99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 2]

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 2]

NDO - 99 mẩu chuyện sẽ phần nào cung cấp cho độc giả những điều lý thú, ly kỳ, hấp dẫn về Rồng - con vật huyền thoại liên quan đến những bậc đế vương trong lịch sử Việt Nam.

Thấy điềm rồng hiện, Lý Cao Tông đem cung nữ đặt trên nóc điện đề cầu may

Vị vua thứ 7 của triều Lý là Lý Cao Tông tên thật là Lý Long Trát, con thứ 6 của Lý Anh Tông, lên ngôi tháng 7 năm Ất Mùi (1175) khi đó mới hơn 2 tuổi. Giai đoạn đầu được các đại thần tài giỏi giúp đỡ nên triều chính ổn định, nhưng đến khi Lý Cao Tông trưởng thành, trực tiếp nắm quyền thì triều Lý bắt đầu suy yếu.

Lý Cao Tông là vị vua rất thích các trò phương thuật, huyền bí; những chuyện lạ kỳ… Chính vì thế với những sự kiện huyễn hoặc làm vua rất hứng thú và có khi có hành động khác thường, một trong những chuyện như vậy được sách Đại Việt sử lược ghi chép vào tháng 8 năm Giáp Tý (1204) như sau: “Tháng 5,… rồng vàng hiện ở gác Thánh Nhật. Tháng 8 lại hiện ra ở điện Thánh Thọ, bay vòng quanh cửa Ngự Tẩm, để lại vết móng rồng ở chỗ ngự tọa tại điện Thiên Thụy đến hơn một trăm nơi; lại hiện ra ở hậu cung ba lần, vua sai đem cung nữ là Lê nương đặt lên nóc điện”.

Không rõ việc đem một người phụ nữ ra để cầu may đó có ích lợi, linh ứng gì thì sử sách không chép, cũng không có bình luận nhưng cuối cùng ông vẫn “đắm đuối chơi bời, say mê thanh sắc, ham của cải, thích xây dựng, dạy các quan lười biếng, ham mê để trăm họ phải ta oán, làm cho phúc nhà Lý ngày một hao mòn, đến nỗi mất nước” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Lý Cao Tông và chuyện cánh tay rồng trên mây

Thời Lý Cao Tông ở ngôi, vận triều Lý đã suy vong, quân Chiêm Thành nhân thế kéo sang cướp phá biên cương, tàn hại dân chúng buộc vua phải thân chinh cầm quân ra trận.

Giao tranh mấy trận đều bất lợi, vua Lý rút quân về đóng đồn tại xã Hoa Phố, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hóa (nay là xã Liên Phổ, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) và lập đàn cúng tế cầu thần linh phù trợ dẹp giặc. Một hôm vào khoảng canh ba, khi vua đang mơ màng bâng khuâng nửa tỉnh nửa mê thì chợt thấy trên không trung xuất hiện một đám mây vàng có rồng trắng ẩn hiện rồi lộ ra một cánh tay cầm chiếc thẻ vàng có dòng chữ: “Thiên bá Lôi công”. Nhà vua cho là linh ứng bèn sai người lập đền thờ và chọn người trông coi lo việc thờ phụng.

Ít lâu sau vua lại dẫn quân đánh giặc, trong lúc giao tranh trời đất bỗng tối sầm lại, trên không sấm sét nổi ầm ầm khiến quân giặc hoảng sợ mất tinh thần bỏ chạy tán loạn, nhờ vậy quân ta nhân thế tiến lên giành chiến thắng. Đại thắng, Lý Cao Tông cho làm lễ tạ ơn thần, từ đó đến các triều đại sau đều chăm lo tế tự, sắc phong cho vị thần này.

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 2] ảnh 1

Vua Lê Lợi và con rồng 3 mắt

Là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lật đổ ách đô hộ của giặc Minh và lập ra triều Hậu Lê, cuộc đời và sự nghiệp của vua Thái Tổ Lê Lợi được bao phủ bằng nhiều huyền tích mờ ảo và giai thoại thú vị. Truyền rằng núi Mục Sơn ở Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay chính là mắt một con rồng và sự tích của quả núi này có liên quan đến Lê Lợi.

