TẠI Hội nghị trực tuyến với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/7, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thống kê từ đầu năm 2021 đến hết sáu tháng đầu năm 2022, do các địa phương báo cáo, có gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng... là những địa phương có số lượng viên chức y tế bỏ việc, thôi việc cao.
Tình trạng này khiến ngành y thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song lý do chủ yếu là thu nhập thấp, chế độ phụ cấp chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, đặc biệt tại các đơn vị y tế dự phòng và y tế cơ sở. Áp lực và cường độ công việc tăng vọt khi dịch Covid-19 bùng phát; môi trường làm việc có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nhân viên y tế nghỉ việc còn có nguyên nhân ảnh hưởng tâm lý từ những vụ phạm pháp trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế gần đây... Bên cạnh đó, các đơn vị y tế tư nhân có chính sách thu hút nhân lực tốt hơn khu vực công.
Để giải quyết thực trạng trên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40% đến 70% lên mức 100%; cùng Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số; kịp thời khen thưởng người đạt thành tích; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho cán bộ y tế... Tại các địa phương có nhân lực y tế nghỉ việc đột biến, như TP Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù cho y tế cơ sở, ngày 7/4, trong đó chi hơn 138 tỷ đồng mỗi năm để thu hút nhân sự cho 310 trạm y tế, áp dụng từ nay đến năm 2025. Sở Y tế thành phố Hà Nội cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND thành phố xây dựng, ban hành quy định về chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế. Những biện pháp này được kỳ vọng phần nào giúp thu hút và giữ chân nhân lực ngành y.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, cần xây dựng các chính sách mang tính bền vững như điều chỉnh chế độ lương, đãi ngộ để giữ chân nhân viên y tế đã gắn bó với cơ sở y tế đã lâu. Đó phải là các chính sách phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho các bác sĩ cũng như hỗ trợ các điều kiện để bác sĩ có thể tác nghiệp trong môi trường y tế cơ sở, bao gồm cơ chế về thuốc, xét nghiệm cũng như cơ chế bảo hiểm y tế, cơ chế chuyển viện và quản lý…
Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề xuất, cấp thiết phải xem xét cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn. Đó là bài toán khó không phải riêng ngành y tế có thể giải được.
Đã đến lúc cần tổ chức lại hệ thống y tế một cách căn cơ, trong đó cấp khám, chữa bệnh ban đầu cần xây dựng theo mô hình bác sĩ gia đình, kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế. Cùng đó, sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh theo hướng ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế cơ sở, đặc biệt là y tế cơ sở tại những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Mới đây, Công đoàn Y tế Việt Nam đã gửi đề xuất các giải pháp để tăng thu nhập cho nhân viên y tế với các nội dung: Nâng hệ số lương khởi điểm của bác sĩ từ 2,34 lên 2,67, tức tăng một bậc lương. Nâng mức phụ cấp từ 20%-70% hiện nay lên 100%, mở rộng nhóm người được hưởng phụ cấp. Cần có chính sách thâm niên nghề, thu hút nhân sự cho ngành đặc thù.