Đó là chia sẻ của Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh tại Hội thảo với chủ đề “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” (ESG - Motivations and Breakthroughs Conference) do Báo Đầu tư phối hợp Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS (WBS) tổ chức ngày 23/5 tại Hà Nội.
Theo ông Lê Trọng Minh, thực hành ESG, cũng như triển khai các mô hình kinh doanh bền vững và tăng trưởng xanh nói chung, không chỉ là xu thế, mà còn là điều kiện bắt buộc. Nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam hiện nay đều đã có những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề này.
Thực thi ESG trong ngành ngân hàng: Cơ hội, thách thức và giải pháp
Tại Việt Nam, ESG ngày càng được quan tâm rộng rãi, phần lớn là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy thực hành các thông lệ liên quan đến ESG và sự gia tăng nhu cầu của nhà đầu tư với đầu tư bền vững. Báo cáo ESG tại Việt Nam do PwC công bố năm 2022 cho thấy, 80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết ESG trong vòng 2 đến 4 năm tới. Do đó, việc công bố dữ liệu và báo cáo ESG sẽ trở nên phổ biến hơn và sẽ trở thành xu thế không thể đảo ngược trong tương lai.
Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, mặc dù tăng trưởng kinh tế là mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng tới, nhưng phát triển xanh, bền vững đang trở thành ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được không chỉ sự thịnh vượng về kinh tế mà còn bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
“Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia. Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư, để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh và nhất là để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức,” bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay.
Theo Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam - ông Matthew Smith, dựa trên các tính toán trong thời gian qua, trong bối cảnh các yếu tố khác của doanh nghiệp không đổi, nếu công ty có chuẩn mực ESG tốt hơn thì sẽ có rủi ro ít hơn. Đây là lý do giá trị của doanh nghiệp thực hành ESG trong mắt nhà đầu tư cao hơn.
Ngoài ra, một điểm nhấn đáng chú ý là việc đầu tư ESG không chỉ được thúc đẩy bởi nhà đầu tư định chế trước quy định của Chính phủ, mà còn có động lực lớn tới từ nhóm nhà đầu tư cá nhân - đối tượng không chịu quy chế bắt buộc nào. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư ESG đã tăng từ 20% năm 2016 lên 25% năm 2018.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo. |
“Theo quan sát của chúng tôi, đây là nhóm nhà đầu tư trẻ, những người sinh sau năm 1990. Người trẻ ngày càng quan tâm và có thái độ nghiêm túc với tương lai. Vậy, các nhà đầu tư bán lẻ mà không bị ép buộc bởi quy định pháp lý để áp dụng một chiến lược đầu tư ESG vẫn làm điều đó, hầu hết các nhà đầu tư bán lẻ quan tâm đến ESG là những người trẻ tuổi, những người thuộc thế hệ Millennial hoặc trẻ hơn. Các chủ doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài chắc chắn đã được nghe nhiều về vấn đề này và thực tế họ cũng không có sự lựa chọn khác, bởi đây đã trở thành yêu cầu bắt buộc”, ông Matthew Smith nhấn mạnh.
Nghiên cứu từ Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho thấy, tại ASEAN đã có tổ chức chấm điểm quản trị. Nếu như năm 2019, Việt Nam chưa có đại diện doanh nghiệp nào nằm trong bảng xếp hạng thì năm 2021 đã có 1 doanh nghiệp. Trong tương lai, số doanh nghiệp Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng này sẽ tăng lên.
Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” là một phần trong Chuỗi chương trình RIS.ER24: “ESG và Câu chuyện phát triển bền vững” sẽ lần lượt được tổ chức từ nay tới cuối năm. RIS.ER là chuỗi sự kiện về ESG và Phát triển bền vững sẽ được WBS và báo Đầu tư tổ chức thường niên kể từ năm 2024.