Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt

NDO - Sáng 21/8, tại trụ sở Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững". Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Theo Bộ Y tế, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực và quan trọng.

Ngành y tế cũng đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Tuy nhiên, hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước; sau hơn 2 năm chống dịch Covid-19 đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn “hậu Covid” ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường, khó dự đoán; xuất hiện các biến thể mới có khả năng lây lan mạnh hơn làm số ca nhiễm có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Cùng với đó là sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại khu vực phía nam, Tây Nguyên; thường trực nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... dẫn đến nguy cơ “dịch chồng dịch”, nguy cơ quá tải hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở vốn đã gồng mình chống dịch trong giai đoạn vừa qua.

Thời gian tới, mô hình bệnh tật thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi; sự thay đổi về nhân khẩu học với tỷ lệ người cao tuổi tăng cao; toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân.

Xu hướng thị trường hóa, tư nhân hóa và xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng một hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Kinh tế phát triển cũng dẫn đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, kỳ vọng nhiều hơn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, kịp thời.

Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt ảnh 2

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tại hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác y tế trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Về cơ bản, ngành y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; đồng thời đạt được một số kết quả chủ yếu dưới đây:

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, đạt 10 bác sĩ (chỉ tiêu giao là 9,4/10.000); số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 30,5 giường bệnh (chỉ tiêu giao là 29,5/10.000).

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000-2021: Tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần.

Tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng từ 152,3cm năm 2000 lên 155,6cm năm 2020 đối với nữ; và từ 162,3cm năm 2000 lên 168,1cm năm 2020 đối với nam, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia), tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995.

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân là tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,6 năm 2021, cao hơn trung bình thế giới (73) và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 70 trên 100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm) theo báo cáo giám sát thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2021.

Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng, góp phần bảo đảm an ninh vaccine quốc gia; hệ thống quốc gia về vaccine của Việt Nam (NRA) đã được WHO đánh giá và công nhận; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A,…).

Việt Nam là quốc gia có số liều vaccine phòng Covid-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vaccine cao và tốc độ tiêm nhanh; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, Đức, Italia, Pháp...

Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu, làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2 đến 1/3. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế cử chuyên gia đến học, mời báo cáo, trình diễn kỹ thuật tại các hội nghị chuyên ngành lớn tại các nước (phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, châm cứu,...).

Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta tự hào rằng, trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành y luôn cố gắng, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình: chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng cam go, vất vả, những hy sinh, mất mát trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ quên những vất vả, hy sinh và sự cống hiến thầm lặng, hết mình, không mệt mỏi đó của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong suốt thời gian chống dịch. Trong những thành tựu quan trọng của đất nước thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của ngành y tế.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được trong những năm qua. Chúng ta nhận thức rõ những khó khăn, thách thức nhưng đồng thời cũng nhận thấy những tiềm năng, cơ hội rất lớn để phát triển ngành y tế. Hiện nay, ngành y đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng đây cũng là thời cơ lớn để đổi mới, tạo ra đột phá bởi những bất cập, vướng mắc cản trở hệ thống y tế phát triển đã được bộc lộ rõ. Hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chia sẻ và ủng hộ sự thay đổi để phát triển ngành y.

Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên y tế trên toàn quốc tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, đặc biệt là các Nghị quyết 20, 21 về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.

Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm sau: phải thấm nhuần quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; làm việc phải thực chất, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Phải tiếp cận phát triển ngành y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân; không phân biệt công lập hay ngoài công lập, cần xác định rõ vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước để có những bước đi, những đóng góp phù hợp, xứng đáng, đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác công tư trong ngành y. Phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn càng phải đoàn kết. Các cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành y cần chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào.

Triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh. Mọi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo lời dạy của Bác Hồ: “Thầy thuốc như mẹ hiền”; lời thề Hippocrates, 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ. Không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng lưu ý một số nội dung: Bộ Y tế tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vaccine, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch; thực hiện nghiêm 2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Bộ Y tế, trực tiếp là đồng chí Quyền Bộ trưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên. Đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục quan tâm kiện toàn lãnh đạo Bộ và lãnh đạo y tế các cấp. Khuyến khích, bảo vệ và phát huy vai trò của những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Các đồng chí lãnh đạo Bộ phải thực sự là những tấm gương sáng về mọi mặt, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc thật sự bản lĩnh, vững vàng về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác.

Khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Trước mắt, tập trung sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XII vào cuối năm 2022.

Bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Phải mạnh dạn làm, cần thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần. Tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp dưới và các cơ sở y tế, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Bộ Y tế tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sĩ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.

Các bộ, ngành, trước hết là Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Bộ Y tế rà soát và chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân.

Khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công-tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức. Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân.

Tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế. Cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế phải thực chất, hiệu quả.

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nòng cốt là ngành y tế nhưng đây cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế. Tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, công nghệ sinh học, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, kinh nghiệm quản lý, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp dược. Đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Chủ động tuyên truyền theo tinh thần lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; khẳng định sự nỗ lực, thành quả rất cơ bản của ngành y, củng cố hình ảnh “thầy thuốc như mẹ hiền”.

Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tăng cường chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, tuyên truyền, nhất là tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch.