Áp lực nhiều phía
Công an quận Bình Thạnh cho biết, đang khẩn trương điều tra làm rõ các vụ hành hung bác sĩ xảy ra mới đây tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, khi đủ chứng cứ sẽ khởi tố vụ án. Theo Giám đốc bệnh viện Nguyễn Hoàng Hải, dù quy trình bảo đảm an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế vẫn được đặt lên hàng đầu nhưng ngay sau những vụ việc vừa qua, bệnh viện tiếp tục cải tiến về chất lượng khám, chữa bệnh tại khoa cấp cứu và bổ sung thêm nhiều giải pháp.
Theo ông Hải, tính chất khám, chữa bệnh tại khoa cấp cứu có sự khác biệt rất lớn so các khoa khác. Tâm lý của người bệnh hoặc thân nhân khi vào khoa cấp cứu bao giờ cũng muốn làm ngay, nhanh và sớm. Tuy nhiên, khi một bệnh nhân đến cấp cứu, nhân viên y tế sẽ phải phân loại theo mức độ nặng - nhẹ hoặc khẩn cấp - không khẩn cấp để ưu tiên cho những trường hợp cần hơn. Với những trường hợp ít khẩn cấp hơn, các bác sĩ và điều dưỡng sẽ phân loại, sau đó dành thời gian thăm khám và điều trị cho người bệnh. Quy trình này được thiết lập giúp những người bệnh nặng nhất có cơ hội tiếp cận việc điều trị sớm nhất.
Thực tế cho thấy, khi số lượng bệnh nhân quá đông cộng thêm nhiều ca khẩn cấp cần xử lý gấp, sẽ tạo áp lực không hề nhỏ lên kíp trực cấp cứu tại các bệnh viện. Áp lực nhiều phía, khi những tình huống không may xảy ra, môi trường làm việc của họ bị đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý cũng như việc xử lý chuyên môn. “Chúng ta biết rằng sự an toàn trong môi trường y tế vô cùng quan trọng bởi vì bác sĩ, nhân viên y tế cần sự tập trung cao độ để thăm khám, chẩn đoán và đưa ra những đơn thuốc chính xác cho người bệnh. Người bệnh cũng cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, không bị sự căng thẳng hoặc những tiếng động ồn ào làm ảnh hưởng đến tinh thần. Nguyên tắc cơ bản trong điều trị, bệnh nhân - người nhà bệnh nhân - thầy thuốc phải là một khối thống nhất thì mới hiệu quả. Hai trường hợp xảy ra vừa qua khiến chúng tôi trăn trở, mong rằng người dân sẽ hiểu hơn tính chất công việc đặc biệt tại khoa cấp cứu”, ông Hải chia sẻ.
Áp lực không chỉ xuất hiện thường xuyên tại các cơ sở y tế lớn mà ngay tại các trung tâm y tế quận, thậm chí trạm y tế xã/phường lắm lúc cũng khó tránh khỏi những sự cố về ứng xử. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố, càng thấy rõ áp lực và những rủi ro mà đội ngũ y tế cơ sở phải “gánh” khi chung tay điều trị F0, kiểm soát thông tin các ca nhiễm và tiêm vaccine phòng dịch. Một cán bộ y tế cơ sở chia sẻ: “Nhiều hôm quá tải, tăng ca liên tục đã đành, chúng tôi còn bị người dân chửi mắng, đe dọa vì không nhanh chóng xử lý theo yêu cầu của họ. Nhiều người không thèm nghe giải thích, không tuân thủ quy trình, chúng tôi đành cố gắng chịu đựng chứ mệt mỏi lắm! Người ít, việc nhiều, một bộ phận người dân không hợp tác khiến không ít anh em muốn bỏ cuộc”.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Quách Kim Ưng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ việc như hành hung bác sĩ, nhân viên y tế. Trong đó, thiếu hụt nguồn lực cần được coi là nguyên nhân quan trọng. Lực lượng quá mỏng, đầu việc quá dày, áp lực chồng áp lực, nhiều nhân viên y tế không đủ thời gian để giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của bệnh nhân và người nhà nên dẫn đến mâu thuẫn không đáng có. Bác sĩ Ưng đề xuất: “Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở vật chất, về lâu dài cần bổ sung nhân lực y tế để giảm áp lực cho các nơi. Ngoài ra, việc đẩy mạnh công nghệ thông tin cũng cần được quan tâm nhằm tạo sự kết nối thông suốt, giảm phiền hà. Như trong đợt dịch vừa qua, các địa phương thực hiện việc khai báo F0 thông qua ứng dụng thông minh và hỗ trợ tư vấn, chăm sóc người bệnh qua điện thoại đã giảm tải ngay cho các trạm y tế cơ sở. Người dân cũng cảm thấy thoải mái, thuận tiện hơn”.
