Rồng Komodo: Loài thằn lằn có chiều dài lớn nhất và nặng nhất, phân bố hẹp nhất, thọ nhất, nước bọt độc nhất
Rồng Komodo (tên khoa học là Varanus komodoensis) là loài động vật đặc hữu và vô cùng nguy cấp, quý, hiếm. Đây là loài bò sát chỉ có phân bố ở Indonesia (cụ thể là trên 4 đảo: Komodo, Rinca, Flores và Padar) và chúng cũng độc chiếm các vùng mà chúng xuất hiện.
Rồng Komodo là loài sống thọ nhất trong các loài bò sát với tuổi đời tối đa đạt 50 năm (cá thể hoang dã). Đây cũng là loài thằn lằn lớn nhất (165 kg) và dài nhất (3 m). Con non có màu xanh lục với các dải màu vàng và đen. Con trưởng thành có màu xỉn và đồng đều, từ nâu đến đỏ xám. Cơ thể cường tráng của chúng được bao phủ đồng đều bởi lớp vảy thô ráp. Chúng có tứ chi khỏe mạnh và chiếc đuôi cơ bắp, mạnh mẽ.
Rồng Komodo là loài động vật đặc hữu và vô cùng nguy cấp, quý, hiếm. Ảnh Helloflores |
Đầu của rồng Komodo có mõm tròn và lỗ tai. Hộp sọ của chúng rất linh hoạt và có hàm răng cưa sắc nhọn. Mặc dù con đực có xu hướng phát triển lớn hơn nhưng không có sự khác biệt rõ ràng về hình thái giữa hai giới.
Rồng Komodo dành cả ngày để đi lang thang trong phạm vi nhà của chúng, có thể rộng tới 1,9 km2.
Rồng Komodo cũng là loài có giác quan rất tốt: nhìn xa lên tới 300m, khứu giác phát hiện thức ăn và đầu lưỡi phát hiện mùi hương chính. Rồng Komodo là loài săn mồi hàng đầu trong môi trường sống của nó và là một trong những loài động vật lớn nhất hiện diện trong khu vực. Nó cũng là loài ăn xác thối, ăn những động vật mới chết và loại bỏ chúng khỏi cảnh quan.
Rồng Komodo săn con mồi lớn hơn bằng cách phục kích chúng và cắn. Ảnh Helloflores |
Chế độ ăn của rồng Komodo trưởng thành bình thường chủ yếu bao gồm xác thối, nhưng chúng có thể tấn công và ăn nhiều loại con mồi lớn, bao gồm dê, lợn, hươu, lợn rừng, ngựa, trâu nước và rồng Komodo nhỏ hơn. Rồng Komodo săn con mồi lớn hơn bằng cách phục kích chúng và cắn. Sau đó, chúng đi theo con vật bị thương cho đến khi mất máu hoặc nhiễm trùng.
Nước bọt của rồng Komodo rất nhiều vi khuẩn nên nhanh chóng gây nhiễm trùng cho con mồi. Nước bọt của chúng chứa hơn 50 chủng vi khuẩn khác nhau có thể khiến con mồi tử vong do nhiễm trùng ngay cả khi chỉ bị cắn.
Loài thằn lằn này thường tìm kiếm thức ăn, nhưng cũng có thể chạy nhanh và săn mồi lén lút và mạnh mẽ, đập con mồi xuống đất và xé nát nó bằng móng vuốt và răng.
Con non ăn châu chấu, bọ cánh cứng, tắc kè nhỏ, trứng, chim và cuối cùng là động vật có vú nhỏ. Rồng Komodo có thể nuốt những miếng thức ăn lớn bằng cách mở rộng cổ họng và hộp sọ linh hoạt của nó. Chúng ăn hầu hết con mồi, để lại rất ít chất thải.
Nước bọt của rồng Komodo chứa hơn 50 chủng vi khuẩn khác nhau có thể khiến con mồi tử vong. Ảnh Helloflores |
Rồng Komodo trưởng thành đứng đầu chuỗi thức ăn và không có kẻ săn mồi nào. Con non thường trở thành con mồi của con trưởng thành, động vật có vú lớn hơn và chim. Chúng tránh bị săn mồi bằng cách sống trên cây cho đến khi chúng trở nên lớn hơn.
Rồng Komodo có số lượng còn rất ít trong tự nhiên và thuộc Phụ lục I CITES – Nghiêm cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại. Loài đang bị đe doạ tuyệt chủng do con mồi của chúng ngày càng suy giảm, môi trường sống bị thu hẹp và nạn săn bắt bất hợp pháp gia tăng.
Rồng đất: Loài thằn lằn có phân bố rộng nhất, bơi giỏi nhất
Rồng đất (tên khoa học Physignathus cocincinus) là loài thằn lằn có phân bố rộng từ Nam Trung Hoa đến Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Rồng đất sống dọc theo các suối đã dưới tán rừng thường xanh hỗn giao với cây rụng lá theo mùa và rừng tre nứa từ độ cao 43 đến 820m trên mực nước biển. Chúng sống lưỡng cư và trên cây dọc các suối nước ngọt. Rồng đất sống, kiếm ăn ban ngày với tập tính ít vận động, di chuyển hẹp, trung bình 4.7- 6.1 m/ ngày. Vào ban đêm, rồng đất thường nghỉ trên các cành cây trên mặt nước.