Xưa kia ở đây có một con rồng lớn ẩn mình dưới đất, nó chỉ để lộ 3 con mắt, một con mắt chính là núi Mục sau này, còn 2 mắt kia ở núi Hàm Rồng (nay thuộc làng Miềng, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa). Khi Lê Lợi khởi nghĩa, con rồng nhận việc canh gác, báo tin cho nghĩa quân khi giặc tới, trong đó con mắt rồng Mục Sơn là tiền đồn. Khi phát hiện quân giặc, con mắt ở Mục Sơn sẽ nháy, hai con mắt kia ở làng Miềng nháy theo, báo cho nghĩa quân biết để đối phó. Sau nhiều lần bị phục kích đánh bại, quân Minh mới dò biết được chuyện mắt rồng báo tin cho quân Lam Sơn. Tướng giặc là Hoàng Phúc có biết về địa lý và thuật phù thủy đã làm phép trấn yểm làm con mắt rồng ở Mục Sơn bị mù nhưng nghĩa quân Lam Sơn không quên công lao của mắt rồng này.

Về sau khi kháng chiến thành công, Lê Lợi đã trực tiếp đến chỗ mắt rồng để tạ ơn, ông rút thanh bảo kiếm giơ lên thì bỗng nhiên có tiếng nổ, rồi đất đá đùn lên, cả con mắt rồng biến thành quả núi; Lê Lợi đã đặt tên cho là Mục Sơn (núi Mắt) để nhắc nhở về con mắt rồng đã có thời ngày đêm canh gác cho nghĩa quân Lam Sơn.

Lê Thái Tổ và sự tích địa danh “ruộng Rồng”

Bản Nà Luồng, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường là một điểm thắng cảnh nổi tiếng ở Lai Châu với cảnh sắc tuyệt đẹp của rừng núi, của những ngôi nhà sàn bình yên ẩn hiện trong màu xanh của cây cỏ bên dòng Nậm Mu trong vắt, hiền hòa chảy. Đặc biệt nơi đây có những thửa ruộng trù phú, địa hình bằng phẳng thuận lợi cho việc cấy lúa, trồng ngô, mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa chín vàng óng đẹp đến mê hồn.

Người dân địa phương từ bao đời nay vẫn lưu truyền câu chuyện về sự tích tên gọi bản làng của mình, đó là vì cảnh sắc thơ mộng con người lại chân thật, giàu lòng mến khách, nên rồng thường xuống tắm ở dòng Nậm Mu và nằm nghỉ trên bãi ruộng… vì thế theo nghĩa của tiếng dân tộc nơi đây thì từ “Luồng” có nghĩa là “con rồng”, “Nà” có nghĩa là “ruộng”.

Lại có thuyết khác kể rằng, năm Nhâm Tý (1432), sau khi vua Lê Thái Tổ đích thân dẫn quân đi đánh dẹp cuộc nổi loạn của Đèo Cát Hãn - thủ lĩnh người Thái tại Mường Lễ, châu Ninh Viễn (tức Lai Châu ngày nay), nhà vua đã đi tuần thú một số địa phương để tìm hiểu đời sống người dân. Tại một bản, nhà vua thấy dân chúng thuần hậu nhưng cuộc sống khó khăn, trồng cấy thu hoạch không được là bao, vua đã ban cho dân bản tiền bạc, vải vóc cùng một số giống lúa, ngô khuyến khích họ chăm chỉ làm việc để có cuộc sống no đủ. Cánh đồng nơi nhà vua đứng trò chuyện cùng người dân được đặt tên là Nà Luồng (ruộng Rồng vì rồng là biểu tượng của đế vương), tên gọi đó sau được đặt cho cả bản và nó còn tồn tại cho đến ngày nay.

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 2] ảnh 2

Chuyện cầu tự và giấc mộng rồng vàng giáng hạ

Vua Lê Thánh Tông có nhiều con (14 hoàng tử, 20 công chúa), trước khi mất, ông để di chiếu truyền ngôi cho người con cả là Lê Tranh (có tên khác là Lê Sanh, Lê Huy).