Cần thêm sự thấu hiểu
Khoa cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) chia nhân sự mỗi ngày thành hai ca, ba kíp trực. Mỗi kíp gồm bốn điều dưỡng và 2-3 bác sĩ. Mỗi ca, tại đây phục vụ 20-30 bệnh nhân, cao điểm có ngày lên đến 100, áp lực không hề nhỏ, nhất là giai đoạn dịch chồng dịch. Mặc dù đã ký hợp tác thường niên với công an quận và công an phường nhưng mới đây, bệnh viện đã tiếp tục làm việc với lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương để nâng cấp an toàn cho khu vực cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh hệ thống phản ứng nhanh - Code grey, bệnh viện bổ sung thêm đường dây nóng để nhân viên y tế nhờ hỗ trợ khi cần, hạn chế tình trạng đáng tiếc xảy ra. Lực lượng bảo vệ hiện có cũng được tập huấn kỹ hơn để khi nhận báo động sẽ khẩn trương phối hợp xử lý theo đúng quy trình. Ông Nguyễn Khoa Lý, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Việt cho rằng, bên cạnh việc siết lại quy trình bảo đảm môi trường y tế an toàn, các cơ sở y tế cần tăng cường bồi dưỡng tâm lý tiếp xúc cho toàn bộ đội ngũ, hạn chế thấp nhất những tranh luận, sự cố không đáng có. Nếu chẳng may có sự cố xảy ra, hệ thống bảo vệ phải được kích hoạt sớm nhất có thể. “Muốn vậy, chúng ta cần đầu tư tốt hơn về cơ sở vật chất vì hệ thống bệnh viện công đã xây dựng quá lâu, kết cấu không còn phù hợp cho hệ thống bảo đảm an toàn khi môi trường làm việc chật hẹp, các bước bảo vệ khó đạt chuẩn. Các bệnh viện cũ cần cải tạo lại hệ thống, phải có phòng lưu bệnh rộng rãi chờ xử lý tình huống cấp nhưng không cần nhập viện. Ở các khu cần tăng cường lực lượng bảo vệ, nhân viên y tế để tăng cường giao tiếp với bệnh nhân và người nhà”. Theo ông Lý, cần đẩy mạnh các mức xử lý những vụ hành hung nhân viên y tế để tăng tính răn đe vì bác sĩ, điều dưỡng ở khoa cấp cứu làm việc đã căng thẳng, giờ thêm việc này thì khó lòng yên tâm công tác. Ngoài các yếu tố kỹ thuật mang tính quy trình (tăng cường hệ thống phản ứng nhanh, bố trí thêm lực lượng bảo vệ…), Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục tăng cường trang bị các kiến thức và kỹ năng trong việc giải thích các vấn đề nhằm bảo đảm sự thông hiểu giữa người bệnh, người nhà người bệnh với nhân viên y tế.
Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu tất cả bệnh viện khẩn trương triển khai các hoạt động sau rà soát, củng cố quy trình báo động “Code grey” về an ninh trật tự bệnh viện, trong đó lưu ý rút ngắn hơn nữa thời gian kích hoạt đến công an địa phương để kịp thời hỗ trợ lực lượng bảo vệ bệnh viện trấn áp các nhóm gây rối an ninh, trật tự trong bệnh viện.
Các bệnh viện được yêu cầu tổ chức quy trình sàng lọc cấp cứu, hạn chế cho nhập vào khoa cấp cứu những trường hợp không có chỉ định cấp cứu; cho nhập viện nếu có đủ tiêu chuẩn nhập viện hoặc triển khai phòng lưu bệnh để điều trị và theo dõi trong thời gian ngắn (vài giờ) đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện nhập cấp cứu hoặc nhập viện. Cùng với đó, tăng cường phân bổ nhân viên bảo vệ của bệnh viện có chốt trực tại khoa cấp cứu, hướng dẫn thân nhân người bệnh tuân thủ các quy định “1 người bệnh, 1 thân nhân”. Triển khai “nguyên tắc 4 giờ hoặc 6 giờ” là thời gian tối đa cho người bệnh lưu lại tại khoa cấp cứu và phân quyền cho bác sĩ khoa cấp cứu chuyển người bệnh vào các khoa nội trú khi cần.