Công đoàn Việt Nam không còn là tổ chức duy nhất đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng nghĩa với việc phát triển đoàn viên trong doanh nghiệp không còn là “độc quyền” của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đại hội Công đoàn lần thứ XII cũng đã xác định, việc phát triển, thu hút đoàn viên vào tổ chức của mình là nhiệm vụ sống còn của tổ chức. Do đó, thách thức vô cùng lớn, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải được nâng cao năng lực, trình độ để đại diện và bảo vệ hiệu quả cho đoàn viên, người lao động. Đã đến lúc cần phải có cuộc cách mạng về đào tạo cán bộ công đoàn, mới có thể cạnh tranh với tổ chức đại diện khác của người lao động.
Từ Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, các chủ trương, văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề cập tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, phải có sự thay đổi quyết liệt về công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Thực tế cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn của hệ thống công đoàn hiện nay vẫn chậm đổi mới, chưa bám sát được sự đổi thay của xã hội, từ đó “cung ứng” cho tổ chức công đoàn những lứa cán bộ chưa đáp ứng được thực tiễn, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động công đoàn.
Nội dung đào tạo tuy có những điểm mới, cập nhật, phù hợp với các quy định mới nhưng mới chỉ dừng lại ở từng mặt, làm đến đâu đúc rút kinh nghiệm đến đó, chưa thật sự “đồng bộ hóa” và chuyên sâu; nhất là, chưa có sự đổi mới bứt phá về phương pháp giảng dạy và tài liệu đào tạo. Công tác đào tạo của hệ thống công đoàn vẫn chủ yếu là dạy kiến thức, chưa kích thích tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi, tự khám phá của người học.
Các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn hiện nay mới chỉ đáp ứng yêu cầu của hoạt động công đoàn trong môi trường cũ, trong khi các tài liệu mới về hoạt động công đoàn trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập với thế giới lại chưa có. Việc đào tạo, bồi dưỡng cũng chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu của người học kết hợp với yêu cầu của hoạt động công đoàn trong môi trường mới.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Thách thức từ CPTPP và EVFTA đang dần hiện hữu đối với cán bộ công đoàn. Do vậy, các chuyên gia về lao động, công đoàn cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn ở Việt Nam cần theo chuẩn của các nước lâu năm trong nền kinh tế thị trường. Học tập kinh nghiệm quốc tế để đổi mới hoạt động công đoàn là hết sức cần thiết.
Học tập kinh nghiệm quốc tế để đổi mới hoạt động công đoàn là hết sức cần thiết.
Việc đào tạo cán bộ công đoàn không chỉ nhằm nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ người lao động, giải quyết “cơm, áo, gạo, tiền”, mà còn cần xây dựng tầm nhìn và đóng góp vào sự thay đổi xã hội theo chiều hướng tích cực.
Từ đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của người lao động bó gọn trong một doanh nghiệp, mỗi cán bộ công đoàn cần được hun đúc lý tưởng đấu tranh xóa bỏ sự bất công trong xã hội để xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, đoàn kết và tiến bộ.
Trước mắt, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần chú trọng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nội dung, phương pháp, kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp; trong đó, tập trung bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt công đoàn cơ sở, tổ trưởng công đoàn và cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Đồng thời, Công đoàn Việt Nam cần bảo đảm cán bộ làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn phải am hiểu sâu, được trang bị đầy đủ tài liệu, nhuần nhuyễn các kỹ năng: tiếp cận, tuyên truyền, vận động, thuyết phục; quy trình lựa chọn, chuẩn bị nhân sự, bầu cử cán bộ công đoàn cơ sở theo hướng bảo đảm thực sự quyền lựa chọn của người lao động.
Các cấp công đoàn cần tăng cường phối hợp với các trường đại học mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ công đoàn nâng cao kiến thức về luật, tài chính, ngoại ngữ, nghiệp vụ hoạt động công đoàn; mời chuyên gia bồi dưỡng các kỹ năng giao tiếp, đối thoại và thương lượng với người sử dụng lao động, đoàn viên, người lao động theo hướng bắt tay chỉ việc, học đi đôi với thực hành.