Theo chính sử thì Lê Tranh (tức vua Lê Hiến Tông) do bà Trường Lạc sinh ra, chuyện ra đời của vị hoàng đế này cũng nhuốm màu sắc ly kỳ: “Trước đây, [Lê] Thánh Tông chưa có con nối, Quang Thục hoàng thái hậu (mẹ vua Thánh Tông - PV) đã từng cầu đảo, sai [Nguyễn] Đức Trung đến cầu ở am Từ Công núi Phật Tích, chiêm bao thấy đến trước mặt thượng đế cầu hoàng tự. Thượng đế phán: "Cho sao Thiên Lộc làm con Nguyễn thị". Nói rồi cho ẵm đến ngồi ở trước. Bấy giờ, Trường Lạc hoàng thái hậu ở cung Vĩnh Ninh, tức thì có mang. Đến khi đủ ngày tháng, chiêm bao thấy rồng vàng từ trên trời sa xuống, bay vào trong phòng, một lát sau thì sinh ra vua. Vua sinh vào ngày mồng 10 tháng 8, năm Tân Tỵ, Quang Thuận năm thứ 2 [1461]. Xét bài Thiên Phúc tự bi ký của Nguyễn Bá Bằng có nói: Trường Lạc hoàng thái hậu có điềm rồng vàng nhập vào sườn bên tả” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Người được lệnh đi làm lễ cầu tự chính là cha đẻ của bà Trường Lạc, địa điểm cầu tự là Am Từ Công trên núi Phật Tích, đây là nơi thờ thiền sư thời Lý có hiệu Từ Đạo Hạnh. Về chuyện Trường Lạc nằm mộng mà sinh ra hoàng tử, có nhiều tài liệu ghi chép lại, như sách Đại Việt thông sử ngoài các thông tin trên còn cho biết: “Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà lại nằm mộng thấy rồng vàng từ trên trời hiện xuống, bay vào nơi bà ở; trong chốc lát thì sinh ra hoàng tử, đó là vua Hiến Tông”.

Ngày nay trên trên vách động Hiển Thụy ở núi Sài Sơn (núi Thầy) huyện Thạch Thất, Hà Nội còn có khắc tấm bia có tiêu đề là Hiển Thụy am bi được soạn và khắc soạn vào năm Canh Thân (1500) cho biết thêm thông tin về việc cầu đảo này: “Khi Trường Lạc Hoàng hậu có mang, Trinh Quốc công [Nguyễn Đức Trung] sắp đặt việc cầu đảo cho Hoàng hậu ở am Từ công, chùa Thiên Phúc núi Phật Tích. Vừa bắt đầu làm lễ thì bỗng có một phiến đá bay lên rơi xuống trước mặt, Trinh Quốc công ôm lấy rồi kín đáo sai thợ tạc một pho tượng Phật, để phiến đá vào trong, lập một cái am để thờ gọi là am Hiển Thụy”.

Ngoài ra, trên tấm văn bia Đại Việt Lam Sơn Dụ lăng bi đặt tại lăng vua Lê Hiến Tông ở Lam Sơn (Thanh Hóa) soạn năm Giáp Tý (1504) cũng có viết như sau: “Quang Thục Hoàng Thái hậu từng làm lễ cầu đảo, một đêm mộng thấy đến chỗ Thượng đế khẩn cầu sinh được hoàng tử. Thượng đế nói: “Cho Thiên Lộc làm con Nguyễn thị”, rồi cho ẵm về. Bấy giờ Thái hậu vừa mới vào ở cung Vĩnh Ninh thì có mang, khi đủ tháng, mộng thấy rồng vàng từ trên trời bay vào chỗ ở, một lát thì sinh vua [Hiến Tông]”.

Rồng giáng nhà thuyền chài

Tại Dương Kinh (huyện Kiến Thụy – Hải Phòng) xưa kia là khu vực chịu ảnh hưởng lớn của nhà Mạc do đó tại đây có rất nhiều dấu tích có liên quan cũng như những câu chuyện kể về một số nhân vật của vương triều này. Đây cũng là quê hương của nhà Mạc và được coi là kinh đô thứ hai do triều đại này lựa chọn.

Mạc Đăng Dung là người mở đầu triều Mạc, quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng); xuất thân làm nghề đánh cá sau thi đỗ Đô lực sĩ rồi dần dần thăng tiến đến tước Vương, nắm đại quyền trong triều đình Lê sơ. Khi triều đình nhà Lê suy thoái, dân tình nghèo đói, xã hội phân ly, năm 1527, Mạc Đăng Dung đoạt ngôi lập ra triều Mạc và cho xây Dương Kinh ở Nghi Dương với nhiều lăng tẩm, cung điện nguy nga tráng lệ, nhiều đình chùa, đạo quán khang trang, đẹp đẽ.

Thuận điềm xuất chấn thừa quyền,

Trời cho họ Mạc thiên nhan xem chầu.

Đất thiêng cấu khí đã lâu,

Rồng vàng hùm chiếu bấy lâu lạ dường.

Truyền rằng cha của Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá và lái đò chở khách qua sông, mẹ ông bán quán nước tại bến đò; hai vợ chồng hiền lành, cơ chỉ và không ham của cải nên được một thầy địa lý giỏi đặt cho một ngôi đất phát đế vương. Ít lâu sau người vợ có mang, bà nằm mơ thấy một con rồng đỏ từ trên trời giáng xuống bay vòng quanh thân bà 9 lần rồi chui vào trong bụng. Khi Mạc Đăng Dung sinh ra, tướng mạo khôi ngô, thân thể to lớn khác người, dân chúng đồn nhau rằng đứa trẻ đó sau này ắt sẽ có sự nghiệp lớn. Câu chuyện vợ chồng lão lái đò sinh quý tử cho đến nay vẫn được người dân trong vùng lưu truyền mãi.

