Mỹ thúc đẩy phân phối vaccine, dịch bệnh tại Brazil có dấu hiệu hạ nhiệt

NDO -

Mỹ mới đây đã hối thúc các bang của nước này sẵn sàng phân phối vaccine ngừa Covid-19 trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Trong khi đó, tại Brazil, dịch bệnh đang có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Cuộc nghiên cứu phát triển vaccine ngừa Covid-19 do Viện Y tế quốc gia Mỹ và công ty Moderna thực hiện tại New York. (Ảnh: AP)
Cuộc nghiên cứu phát triển vaccine ngừa Covid-19 do Viện Y tế quốc gia Mỹ và công ty Moderna thực hiện tại New York. (Ảnh: AP)

Theo tài liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố ngày 2-9, cơ quan này đã đề nghị giới chức y tế công cộng của các bang chuẩn bị phân phối một loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao sớm nhất là vào cuối tháng 10 tới.

Cũng trong ngày 2-9, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh lây nhiễm Anthony Fauci phát biểu trên kênh MSNBC, dựa trên tỷ lệ người bệnh đăng ký tham gia các cuộc thử nghiệm vaccine hiện nay, có thể sẽ có đủ dữ liệu lâm sàng để xác định một trong những loại vaccine an toàn và hiệu quả vào tháng 11 hoặc 12 tới. 

Tờ New York Times trước đó đưa tin, CDC đã liên hệ với giới chức tại tất cả 50 bang và năm thành phố lớn để cung cấp thông tin về kế hoạch nêu trên. Theo tài liệu do New York Times đăng tải trực tuyến, CDC đang chuẩn bị đưa vào sử dụng một hoặc hai loại vaccine ngừa Covid-19 với số lượng có hạn sớm nhất vào cuối tháng 10-2020.

Các hãng gồm Moderna, AstraZeneca và Pfizer đang dẫn đầu trong cuộc đua phát triển vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả và an toàn. Tài liệu của CDC đã mô tả hai “ứng viên” vaccine phải được bảo quản trong nhiệt độ -70 độ C và -20 độ C. Theo Reuters, điều kiện bảo quản này giống với tiêu chuẩn bảo quản của “ứng viên” vaccine do Pfizer và Moderna sản xuất. 

Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy phát triển và phân phối vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh nước này là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 6,3 triệu ca bệnh và xấp xỉ 190 nghìn ca tử vong do Covid-19. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tiến hành bầu tổng thống vào ngày 3-11 tới. 

Mỹ thúc đẩy phân phối vaccine, dịch bệnh tại Brazil có dấu hiệu hạ nhiệt -0
Nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh rơi vào suy thoái do đại dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, theo Worldometers, tính đến ngày 3-9 (giờ Việt Nam), Brazil, vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới và lớn nhất khu vực Nam Mỹ, đã ghi nhận hơn bốn triệu ca mắc và gần 124 nghìn ca tử vong. Tuy nhiên, dịch bệnh tại nước này đang có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhiều tháng hoành hành.

Theo Reuters, các số liệu mới nhất cho thấy số người tử vong do Covid-19 tại Brazil đang có dấu hiệu giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5 vừa qua. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày tại quốc gia Mỹ Latinh này đã giảm xuống mức dưới 900 ca/ngày trong tuần qua. Đây là mức thấp nhất tại Brazil trong 3,5 tháng qua, thấp hơn cả con số này tại Mỹ và Ấn Độ.

Vào ngày 1 và 2-9, khi Brazil ghi nhận hơn 1.100 ca tử vong mỗi ngày, các chuyên gia cho biết còn quá sớm để nói rằng nước này đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất trong đại dịch.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Imperial College London của Anh ước tính, tỷ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 tại Brazil hiện ở mức dưới 1, tức là một người có thể lây virus cho gần một người khác. Đây là tỷ lệ cần thiết để làm giảm tốc độ lây nhiễm chủng virus gây chết người này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, vào tháng 8 vừa qua, tỷ lệ này từng ở mức dưới 1 và lại tăng vọt một tuần sau đó. 

Ông Roberto Medronho, chuyên gia về bệnh lây nhiễm tại Đại học liên bang Rio de Janeiro cho rằng, dịch bệnh tại Brazil đang trên đà giảm so với giai đoạn cao điểm trước đó, nhưng số người mắc bệnh và tử vong vẫn còn cao, do đó nước này phải thận trọng để các con số không tăng trở lại.

Giới chuyên gia đánh giá, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Brazil, nước này đã không thực hiện tốt giãn cách xã hội, biện pháp vốn được coi là công cụ quan trọng để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh khi chưa có vaccine ngừa bệnh.

Ngày 1-9, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) cho biết, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý II-2020 đã giảm ở mức kỷ lục là 9,7%. Do tăng trưởng hai quý liên tiếp bị giảm, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh đã chính thức rơi vào suy thoái.

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường