Thần tốc hơn nữa trong triển khai đầu tư các dự án đường sắt trọng điểm

NDO - Sáng 26/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo. Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đường sắt đi qua.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, lĩnh vực đường sắt ít được quan tâm nhiều năm qua do điều kiện, nguồn lực của đất nước còn khó khăn; hoạt động đường sắt chưa tương xứng sự phát triển của đất nước.

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội trên cơ sở đề xuất của Chính phủ đã rất tích cực triển khai các hoạt động liên quan đường sắt nói chung, trong đó chỉnh đốn, khôi phục các hệ thống đường sắt đã có; khôi phục tuyến đường sắt quốc tế trước đây đã bị gián đoạn, đặc biệt là triển khai các dự án lớn như tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam, tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thần tốc hơn nữa trong triển khai đầu tư các dự án đường sắt trọng điểm ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Do đó phải thành lập Ban Chỉ đạo để vừa chỉ đạo, kiểm tra, điều phối, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ đầu tư, xây dựng theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, chỉ đạo của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các dự án trọng điểm quốc gia.

Thủ tướng khẳng định, nếu không đôn đốc, các công trình, dự án trọng điểm không thể đạt chất lượng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt điều này.

Thần tốc hơn nữa trong triển khai đầu tư các dự án đường sắt trọng điểm ảnh 2
Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư cho đường sắt là đầu tư lớn nhưng hiệu quả cao. Đường sắt là phương thức trung hoà phương thức vận tải hàng không và đường biển. Kinh nghiệm cho thấy, Trung Quốc hay Tây Ban Nha sau khi phát triển hệ thống đường sắt thì kinh tế đã phát triển mạnh. Vì vậy, vấn đề là tổ chức thực hiện, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Thần tốc hơn nữa trong triển khai đầu tư các dự án đường sắt trọng điểm ảnh 3
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nêu rõ, thời gian có hạn, công việc thì nhiều, đòi hỏi thì cao trong khi năng lực công nghệ đường sắt còn hạn chế, chưa hiểu biết hết lĩnh vực này, quan hệ nhiều sự phát triển chung. Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất và đã ra thông báo Kết luận, theo đó, Thủ tướng đã giao 24 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án; đồng thời xây dựng, hoàn thiện các thể chế. Chính phủ đã đề xuất và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết liên quan lĩnh vực đường sắt; Chính phủ sẽ bổ sung sửa đổi Luật Đường sắt. Bộ Xây dựng phải phối hợp Ủy ban Khoa học của Quốc hội để làm việc này.

Thần tốc hơn nữa trong triển khai đầu tư các dự án đường sắt trọng điểm ảnh 4
Phiên họp được truyền trực tuyến tới các địa phương có các dự án trọng điểm đường sắt đi qua. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng khẳng định phải hoàn thiện thể chế thì mới thực hiện phát triển hệ thống đường sắt bài bản hơn; các bộ, ngành, địa phương có cơ sở pháp lý để triển khai. Do đó, phải tập trung hoàn thiện thể chế ngay trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV tới.

Thủ tướng mong các bộ, ngành chủ động; phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tìm kiếm nguồn vốn… là những vấn đề quan trọng. Mỗi phiên họp đề ra các nhiệm vụ với thực hiện “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”; làm việc nào dứt việc đó, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện.

Thần tốc hơn nữa trong triển khai đầu tư các dự án đường sắt trọng điểm ảnh 5
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách huy động nguồn lực; kịp thời báo cáo Quốc hội cập nhập kịp thời các cơ chế, chính sách đặc thù; cụ thể là sửa đổi Luật Đường sắt; tinh thần khi trình các luật cần phải cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục rườm rà không cần thiết; cần tăng thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phải tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi phân bổ nguồn lực; đi qua tỉnh, thành phố nào thì tỉnh, thành phố đó phải giải phóng mặt bằng, thậm chí tính đến việc các địa phương đầu tư xây dựng và khai thác nhà ga; "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, Nhà nước hỗ trợ xây lắp; tinh thần là Trung ương chỉ làm những công trình lớn. Thủ tướng dẫn ví dụ vừa qua, Chính phủ đã mạnh dạn giao một số địa phương làm các đoạn tuyến cao tốc và thực tế đến nay, các đoạn tuyến cao tốc này được triển khai rất nhanh.

Thần tốc hơn nữa trong triển khai đầu tư các dự án đường sắt trọng điểm ảnh 6
Lãnh đạo một số bộ, ngành, các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng yêu cầu cần phải có niềm tin; lưu ý các bộ, ngành chỉ làm các công việc liên quan quản lý nhà nước, không sa vào các việc cụ thể; cần phải giao nhiệm vụ cho các Ban Quản lý dự án, các địa phương.

Theo Thủ tướng, tới đây sẽ rà soát lại việc đầu tư công, nếu bộ, ngành, địa phương nào không thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải bị thay thế nếu hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân. Tập trung triển khai các dự án trọng điểm, triển khai các dự án quan trọng như tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam, tuyến đường sắt kết nối các vùng trọng điểm, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Khẩn trương, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả vận hành, tiếp cận áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt như mô hình thông tin công trình (BIM), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận hành hệ thống đường sắt hiện đại, đáp ứng phát triển lâu dài.