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 2] ảnh 3

Rồng đá cắn áo bào vua Mạc Thái Tổ

Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc, đặt niên hiệu là Minh Đức, sau khi mất nhà Mạc truy tôn miếu hiệu là Thái Tổ. Tương truyền khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi trong lễ thiết triều tại điện Kính Thiên trên núi Nùng, lúc vua Mạc đi lên điện, bước qua đôi rồng đá ở bên thềm bậc của điện thì bất ngờ bị một con rồng đá (được cho là làm từ thời Lý) cắn xé áo rồng đang mặc như tỏ sự bất bình trước hành vi thoán nghịch. Mạc Đăng Dung giận dữ sai người lấy búa bổ vào rồng, nay vết rồng đã bị sứt hãy còn.

Giai thoại này được lưu truyền rộng nên đời sau có người làm thơ vịnh, trong đó có Tiến sĩ Dương Bật Trạc (đỗ năm 1715) viết bài thơ “Long giảo long bào” (Rồng cắn áo rồng) có câu:

Long giảo long bào triệu dĩ minh,

Đăng Dung tương phủ chước long hình.

Nùng sơn Lý đại long linh phủ,

Cửu bệ Lê triều nộ khí sinh.

Nghĩa là:

Rồng cắn áo rồng việc đã quá rõ,

Đăng Dung dùng búa bổ vào con rồng đá.

Rồng đã trên núi Nùng thời Lý thiêng thật à,

Chín bậc trong thời Lê tỏ sự giận dữ.

Rồng phun nước thuận theo ý vua Lê

Tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có một di tích nổi tiếng thường được gọi là đền Tam Tòa hay đền Chòi; đây là nơi thờ vợ chồng Trần Công và hai người con là Đông Công và Điển Công thời Hùng Vương, có tiếng là linh thiêng; dân gian gọi chung các vị thần là thần Tam Tòa vì đền có 3 tòa.

Theo truyền tụng vào khoảng niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 - 1740) đời vua Lê Ý Tông, trời làm nắng hạn dài ngày, nhà vua bèn cho rước bách thần các nơi về Thăng Long để thực hiện lễ cầu đảo. Vì ở xa nên kiệu của thần Tam Tòa đến muộn so với thời hạn, nhà vua có ý không vui. Bỗng nhiên quanh khu vực vua ngồi có đám mây bay đến rồi xuất hiện một con rồng phun nước mặn tạo thành một trận mưa lớn khiến cây cối úa táp, trơ cành trụi lá. Thấy vậy Lê Ý Tông mới trách rằng:

- Thần làm chết hết cỏ cây, vậy lấy gì đền cho trẫm?

Bỗng nhiên con rồng lại phun nước tạo trận mưa nước ngọt rửa hết nước mặn, như có phép lạ, cây cối phút chốc xanh tươi trở lại; không chỉ kinh đô và khắp các trấn đều có mưa, năm đó thiên hạ được mùa lớn. Thấy được sự linh ứng của thần Tam Tòa, nhà vua đã sắc phong Thượng đẳng phúc thần, lại ban vàng bạc để dân chúng tu sửa, tôn tạo đền thờ thần được khang trang, quy mô hơn trước.

Lê Hiển Tông và chuyện được cứu nhờ nước rãi rồng giả

Lê Hiển Tông (1717-1786) tên thật là Lê Duy Diêu, ông là vị Hoàng đế thứ 26 của nhà Hậu Lê. Khi còn là hoàng tử, vì có người chú là hoàng thân Lê Duy Mật nổi binh đánh lại họ Trịnh nhằm khôi phục quyền lực cho vua Lê, do đó ông bị chúa Trịnh Giang nghi ngờ bắt và giam cầm.

Sau đó chúa Trịnh Doanh kế nghiệp vẫn cho giam Hoàng tử, thấy vậy một số bề tôi thân cận của chúa là Võ Thế Giai, Nguyễn Thế Trương, Hoàng Ngũ Phúc cùng với cậu của chúa là Trung quận công Vũ Tất Thận mật bàn với Quốc sư Thượng thư quận công Nguyễn Qúy Cảnh về việc cứu hoàng tử Lê Duy Diêu ra khỏi ngục để lập làm vua.

