Nước lũ trên thượng và trung lưu vực sông Mã, sông Chu đã đạt đỉnh, đang xuống chậm, đỉnh lũ tại thủy văn Cẩm Thủy trên báo động 3 là 0,10m, tại Bái Thượng trên báo động 3 là 0,5m vào trưa ngày 23/9; hạ lưu sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Lèn, sông Cầu Chày nước lũ đang lên. Trong tỉnh Thanh Hóa có 399 hồ chứa đã đầy nước, 211 hồ có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường.
Nước trên sông Lèn, huyện Hà Trung. |
Sáng 23/9, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cùng các thành viên 2 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tình hình thiệt hại tại các địa phương: Yên Định, Thọ Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy, Mường Lát.
Đề phòng lũ trên sông ở Thanh Hóa
Theo báo cáo, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã chủ động sơ tán 2.355 hộ, 12.284 nhân khẩu khỏi khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn; có 165 hộ dân bị thiệt hại về nhà ở, 8 điểm trường học bị ảnh hưởng. Lũ làm hư hỏng 30m kênh mương tại huyện Mường Lát, xói lở 5m kè sông Luồng tại bản Bo Hiềng, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn; hư hỏng đập tràn suối Quýt, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa.
Sạt lở gây ách tắc giao thông ở thượng du Thanh Hóa. |
Trên quốc lộ 15, 15C, 16 phát sinh 7 vị trí sạt, lở, gây tắc đường; các quốc lộ 15, 217, 217B bị ngập nước tại 4 vị trí. Nước ngập 15 vị trí, gây tắc đường trên các tuyến đường tỉnh.
Hiện Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương và đơn vị liên quan huy động lực lượng, vật tư, phương tiện dọn dẹp vị trí sạt lở giao thông, cử người canh gác, lập rào chắn, biển báo phân luồng giao thông đối với những vị trí nguy hiểm, gây tắc đường.
Doanh nghiệp thủy nông vận hành trạm bơm tiêu, thoát nước. |
Các doanh nghiệp thủy lợi đang vận hành 36 trạm bơm tiêu, thoát nước. Lực lượng vũ trang tại địa bàn cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương tu sửa nhà cửa bị thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân.