Mỹ tạm ngừng tiến trình hòa đàm giải quyết cuộc xung đột ở Sudan

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Molly Phee đánh giá, mặc dù các thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan không phát huy đầy đủ hiệu quả, song đã tạo điều kiện cho hoạt động chuyển giao hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
0:00 / 0:00
0:00
Khói bốc lên do giao tranh tại Khartoum, Sudan ngày 12/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên do giao tranh tại Khartoum, Sudan ngày 12/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi Molly Phee, ngày 22/6, thông báo Washington đã tạm ngừng tiến trình đàm phán liên quan cuộc xung đột ở Sudan do định dạng hiện nay không đạt được thành công theo cách mà Mỹ mong muốn.

Saudi Arabia và Mỹ đã đứng ra làm trung gian cho các thỏa thuận ngừng bắn giữa Quân đội Sudan và Các Lực lượng phản ứng nhanh (RSF) bán quân sự trong những cuộc đàm phán ở Jeddah (Saudi Arabia).

Phát biểu tại phiên điều trần trước Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, bà Phee đánh giá mặc dù các thỏa thuận ngừng bắn không phát huy đầy đủ hiệu quả, song đã tạo điều kiện cho hoạt động chuyển giao hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

Cũng trong ngày 22/6, những vụ nổ tiếp tục làm rung chuyển thủ đô Khartoum, trong khi quân đội Sudan và Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đổ lỗi cho nhau thực hiện những vụ tấn công nhằm vào dân thường.

Hãng tin AFP dẫn lời các nhân chứng ở khu vực phía đông Khartoum xác nhận thông tin về những vụ nã pháo, trong khi những người ở các khu vực ngoại thành phía tây cho biết, quân đội Sudan đã pháo kích dữ dội, sức nổ của đạn pháo làm rung chuyển tường nhà.

Cũng theo các nhân chứng, đụng độ nổ ra trên đường phố giữa lúc “máy bay quân sự gầm rú trên đầu” tại khu vực trung tâm Khartoum, vốn ở trong trạng thái yên tĩnh suốt 10 ngày qua.

Đây là những diễn biến mới nhất trong hàng loạt thỏa thuận ngừng bắn (do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian) bị vi phạm một cách có hệ thống.

Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất đã kết thúc vào sáng 21/6 và giao tranh tiếp tục bùng phát sau đó chỉ vài phút.

Quân đội Sudan đổ lỗi cho RSF “lợi dụng lệnh ngừng bắn để huy động lực lượng và thực hiện một số hành động vi phạm chống lại dân thường.”

Đáp lại, RSF cáo buộc quân đội dàn dựng video quay lại cảnh hãm hiếp, cho rằng “một trong những diễn viên xuất hiện trong bộ đồng phục” của Các Lực lượng vũ trang Sudan, qua đó “chứng tỏ tội lỗi của chúng”.

Hoạt động giao tranh chủ yếu tập trung ở thủ đô Khartoum và khu vực phía tây Dafur.

Tuy vậy, quân đội Sudan, hôm 21/6, đã cáo buộc một nhóm phiến quân chủ chốt ở bang South Kordofan, cách Khartoum hàng trăm km về phía tây nam, tấn công các binh sĩ của lực lượng này.

Giao tranh nổ ra ở Sudan kể từ giữa tháng 4 vừa qua đến nay đã làm hơn 2.000 người thiệt mạng và 2,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đồng thời châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.

Ngày 20/6, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết, hơn 500.000 người đã chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Sudan trong khi 2 triệu người buộc phải di tản trong nước.

Phát biểu tại buổi họp báo ở Nairobi nhân Ngày Quốc tế Người Tị nạn, ông Grandi cho biết số người tị nạn từ Sudan tìm nơi nương náu tại các quốc gia láng giềng hiện đã vượt mốc nửa triệu người kể từ khi cuộc xung đột bùng phát ngày 15/4 tại quốc gia Bắc Phi này.

Ông nêu rõ, nếu xung đột không chấm dứt, cuộc di cư của người dân Sudan vẫn sẽ tiếp diễn.

Tình hình nhân đạo ở Sudan hiện rất nghiêm trọng, khi toàn bộ các quận ở thủ đô Khartroum đã không còn nước sạch, chỉ có điện vài giờ trong tuần. Các cơ sở cứu trợ cũng thường xuyên bị cướp bóc.