Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực báo chí, xuất bản

NDO - Ngày 8/9, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Học viện Báo chí và Tuyên truyền về kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực báo chí, xuất bản.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từ năm 1962 đến nay, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được gần 20 nghìn cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông cho Đảng, Nhà nước và các nước bạn Trung Quốc, Lào, Campuchia. Nhiều người được đào tạo tại Học viện đã, đang giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của đất nước. Do đây là các ngành, chuyên ngành có đầu ra rộng, có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau nên cả 3 cấp độ tuyển sinh và đào tạo đều ở mức cao so với các ngành khác. Đây là điểm thuận lợi trong công tác tuyển sinh nhưng cũng đặt ra những thách thức nhất định cho Học viện.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, xuất bản theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Học viện kiến nghị Trung ương sớm tổng kết về công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông trên cả nước để đánh giá những thành công, hạn chế, bất cập, từ đó có những chỉ đạo phù hợp trong công tác đào tạo, quản lý lĩnh vực này trên cả nước.

Lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông cần được tăng cường đầu tư để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045; sắp xếp lại các cơ sở hiện có theo hướng chính quy, hiện đại, chuyên sâu, tập trung, trong đó đặc biệt ưu tiên, quan tâm đến cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông chính sách...

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã trao đổi về những nội dung Học viện đề xuất, kiến nghị đồng thời cùng các đại biểu thảo luận nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực báo chí, xuất bản trong tình hình mới.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Đây là những nội dung quan trọng cần tổng kết thực tiễn để có những giải pháp mới, phù hợp. Qua trao đổi, thảo luận có thể thấy một giải pháp có tính quyết định để thực hiện yêu cầu của Đảng đó là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực báo chí, xuất bản trong những điều kiện, hoàn cảnh mới.

Đồng chí khẳng định, trước hết khung đào tạo báo chí, xuất bản cần được quan tâm xây dựng bài bản; trong đó chú trọng vùng miền, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo phải không ngừng đổi mới, nhất là phương pháp giảng dạy để xây dựng được đội ngũ người làm báo cách mạng vững vàng về tư tưởng chính trị, tinh thông nghiệp vụ. Đội ngũ giáo viên phải có bề dày kiến thức thực tiễn, tư duy lý luận, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo báo chí, xuất bản.

Đối với Học viện, đồng chí chỉ đạo cần nâng cao nhận thức về vai trò của một trường Đảng, một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Đảng có bề dày truyền thống. Học viện cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn, theo kịp xu thế của truyền thông; khuyến khích giảng viên, sinh viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn phong phú, sôi động của lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông.

Học viện cần tăng cường công tác tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại; chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, tập trung triển khai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo chí, xuất bản, truyền thông.

Cùng với đó, đẩy nhanh ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào phương pháp dạy và học; tăng cường đổi mới liên kết giữa lý luận và thực tiễn thông qua các chương trình phối hợp. Học viện cũng cần chú trọng công tác tuyên truyền, lấy chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu làm cơ sở để quảng bá và xây dựng thương hiệu Học viện.