệm về phân biệt đối xử, nâng cao trình độ, sự hiểu biết của mình.

Trưởng đại diện Cơ quan Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Liên hợp quốc (UN Women) tại Việt Nam Eliza Fernandez Saenz khuyến nghị, cần thiết kế lại các chương trình hiện có của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của phụ nữ vào nền kinh tế và kỷ nguyên số. Đó là đầu tư xây dựng niềm tin và kỹ năng của phụ nữ, phát huy khả năng của họ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đẩy mạnh các chương trình tài chính toàn diện cho đối tượng này. Trước mắt, sửa đổi Bộ luật Lao động là cơ hội tốt để hình thành khung pháp lý, giúp phụ nữ không bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.