Múa giảo long - điệu múa cổ nghìn năm ở Lệ Mật

Ghi công người xây dựng Thăng Long thời mở đầu

Thần phả của đình làng Lệ Mật ghi rằng, một hôm, công chúa con vua Lý Thái Tông dạo chơi trên sông Thiên Ðức thì bị một con thủy quái làm lật thuyền, cướp mất công chúa. Nhà vua đã huy động nhiều tướng tài cùng thiên binh vạn mã nhưng đều bất lực. Bỗng lúc ấy, có một chàng trai ven sông Thiên Ðức xin được đi cứu công chúa. Vốn nghề chài lưới, lại có sức khỏe phi thường, chàng trai lặn xuống đáy sông chiến đấu với thủy quái và mang được thi hài công chúa về. Chàng trai có công vớt ngọc thể công chúa đó là Hoàng Ðức Trung, sau này, được dân làng Trù Mật thờ làm Thành hoàng.

Nhà vua ban ơn nhiều của cải, gấm vóc, nhưng chàng trai không nhận. Lúc đó, vương triều Lý định đô ở Thăng Long chưa lâu, vùng phía tây kinh thành còn hoang vắng, chàng trai họ Hoàng xin vua cho dân làng được khai phá vùng đất này. Ðược sự đồng ý của nhà vua, chàng trai họ Hoàng đưa dân làng mình khai phá đất hoang, lập ra 13 làng trại, tục gọi là Thập tam trại, gồm các làng: Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, Cống Yên, Ngọc Hà, Ðại Yên, Liễu Giai, Giảng Võ, Cống Vị, Vạn Phúc, Thủ Lệ, Xuân Biểu, Hữu Tiệp và Kim Mã. Thập tam trại xưa, nay là các phường thuộc quận Ba Ðình.

Tưởng nhớ công ơn của tiền nhân, ngoài tôn thờ Hoàng Ðức Trung làm Thành hoàng, dân làng Trù Mật còn sáng tạo điệu múa giảo long, nhằm nhắc lại công tích đánh thủy quái khi xưa của ông. Làng Trù Mật xưa là Lệ Mật ngày nay, thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên. Ðình làng là ngôi đình lớn, kết cấu tới hơn 50 gian và đã được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.

Ðể chuẩn bị cho múa giảo long, dân làng đan một con giảo long lớn bằng mây tre, phủ vải ra ngoài. Giảo long được trang trí vân mây trên nền xanh da trời, đầu có mào và chiếc lưỡi đỏ khổng lồ. Vào ngày chính hội (từ 19 đến 23-3 âm lịch hằng năm), múa giảo long luôn thu hút đông đảo nhân dân tới xem. Mở đầu bằng màn dạo chơi của công chúa nhà Lý, sau đó, con giảo long xuất hiện và "nuốt chửng" nàng công chúa xinh đẹp. Quân tướng triều đình được huy động đến chiến đấu với thủy quái. Các tráng đinh múa giảo long ở tư thế trườn bò nhưng đẹp mắt và dũng mãnh. Sôi nổi hơn cả là màn chiến đấu của chàng trai trẻ họ Hoàng với giảo long, những động tác vũ thuật đẹp mắt diễn ra trong tiếng hò reo vang dội, cuối cùng, chàng trai chiến thắng thủy quái, rước công chúa hồi cung.

Múa giảo long là một hình thức diễn xướng dân gian huy động tới 50 người tham gia. Trong đó, đặc biệt là những người vào vai dũng sĩ họ Hoàng, công chúa và sáu người đội lốt giảo long. Do câu chuyện về vị Thành hoàng Hoàng Ðức Trung gắn với vương triều Lý, nhất là thời kỳ xây dựng và mở rộng kinh đô về phía tây, nên việc gìn giữ, bảo tồn múa giảo long được coi là nhiệm vụ quan trọng của nhân dân Lệ Mật nói riêng, nhân dân Hà Nội nói chung hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Những mỹ tục của đất văn hiến nghìn năm

Dân làng dâng lễ lên Thành hoàng.

Sự thật về trận chiến với thủy quái cứu công chúa chưa ai dám khẳng định, nhưng có một điều chắc chắn, chàng trai họ Hoàng là người khai phá vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long. Một trong những bằng chứng là gần một nghìn năm đã trôi qua, nhân dân vùng Thập tam trại khi xưa vẫn tự hào mỗi khi nhắc về chàng dũng sĩ có công mở làng. Cứ đến hội làng Lệ Mật, giữ phong tục "uống nước nhớ nguồn", nhân dân vùng Thập tam trại cũ lại vượt dòng sông Hồng để về cựu quán - quê hương của người có công mở làng Hoàng Ðức Trung, dâng lễ vật lên ông tổ của mình. Trong ngày ấy, mọi người đều nhớ câu ca xưa:

Nhớ ngày 23 tháng 3
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.

Hằng năm, trước ngày hội, dân làng bao giờ cũng tổ chức đánh cá chép ở giếng làng. Tương truyền, đó là cá chép hồ Tây công chúa ban tặng.

Những nghi thức chung quanh điệu múa giảo long luôn được người Lệ Mật thực hiện với lòng thành kính và đã trở thành những tục lệ đẹp. Ông Hoàng Ngọc Dậu, người nhiều năm liên tục tham gia múa giảo long cho biết: "Thời trẻ, tôi vào vai dũng sĩ họ Hoàng, sau này, tôi vào vai tướng nhà Lý. Khó nhất là chọn "công chúa". Gái làng xưa quen việc đồng áng, nay đi làm công nhân nên phải luyện tập để múa sao cho dẻo. Nhưng cô công chúa năm nay có đẹp, có dẻo đến mấy thì sang năm, lại phải tìm một công chúa khác, tục truyền xưa nay đều thế".

Sau bao nhiêu biến đổi của lịch sử, Lệ Mật còn giữ được một phong tục đẹp khác, đó là tục "điển văn". Ðây là nghi lễ viết văn tế Thành hoàng. Trước ngày hội, dân làng làm lễ xin phép Thành hoàng để một người hay chữ trong làng được "điển văn". Người viết văn tế là cụ "tả văn". Trong những ngày viết văn tế, người viết phải giữ mình chay tịnh, sạch sẽ. Ðúng một ngày trước hội, một đoàn rước văn long trọng gồm các vị trong ban tế lễ, có phường bát âm... đi kèm đến nhà người tả văn để rước văn về đình làng. Người viết văn tế, đứng đón đoàn rước văn từ cổng, văn tế được đặt vào một chiếc hộp gỗ sơn son trên kiệu bốn người khiêng để rước về đình làng. Tục rước văn, ngoài thể hiện tấm lòng của người Lệ Mật với Thành hoàng, còn phần nào thể hiện truyền thống trọng văn - trọng đạo của đất Thăng Long.

Những phong tục cổ xưa vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Ðược tham gia các hoạt động đều là vinh dự của mỗi người, vì vậy, người trong làng ai cũng cố gắng để có cơ hội được tham gia. Cái hay, cái đẹp của lễ hội Lệ Mật không chỉ ở màn múa giảo long, mà còn ở những phong tục được duy trì và tác dụng của nó trong đời sống cộng đồng, xứng đáng là đất nghìn năm văn hiến.

Bài và ảnh: Giang Nam