Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An Nguyễn Văn Quí cho biết, Long An nằm ngay cửa ngõ đi các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh. Để khai thác hiệu quả lợi thế này, Long An đã quy hoạch 37 khu công nghiệp, với tổng diện tích hơn 12.285ha; hơn 60 cụm công nghiệp, với diện tích 3.100ha.
Hiện tại, toàn tỉnh có 18 khu và 23 cụm công nghiệp đang hoạt động, với hơn 11.000 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 400.000 lao động.
Với tốc độ phát triển các khu, cụm công nghiệp của Long An nhanh đã có nhiều công nhân lao động nhập cư từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đến Long An sinh sống và làm việc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tuy nhiên cũng kéo theo nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp trong mối quan hệ lao động giữa người lao động với chủ sử dụng lao động.
Cụ thể, từ khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nay tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm đã dẫn đến tình trạng chủ sử dụng lao động nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ kinh phí công đoàn; chủ doanh nghiệp sử dụng lao động bỏ trốn, người lao động không đòi được lương và không chốt được bảo hiểm xã hội tính đến ngày 31/12/2022.
Người lao động tại các doanh nghiệp cần được bảo vệ quyền lợi hợp pháp tốt hơn trong thời gian tới. |
Tổng số tiền các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên toàn tỉnh hơn 223 tỷ đồng, tăng 29,25% so với năm 2021. Các vụ tranh chấp lao động cá nhân, tập thể cũng xảy ra nhiều hơn và vượt phạm vi hòa giải của các cấp Công đoàn.
Hiện tại, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Long An hiện đang quản lý 642 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp trực thuộc, trong đó có 338 doanh nghiệp FDI và 303 doanh nghiệp trong nước.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, các cấp Công đoàn Long An đã hỗ trợ tư vấn pháp luật gần 40.000 lượt người lao động, trong đó, có 3.039 người lao động được hỗ trợ pháp lý, bảo vệ tại tòa án với số tiền người lao động được hưởng hơn 5 tỷ đồng. Cùng với đó, công đoàn cơ sở đã kịp thời giải quyết ổn định 156 vụ ngừng việc tập thể và không để xảy ra tranh chấp lao động, đình công có yếu tố lan truyền giữa các doanh nghiệp trên địa bàn Long An và các tỉnh, thành phố giáp ranh.
Để phát huy và làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong tình hình mới, các đại biểu đến từ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai đã tham luận, phân tích và hiến kế nhiều giải pháp cho Công đoàn Long An các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc về việc doanh nghiệp nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội và tiền công đoàn phí trong công tác tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án.
Các tham luận tại hội thảo sẽ trang bị và nâng cao được kỹ năng, kiến thức cho cán bộ công đoàn trong công tác bảo vệ người lao động trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là tiền đề cho việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.