Tại Myitkyina, thuộc bang Kachin, mực nước sông Ayeyarwady đã vượt quá mức cảnh báo vào ngày 1-2/7, khiến 2.064 hộ gia đình phải di dời. Trong khi đó, tại thị trấn Hpakant cùng bang này, 386 hộ dân bị ảnh hưởng cũng đã được sơ tán vào ngày 2/7. Ngoài ra, 188 hộ gia đình tại thị trấn Hkamti thuộc vùng Sagaing cũng phải rời bỏ nhà cửa khi mực nước sông Chindwin đã vượt quá mức cảnh báo.
Chính quyền địa phương, nhân viên cứu hỏa và các tổ chức cứu hộ đã tiến hành các hoạt động cứu hộ và sơ tán các nạn nhân lũ lụt. Những người bị ảnh hưởng được trú ẩn trong các trung tâm cứu trợ tại các tu viện, nhà thờ và trường học.
Theo Cục Khí tượng và Thủy văn Myanmar, mực nước của sông Ayeyarwady ở Myitkyina cao hơn khoảng 1,3 m so với mức cảnh báo vào ngày 2/7, và mực nước của sông Chindwin ở Hkamti cao hơn khoảng 1,6 m so với mức cảnh báo. Cơ quan thời tiết cũng khuyến cáo người dân sống gần bờ sông và ở những vùng trũng thấp trong các thị trấn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Tại nước láng giềng Ấn Độ, những trận mưa như trút nước ở khu vực đông bắc cũng gây lũ lụt lớn khiến ít nhất 4 người thiệt mạng. Theo số liệu của chính phủ, hơn một triệu người đã bị ảnh hưởng của lũ.
Cơ quan dự báo thời tiết Ấn Độ đã ban hành cảnh báo với bang Assam và các bang lân cận về nguy cơ xảy ra nhiều trận lũ quét hơn. Nước lũ đã làm hư hại nhiều tuyến đường. Lực lượng không quân đã giải cứu 13 ngư dân bị mắc kẹt trên một hòn đảo.
Một phần lớn của công viên quốc gia Kaziranga, di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận và là nơi sinh sống của số lượng tê giác một sừng lớn nhất thế giới, cũng đã bị ngập lụt. Lực lượng bảo vệ rừng đã được đặt trong tình trạng báo động. Hàng trăm loài động vật đã bắt đầu băng qua xa lộ để tìm kiếm vùng đất cao hơn.
Lũ lụt cũng đã nhấn chìm nhiều khu vực rộng lớn ở Bangladesh, hạ lưu từ vùng đông bắc Ấn Độ. Một quan chức chính phủ cho biết hơn 1,3 triệu người bị ảnh hưởng. Những ngôi làng của họ đã ngập trong nước lũ. Phần lớn Bangladesh trũng thấp được tạo thành từ đồng bằng châu thổ khi các con sông Hằng và Brahmaputra ở dãy Himalaya từ từ chảy về phía biển.
Mưa gió mùa gây ra sự tàn phá trên diện rộng hằng năm, nhưng các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các kiểu thời tiết và làm tăng số lượng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.