Theo sách Nam Thiên trân dị tập (Những truyện quý lạ của nước Nam), những người này bí mật họp bàn rồi cho lấy gạo thơm nấu thành 3 nồi cháo, sai người trèo lên mái nhà nơi Hoàng tử đang bị giam, rải cháo lên mái ngói thành hình rồng uốn lượn. Sau đó họ loan tin có rồng giáng, rồi tâu với chúa Trịnh đó là điềm của bậc quân vương. Chúa Trịnh Doanh không tin liền đến tận nơi, thấy trên nóc nhà có hình rồng uốn khúc, lính lên nóc nhà xem xét kỹ, thấy có mùi thơm. Quận công Nguyễn Qúy Cảnh tâu rằng nước rãi rắn thì tanh, nước rãi rồng thì thơm, mái nhà nơi có rãi rồng chính là chỗ giam Hoàng tử. Chúa Trịnh cho là sự lạ vội cho người thả Lê Duy Diêu ra, sau đó cùng quần thần dâng biểu xin Lê Ý Tông nhường ngôi rồi tôn Hoàng tử Lê Duy Diêu lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Cảnh Hưng. Câu chuyện ly kỳ này xảy ra tháng 5 năm Canh Thân (1740).

Chuyện lạ về rồng bơi theo Nguyễn Huệ

Vua Quang Trung tên thật là Nguyễn Huệ (1753-1792), tên hồi nhỏ là Hồ Thơm, tương truyền từ nhỏ đã thông minh, hiếu động, thường dẫn đầu đám trẻ con chăn trâu bày các trò tinh nghịch.

Chuyện kể rằng một lần cậu bé Thơm cùng các bạn trong thôn thả trâu ăn cỏ ven đường, sau đó kéo nhau lên rừng hái ổi, bắt chim rồi rủ nhau xuống Vực Muồng bơi lội, tắm táp. Tương truyền rằng khi Hồ Thơm xuống nước, cả đám trẻ rất kinh ngạc thấy mỗi lần Thơm vẫy vùng trong làn nước và bơi ra xa thì có con rồng nước từ đáy vực nổi lên bơi theo như bảo vệ. Đến lúc Thơm bơi vào bờ thì con rồng nước lại lặn biến vào đáy vực sâu.

Những chuyện kỳ lạ này cũng giống như những giai thoại ly kỳ khác về các vị vua trong lịch sử Việt Nam, nó tô điểm thêm những nét huyền bí về các bậc đế vương được tôn xưng là “thiên tử” (con trời).

Ao Rồng nơi vua Tây Sơn tắm mát

Vị vua cuối cùng của triều Tây Sơn là Nguyễn Cảnh Thịnh (1783-1802) tên thật là Nguyễn Quang Toản, hồi nhỏ có tên là Trác, do vậy còn được gọi là ông hoàng Trác. Khi ông lên ngôi, triều chính ngày càng suy vi trong khi thế lực của chúa Nguyễn Phúc Ánh ngày càng mạnh, giữa năm Nhâm Tuất (1802) bị quân Nguyễn tấn công vua Cảnh Thịnh phải bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc Hà tạm lấy Thăng Long làm hành dinh. Không lâu sau, quân Tây Sơn lại bại trận, vua Cảnh Thịnh chạy đến đất Lạng Giang (nay thuộc huyện Lạng Giang, Bắc Giang) thì bị bắt đưa về Phú Xuân.

Theo lời kể của người dân làng Long Trì (nay thuộc xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) thì tên của làng có nghĩa “ao Rồng” gắn với giai thoại liên quan đến vua Cảnh Thịnh. Về địa thế, làng này xưa kia có rất nhiều ao và đầm trũng thông ra sông Thương, nằm rải rác nối tiếp nhau giống hình rồng nên mới có tên là Long Trì. Đã là ao Rồng thì tất phải có rồng ẩn, rồng hiện ở đó thế nên khi vua Cảnh Thịnh chạy qua vùng này có dừng lại nghỉ chân và xuống tắm ở một ao nước trong để gột rửa mồ hôi, bụi bặm sau quãng đường bôn tẩu. Chính từ chuyện này mà ao nơi vua tắm được gọi là ao Rồng; từ đó làng Long Trì có hai câu chuyện về tên gọi của làng và được người dân lưu truyền kể mãi cho đến nay.

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 2] ảnh 4

Giai thoại về xuất xứ tên gọi vùng đất “Rồng Đẹp”

Thời còn bôn ba với sự nghiệp đế vương, vua Gia Long nhiều lần phải bôn tẩu đến một số địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày nay; không ít nơi vẫn còn lưu dấu tích về vị vua này qua những giai thoại, truyền thuyết, địa danh… Thậm chí một số nơi, việc nhà vua có thực sự đặt chân đến trong bước đường lưu lạc của mình hay không cũng khó khẳng định được nhưng dân gian vẫn có những câu chuyện gắn với vị hoàng đế này như thể hiện sự kính trọng, yêu mến người có mệnh đế vương.

Tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có một ngôi là cũng có tên gọi là Long Mỹ, truyền rằng xưa kia nơi này chưa thiết lập đơn vị hành chính, vua Gia Long bấy giờ chưa lên ngôi mà vẫn là một vị chúa Nguyễn đang trốn tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Trong một lần ông đến nơi này, thấy một vùng đất bằng phẳng trù phú rải rác là những nếp nhà nằm bên hữu ngạn sông Cái Lớn, chạy dài từ rạch Trà Bang vô tới rạch Lái Hiếu. Quan sát thấy chỗ đó có hình thể uốn lượn giống hình tượng con rồng trông rất đẹp nên ông đã dùng cái tên “Long Mỹ” để gọi. Đó là giai thoại, còn thực tế địa danh Long Mỹ chính thức ra đời vào ngày 24/5/1893 theo một nghị định của Thống đốc Nam kỳ.

Vua Gia Long và địa danh cồn Long Ẩn

Xã An Thạnh 1 huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng có một địa danh mang tên cồn Long Ẩn được cho là gắn với giai thoại về vị vua sáng lập ra triều Nguyễn. Theo di cảo của học giả Trương Vĩnh Ký thì cách nay hơn 237 năm, địa danh cồn Long Ẩn có liên quan đến cuộc bôn tẩu ẩn náu của chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau lên ngôi vua niên hiệu là Gia Long) trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Sử cũ ghi lại rằng sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút (ngày 19-1-1785), Nguyễn Ánh phải tìm đường trốn chạy ở nhiều nơi trong vùng đất Nam Bộ.

Truyền rằng năm 1786, chúa Nguyễn Phúc Ánh đến làng An Thạnh Nhất ẩn náu trong một thời gian ngắn và được dân chúng nơi đây cưu mang giúp đỡ. Lúc bấy giờ, vào mùa hạn nước biển Đông xâm nhập vào tận Đại Ngãi, Kế Sách nên binh lính không có nước ngọt để nấu ăn và uống, sức lực ngày càng suy kiệt, chúa Nguyễn Phúc Ánh phải cầu khẩn trời phật cứu giúp. Và khi chúa Nguyễn Ánh chỉ thanh gươm của mình xuống một điểm tại ngã 3 con rạch nơi Chúa cùng quân lính trú quân, ẩn náu thì lập tức một vùng nước ngọt xuất hiện trong phạm vi nhỏ có bán kính vài mét. Trong lúc đói lòng, chúa Nguyễn Phúc Ánh hái trái bần ven sông để ăn và cảm thấy vị chua, ngọt, ngon của nó, đồng thời những cành bần đung đưa trên mặt nước tựa như nhành liễu nên chúa Nguyễn Phúc Ánh đặt tên cây bần là cây thủy liễu. Nhờ đó mà chúa Nguyễn Phúc Ánh cùng binh lính vượt qua cơn hoạn nạn, lập đồn trú quân, lập xưởng đúc tiền để mua lương thực, vũ khí đối phó nhà Tây Sơn. Từ sự kiện này nên người dân địa phương đã gọi nơi đây là rạch Trường Tiền và cồn Long Ẩn.

Rạch Rắn đổi thành Rạch Rồng khi người có mệnh đế vương lưu lạc tới

Cũng trong khoảng thời gian chưa lên ngôi và còn đang lánh nạn ở nhiều nơi khắp miền Tây Nam Bộ từ Long An, Mỹ Tho đến Cà Mau, Hà Tiên... để tránh sự truy lùng của quân Tây Sơn. Trong thời gian bôn tẩu, phục quốc, chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau là vua Gia Long) đã đặt chân tới vùng đất Cà Mau, đến nay nơi đây còn in đậm những di tích có liên quan đến vị vua này trong đó có rạch Cái Rắn hay rạch Rắn.

Rạch Rắn thuộc xã Tân Hưng, huyện Cái Nước ngày nay,vì rạch có nhiều rắn nên gọi là Cái Rắn. Chuyện kể rằng khi bị quân Tây Sơn truy lùng, Nguyễn Phúc Ánh dùng thuyền di chuyển dọc một con kênh nối liền U Minh Thượng và U Minh Hạ, lúc ấy chưa có tên gọi. Chờ mãi không thấy quân tiếp ứng trong khi quân Tây Sơn tăng cường lục soát nên chúa Nguyễn Ánh lệnh cho khởi hành tìm đường ra biển thì bỗng nhiên bị bệnh nặng. Tưởng chừng không qua khỏi ông đã than thở với tùy tùng rằng:

- Chắc ta băng (chết) ở đây rồi.