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu phát triển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thành tập đoàn lớn để phát triển nhanh, mạnh và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Các thành viên Ban Chỉ đạo phải thần tốc, táo bạo thì Ban Chỉ đạo mới thần tốc, táo bạo được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” trong triển khai các nhiệm vụ liên quan phát triển hệ thống đường sắt, đáp ứng yêu cầu hiện nay. Các thành viên Ban Chỉ đạo phải thần tốc, táo bạo thì Ban Chỉ đạo mới thần tốc, táo bạo được; các bộ, ngành, địa phương phải thần tốc, táo bạo thì Chính phủ mới thần tốc, táo bạo được. Bài học kinh nghiệm lớn rút ra sau nhiều năm là các dự án, công trình phải được triển khai nhanh thì mới hiệu quả, tránh đội vốn.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, “nghĩ sâu, làm lớn, nhìn xa, trông rộng”; đề nghị các đại biểu trao đổi thẳng thắn, nêu rõ những tồn tại hạn chế, đề xuất các giải pháp phù hợp, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đường sắt. Thủ tướng yêu cầu sau mỗi cuộc họp của Ban Chỉ đạo thì phải rà soát xem từ cuộc họp trước đến cuộc họp sau đạt được kết quả như thế nào; ai làm xong, ai chưa làm xong, nguyên nhân? Phải đề ra nhiệm vụ từng tháng, từng bộ, ngành, địa phương…

Sau khi các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tham luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong khí thế hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử này, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa"; phát huy tính chủ động, tích cực, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện.

Về nhiệm vụ tổng thể, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, các tuyến đường sắt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; phải triển khai công việc trước mắt và lâu dài, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đào tạo nhân lực; Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng vào tháng 12/2025 và khởi công Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam trong năm 2026.

Về vốn, Thủ tướng chỉ đạo tích cực huy động đa dạng các nguồn vốn, gồm vốn tự có của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…; về pháp lý, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5/5. Với 4 nghị định của Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định về thiết kế tổng thể kỹ thuật và các cơ chế đặc thù, đặc biệt; Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng Nghị định về phát triển khoa học công nghệ đường sắt; Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì xây dựng Nghị định về tạm sử dụng, hoàn trả rừng; các nghị định này phải hoàn thành trong tháng 5/2025.

Phải huy động các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có năng lực công nghệ và sản xuất tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Về phát triển công nghiệp đường sắt, góp phần vào 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm, Thủ tướng nêu rõ, phải chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại; quản trị khoa học, thông minh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề án, kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ở các trình độ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ; Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục dịch vụ hàng hóa công nghiệp đường sắt, hoàn thành chậm nhất trong nửa đầu tháng 6/2025; Bộ Công thương chủ trì xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp đường sắt; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án về phát triển nguồn nhân lực; thời gian hoàn thành của 2 đề án này trong quý II/2025.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải huy động các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có năng lực công nghệ và sản xuất tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt. Trong đó, Bộ Xây dựng giao các tập đoàn như VNPT, Viettel nghiên cứu tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.

Thủ tướng nhấn mạnh, với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, theo tinh thần Nghị quyết số 106/NQ-CP, Chính phủ đã chấp thuận kế hoạch tổng thể triển khai, bảo đảm khởi công chậm nhất trong tháng 12/2026, do đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ các mốc tiến độ tổng thể và nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương. Với dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các cơ quan tiếp tục trao đổi, làm việc, thúc đẩy phía Trung Quốc để sớm hoàn thành công tác đàm phán hiệp định vay, đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.

Về giải phóng mặt bằng cho các dự án đường sắt, Thủ tướng nêu rõ, các luật, cơ chế, chính sách đã có, do đó, các địa phương phải chủ động giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị và các lực lượng vào cuộc, trong đó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm phụ trách công tác giải phóng mặt bằng; đặc biệt cần hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng trong tháng 9; đồng thời, bảo đảm làm tốt công tác tái định cư, chăm lo cuộc sống cho người dân phải di dời, nhường mặt bằng cho dự án. Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương di dời các công trình kỹ thuật giao chéo với các tuyến đường sắt, đồng thời EVN bám sát Quy hoạch điện VIII để có kế hoạch bảo đảm cấp điện cho các dự án đường sắt; lưu ý phải giao các phần việc của các dự án cho các tập đoàn tư nhân thực hiện trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch.

Với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, yêu cầu hai thành phố chủ động, tích cực vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đã có trong tổ chức thực hiện; Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn thêm nếu có vướng mắc; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ công việc triển khai các cơ chế chính sách của Nghị quyết số 188/2025/QH15 áp dụng cho hai thành phố và ban hành kế hoạch riêng của mỗi thành phố thuộc thẩm quyền của địa phương…