Nam Định tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội

Ðể hiện thực hóa mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, Nam Ðịnh trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước” được đề ra tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Nam Ðịnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Nghĩa Hưng, một trong các địa phương có tiềm năng lớn của Nam Ðịnh.
Huyện Nghĩa Hưng, một trong các địa phương có tiềm năng lớn của Nam Ðịnh.

Giao thông đi trước mở đường

Nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Nam Ðịnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tập trung vào sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá. Trong đó, tỉnh đặc biệt coi trọng việc huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh đồng bộ theo hướng hiện đại, nhất là các dự án, công trình trọng điểm có tính chiến lược phát triển về giao thông.

Chỉ trong vài năm qua, Nam Ðịnh đã triển khai và đẩy nhanh tiến độ hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng như: Xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, cầu Bến mới, cầu Ðống Cao, cầu Ninh Cường; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh (phấn đấu hoàn thành trong năm 2023); cụm kênh nối Ðáy-Ninh Cơ (dự kiến đưa vào vận hành vào tháng sau); tuyến đường bộ mới Nam Ðịnh-Lạc Quần đường bộ ven biển; cầu vượt sông Ðáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Ðịnh; phối hợp đề xuất đầu tư, chuẩn bị giải phóng mặt bằng cho tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Nam Ðịnh-Thái Bình-Hải Phòng...

Theo đồng chí Phạm Ðình Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Ðịnh, các dự án giao thông huyết mạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Nam Ðịnh; tăng tính kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh và với địa phương trong khu vực, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào công nghiệp và phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh.

Nam Ðịnh chủ trương huy động, sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ và đưa các dự án giao thông có tính khả thi cao vào kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để thống nhất chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2019-2021, phân tích rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2022-2025.

Tháng 2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2022-2025, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Từ khi thành lập, Ban Chỉ đạo phân công thành viên phụ trách địa phương cụ thể, thường xuyên họp, theo sát tiến độ các dự án và kịp thời có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.

Đẩy mạnh kinh tế biển, phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư

Nghĩa Hưng là huyện ven biển phía nam của tỉnh Nam Ðịnh, được bao bọc bởi những con sông lớn như sông Ðáy, sông Ninh Cơ và có 12km chiều dài bờ biển. Nhận thức được tiềm năng, lợi thế, tầm quan trọng của vùng ven biển, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy mạnh kinh tế biển, trong đó đặt trọng tâm là công nghiệp.

Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển vùng kinh tế ven biển giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, với mục tiêu tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh.

Là một trong ba huyện giáp biển, Nghĩa Hưng có địa hình vùng ven biển trũng thấp, chủ yếu là bãi bồi, trước đây từng được tỉnh quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nuôi trồng thủy sản tại khu vực này luôn gặp khó khăn vì thiên tai, bão lụt và vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, hiệu quả không cao.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Ðịnh đã ra quyết định tập trung điều chỉnh quy hoạch không gian công nghiệp phù hợp định hướng phát triển của huyện. Tháng 10/2021, tỉnh chấp thuận chủ trương cho tổ hợp ba dự án thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện, có tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới gần 100 nghìn tỷ đồng trên địa bàn huyện. Ðến nay, một trong ba dự án đã được khởi công xây dựng.

Các dự án lớn này sẽ góp phần đẩy mạnh công nghiệp, đô thị, dịch vụ, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động và dự kiến tăng thu ngân sách gấp 5-6 lần cho huyện so với hiện nay.

Ðồng chí Ngô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hưng

Trên địa bàn toàn tỉnh, hoạt động thu hút đầu tư trong giai đoạn này cũng diễn ra sôi nổi chưa từng có. Từ năm 2020 đến nay, Nam Ðịnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 156 dự án, với tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 246,7 triệu USD và 107.596 tỷ đồng; trong đó, có 108 dự án (14 dự án FDI và 94 dự án đầu tư trong nước) được cấp mới với tổng số vốn đăng ký 180 triệu USD và 76.855 tỷ đồng; 48 dự án (17 dự án FDI và 31 dự án đầu tư trong nước) được điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn bổ sung là 66,7 triệu USD và 30.714 tỷ đồng.

Chỉ trong vài tháng qua, Nam Ðịnh đã thu hút thành công hai nhà đầu tư lớn từ Ðài Loan (Trung Quốc) vào Khu công nghiệp Mỹ Thuận, dù nơi đây vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng. Ðó là Tập đoàn Quanta (nhà sản xuất lớn về máy tính và thiết bị ngoại vi) với tổ hợp dự án 120 triệu USD và Tập đoàn JiaWei (chuyên sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao) với tổ hợp dự án 100 triệu USD.

Tháng 3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Ðịnh cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20, Nam Ðịnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và có bước phát triển mới trong từng giai đoạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt mức khá. Tổng sản phẩm GRDP trong những năm gần đây tăng bình quân khoảng 7,5%/năm (năm 2022 tăng 9,07%, cao nhất từ trước đến nay); tổng giá trị hàng xuất khẩu vượt mốc 3 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt gần 8.000 tỷ đồng...

Đồng chí Phạm Ðình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh

Thời gian tới, Nam Ðịnh tiếp tục tập trung hoàn thiện, quản lý và thực hiện hiệu quả các quy hoạch của tỉnh (nhất là quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050) bảo đảm tích hợp, đồng bộ với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, phát huy tốt nhất các tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, tỉnh huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo môi trường thông thoáng, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các khu, cụm công nghiệp...