Mức tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP cao chưa từng có
Năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định, đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực với 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên với tổng sản phẩm GRDP ước tăng hơn 10,1%, mức cao nhất từ trước đến nay, cao hơn mức tăng chung của cả nước. Với mức tăng trưởng này, dự kiến tỉnh sẽ đứng trong tốp đầu toàn quốc và khu vực đồng bằng sông Hồng.
So năm 2022, Nam Định có chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tăng 14,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tăng 14,3%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 17%; thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 9.700 tỷ đồng, tăng 25%.
Nam Định tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Ước tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 191/204 xã, thị trấn (93,6%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25/188 xã (13,3%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 98 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Các huyện Giao Thủy, Nam Trực, Hải Hậu đang tích cực hoàn thành các tiêu chí để đạt huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong năm của Nam Định được triển khai sôi động, có trọng tâm, trọng điểm và đạt những kết quả rất tích cực. Tính đến hết tháng 10/2023, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 42 dự án (gồm 28 dự án đầu tư trong nước và 14 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng và 233 triệu USD.
Khu công nghiệp Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng nhưng đã thu hút hàng loạt dự án hàng trăm triệu USD của các nhà đầu tư lớn. |
Tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án Trung tâm thương mại AEON Nam Định; ký thỏa thuận phát triển dự án và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hàng loạt nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Quanta, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan, Trung Quốc), Tập đoàn Sunrise Material, Công ty Xingyu Safety Technology (Singapore)…
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của Nam Định tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông có tính kết nối vùng, các khu, cụm công nghiệp. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử đạt nhiều kết quả; chất lượng quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của tỉnh luôn thuộc tốp đầu toàn quốc.
Ngành giáo dục và đào tạo của Nam Định tiếp tục giữ vững thành tích 29 năm liền trong nhóm đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm. Việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các chế độ chính sách được giải quyết đầy đủ, kịp thời, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…
Hướng đến giai đoạn bứt phá
Sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Ramatex trong Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định). |
Tại Hội nghị lần thứ 25, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa 20, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 28/11, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận việc bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Có 2/14 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch: Tổng giá trị hàng xuất khẩu khoảng 2,7 tỷ USD (kế hoạch 3,3 tỷ USD); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 92,5% (kế hoạch là 95,5%).
Tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công một số dự án còn chậm; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tại một số đơn vị chưa đạt yêu cầu; tình hình khiếu nại, tố cáo ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, việc giải quyết từ cơ sở chưa thấu đáo, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm…
Nếu như năm 2023 được xem là năm “bản lề”, năm 2024 sẽ là giai đoạn bứt phá để tỉnh Nam Định hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Nếu như năm 2023 được xem là năm “bản lề”, năm 2024 sẽ là giai đoạn bứt phá để tỉnh Nam Định hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Tỉnh dự kiến đặt chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP từ 9,5%-10,5%; nâng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ lên 84%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 18% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 12.000 tỷ đồng.
Trong năm sau, Nam Định phấn đấu có thêm 7 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 huyện đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 huyện cơ bản đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt mục tiêu tạo thêm việc làm cho hơn 30.000 lượt người; kéo giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 0,1%-0,5%; đạt tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế từ 93,5% trở lên.
Về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Nam Định tập trung thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách. Tỉnh tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư để sớm hoàn thành các dự án, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành toàn diện mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm bứt phá 2024 cũng như cả nhiệm kỳ. |
Theo đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Nam Định, năm 2023, tỉnh đã có bước phát triển toàn diện, vượt bậc về kinh tế-xã hội. Đó là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, vào cuộc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Đồng chí yêu cầu thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chính quyền; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; thực hiện toàn diện các mục tiêu đề ra, nhất là tăng thu ngân sách, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.
Đồng chí Phạm Gia Túc mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chung sức, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm bứt phá 2024 cũng như cả nhiệm kỳ; qua đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.