Rồng đất. Ảnh: Nguyễn Quảng Trường. |
Trong mùa hoạt động, rồng đất được ghi nhận có hoạt động mạnh mẽ nhất trong khoảng thời gian từ 10 đến 13 giờ tại Việt Nam. Khi bị tác động, rồng đất thể hiện tập tính trốn chạy bằng việc nhảy xuống nước hoặc chạy rất nhanh, chạy bằng 2 chân vào trong bụi cây.
Loài này có khả năng bơi rất tốt. Rồng đất là động vật ăn tạp, với thức ăn chủ yếu là động vật không xương sống, nhưng có cả cá và thú nhỏ, chim, bò sát, hoặc một số bộ phận nhỏ thực vật. Trong môi trường nuôi sinh sản, rồng đất ăn chuột, tim bò, cá, thức ăn chó mèo và thực vật các loại quả ngọt.
Rồng đất có màu cơ thể từ xanh đến xám nâu, dùng để ngụy trang trong sinh cảnh sống tự nhiên. Vảy hàm dưới và vùng má có mầu trắng, xanh, hoặc đỏ đến cam. Con đực đôi khi có mầu vàng, cam đến trắng vùng nách, hàm và ngực (Manthey & Schuster 1992; Werning 2010; Ziegler 2002).
Phần thân và đuôi dẹp theo chiều ngang, rồng đất có chi khỏe, để thích hợp với tập tính leo trèo (Werning 2010). Hình dạng mõm có thể khác nhau tùy thuộc khu vực phân bố. Cá thể trưởng thành có mào liên tục từ cổ đến sống lưng và tách biệt với mào phần đuổi trước. Mào phát triển cùng với sự ra tăng tuổi và rõ ràng hơn ở con đực (Werning 2010). Đuôi có các dải sẫm mầu dọc đuôi.
Chiều dài thân của rồng đất đạt tối đa 0,9m. Ảnh: Nguyễn Quảng Trường. |
Con non, phần toàn thân có một số sọc ngang màu sáng cùng với hai bên sườn, mờ dần theo tuổi (Das 2010; Werning 2010). Từ sau mắt đến lỗ tai có một dải dọc sẫm màu (Ziegler 2002).
Ở cá thể trưởng thành, có sự phân biệt giới tính rõ rệt. Con đực có phần dầu lớn và má phồng (Das 2010). Hình dáng bên ngoài của con cái nhỏ hơn so với con đực khá rõ.
Chiều dài thân của rồng đất đạt tối đa 0,9m. Phần thân và đuôi dẹp theo chiều ngang, rồng đất có chi khỏe, để thích hợp với tập tính leo trèo. Rồng đất, đặc biệt là cá thể đực có đặc tính bảo vệ lãnh thổ và khá hung dữ trong môi trường nuôi sinh sản. Tuổi thọ cao nhất của rồng đất chỉ đạt 15 năm.
Theo các nghiên cứu gần đây, rồng đất bị buôn bán nội địa và quốc tế do hình dáng đẹp, có môi trường sống nửa nước-cạn và đủ kích thước lớn (dùng làm thực phẩm do người dân địa phương). Do rồng đất hoạt động chậm và dễ bắt, nên việc khai thác mẫu từ tự nhiên diễn ra nghiêm trọng, đe dọa sự sống còn của quần thể hoang dã.
Thực tế, có hơn 1,4 triệu mẫu vật sống rồng đất được ghi nhận nhập khẩu vào châu Âu và Hoa Kỳ trong giai đoạn 1999-2019, đa số là từ quần thể tự nhiên của Việt Nam. Bên cạnh buôn bán trong nước, quốc tế để làm vật cảnh, việc khai thác rồng đất để ăn (chủ yếu làm thực phẩm) được ghi nhận và xác định là mối đe doạ thời gian trước đây.
Rồng đất đã được đưa vào Phụ lục II CITES – Hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại. Số lượng cá thể Rồng đất trong tự nhiên ở Việt Nam còn không nhiều và rất cần được bảo tồn, bảo vệ hữu hiệu.
Rồng đất Varanus komodoensis được Việt Nam và Liên minh châu Âu cùng đề xuất thành công với 75% đồng thuận tại Hội nghị các quốc gia thành viên CITES năm 2022 và chính thức thuộc Phụ lục CITES từ ngày 23/2/2023. Trước thời điểm này, do chưa được bảo vệ, rồng đất bị xuất khẩu lớn với khoảng 70.000 cá thể mỗi năm từ Việt Nam trong 20 năm gần đây. Mặt khác, sinh cảnh của rồng đất cũng đang bị suy giảm, phân mảnh do tác động của canh tác nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng hạ tầng.