May mắn có nhờ có ngự y giỏi nên ông cũng qua khỏi cơn bạo bệnh, nhắc đến sự kiện này nên về sau dân chúng gọi nơi ấy là sông Chắc Băng. Sau khi bình phục, Nguyễn Phúc Ánh cho thuyền chạy vào rạch Cái Rắn nương náu, vì rồng là biểu tượng của vua nên về sau rạch Cái Rắn/rạch Rắn có tên gọi khác là rạch Long Ẩn.

Nguyên do vua Gia Long đổi tên thành Thăng Long

Sau khi đánh bại quân Tây Sơn ở miền Trung, chiếm được kinh đô Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Ánh xưng đế, đặt niên hiệu là Gia Long (năm 1802) rồi cho quân tiến ra Bắc đánh dẹp nốt lực lượng còn lại, bắt được vua Tây Sơn là Nguyễn Quang Toản…

Về niên hiệu Gia Long, người ta đồn đoán rằng nó được ghép ghép từ hai địa danh Gia Định và Thăng Long để tỏ ý nhà vua đã thống nhất Nam Bắc nhưng chữ Long lại mang nghĩa khác nhau.

Bấy giờ sau một thời gian ổn định tình hình, vua Gia Long đã cho đổi tên Thăng Long gắn với giai thoại từ thời Lý Thái Tổ dời đô thành Thăng Long mang một ý nghĩa khác. Theo sách Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu, năm 1805, vua Gia Long đã đổi tên Thăng Long [昇龍] với nghĩa là “rồng bay lên”, thành ra từ đồng âm Thăng Long [昇隆] nghĩa là “thịnh vượng” (chữ Long này nghĩa là hưng thịnh, đầy đủ). Từ đây, Thăng Long có nghĩa khác với các triều đại trước, vì vua cho rằng Thăng Long lúc đó không còn là kinh đô nơi vua ở cho nên không dùng biểu tượng rồng (nghĩa của chữ Long 龍), linh vật tượng trưng cho đế quyền.

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 2] ảnh 5

Thiệu Trị và câu đối mang khí chất đế vương

Thiệu Trị (1807-1847) là vị vua thứ 3 của triều Nguyễn; sách Quốc sử di biên chép một chuyện khi chưa ông lên ngôi mà chỉ có tước Trường Khánh công nhưng có câu đối như báo trước về địa vị của người đứng đầu thiên hạ trong tương lai: “Trước kia Trường Khánh công tập làm chính sự ở Thân đài, Thánh Tổ ra câu đối rằng:

- Long vi vạn vật chi linh, biến hóa phi đằng mặc trắc (Nghĩa là: Rồng thiêng hơn vạn vật, biến hóa bay nhảy khôn lường).

Công đối rằng:

- Thiên nãi nhất nguyên chi khí, khôi hiệu phú đảo vô ngân (Nghĩa là: Trời là khí nhất nguyên, rộng lớn che trùm khắp cả).

Thánh Tổ và Trương Đăng Quế cho là lạ, quý trọng lắm”.

Đồng Khánh lấy rồng làm tên gọi của huân chương

Huân chương là một trong những hình thức dành tưởng thưởng cho các cá nhân hoặc tổ chức có những cống hiến lớn lao hay có tích xuất sắc trong công cuộc trị quốc an dân, giữ gìn bờ… và là vinh dự cao quý nhất. Học theo phương Tây, vào đầu năm 1886 vua Đồng Khánh đã đặt lệ làm huân chương ban thưởng, vì rồng là biểu tượng của đế vương, của quyền uy, của sự cao quý nên vị vua này đã lấy rồng đặt tên cho các loại huân chương cả hai hạng văn và võ.

Sách Đồng Khánh chính yếu cho biết: “Về văn: Hạng nhất là Khôi kỳ long tinh; hạng nhì là Chương hiền long tinh; hạng ba là Biểu đức long tinh; hạng tư là Minh nghĩa long tinh; hạng năm là Gia thiện long tinh. Về võ: Hạng nhất là Trác dị long tinh; hạng nhì là Thù huân long tinh; hạng ba là Tinh năng long tinh; hạng tư là Tưởng trung long tinh; hạng năm là Khuyến công long tinh”. Các loại huân chương này được gọi chung trong hệ thống Đại Nam Long tinh Viện hay Nam Việt Long bội tinh và là những kiểu huân chương đầu tiên ở nước ta.

99 giai thoại về rồng và đế vương nước Việt qua các thời kỳ lịch sử [phần 2] ảnh 6

Chuyện ít biết về lá cờ rồng của vua Khải Định

Trải qua các triều đại phong kiến, nước ta không có Quốc kỳ mà chỉ có cờ của Hoàng gia, cờ của Hoàng đế,… mãi đến đời vua Khải Định (1885-1925) triều Nguyễn, để chuẩn bị cho chuyến đi thăm nước Pháp, trong một buổi thiết triều tháng 2 năm 1922, “vua chỉ vào lá cờ màu vàng có tua rủ treo ở giữa điện Văn Minh rồi bảo thị thần rằng: Màu vàng là màu chính trung của đất trời, mà ở giữa là tượng trưng của nhà vua… Khi thảo luận với quý Khâm sứ để định ra lá cờ hiệu để treo trên thuyền ngự sang Tây, trẫm dự định chế ra lá cờ hình vuông màu vàng, thêu một con rồng có tua rủ màu tam tài, đó là phỏng theo quy chế cũ của tiên chế châm chước mà đặt ra. Theo quy chế cũ, cờ rồng của nước Đại Nam thì rồng thêu màu lục, không dùng màu vàng, không phải là không có ý tránh trùng lặp với lá cờ rồng vàng thống nhất của nhà Thanh” (Đồng Khánh, Khải Định chính yếu thư).

Như vậy lá cờ hình vuông có tua rủ, nền vàng, ở giữa thêu rồng màu lục được coi là quốc kỳ khi vua Khải Định sang Pháp cuối tháng 4 năm 1922, sách Khải Định chính yếu sơ tập cho biết: “Mùa hạ, tháng 4…Ngày 28, vua lên tàu thủy Bột Tốc, treo lên lá quốc kỳ hình rồng vàng, nhổ neo lên đường”. Đến tháng 9 năm đó ông về nước, tháng 10 cùng năm vua ban sắc cho bộ Công lấy lá cờ đó làm đồ quốc bảo.

Ý nghĩa lá cờ Rồng thời vua Bảo Đại

Theo một số tư liệu, lá cờ được coi là quốc kỳ nước Đại Nam được gọi là “Long Tinh kỳ” hoặc gọi ngắn gọn là cờ Long (cờ rồng) biểu tượng cho hoàng đế. Ý kiến về thời điểm xuất hiện của lá cờ này không thống nhất, tuy nhiên tài liệu chính thống là cuốn “Đồng Khánh, Khải Định chính yếu thư” chép rằng lá cờ vàng này được vua Khải Định cho thiết kế để treo trong các dịp lễ, còn gọi là “lá cờ mừng treo trong Đại Nội là mô phỏng Long Tinh có dây treo các màu”. Như vậy cờ Long Tinh là lá cờ hiệu của hoàng gia chứ cũng không phải là quốc kỳ, nó được treo trong các ngày đại lễ và xuất hiện lần đầu vào dịp Tứ Tuần đại khánh mừng vua Khải Định 40 tuổi tổ chức năm 1924.

Đến đầu thập niên 1940, vua Bảo Đại đã chọn cờ Long Tinh làm quốc kỳ của nước Đại Nam. Lá cờ này chia làm 3 phần theo chiều ngang, hai phần trên và dưới màu vàng, phần giữa màu đỏ. Tên gọi, ý nghĩa của lá cờ này cũng được giải thích khác nhau, người thì nói rằng “Tinh” là cờ còn “Long” là rồng, biểu tượng cho uy quyền của hoàng đế trên hai phần đất còn lại là Trung Kỳ và Bắc Kỳ (còn Nam Kỳ là đất nhượng địa). Nguồn khác thì cho rằng gọi là cờ “Long Tinh” vì lá cờ trông giống như dây vải đeo long bội tinh (một loại huân chương do vua Đồng Khánh lập ra năm 1886), nền vàng biểu tượng hành Thổ nằm ở trung tâm Ngũ Hành tượng trưng cho nhà vua, còn sọc đỏ biểu tượng hành Hoả, biểu tượng của phương Nam, cương vực của nước Đại Nam. Có tài liệu lại nói màu vàng tượng trưng cho sự trang nghiêm của hoàng gia, màu đỏ biểu tượng cho hạnh phúc của nhân dân. Cờ Long tinh tồn tại với tư cách là Quốc kỳ Đại Nam đến giữa năm 1945 thì bị thay thế bằng cờ Quẻ Ly – lá quốc kỳ của Đế quốc Việt Nam.

[HẾT]

back to top