Một thời “Chúng ta đòi hòa bình”

NDO - Sáng 15/9, Ban Liên lạc phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn-Gia Định trước năm 1975 tổ chức buổi giao lưu, ra mắt sách “Chúng ta đòi hòa bình-Huỳnh Tấn Mẫm và phong trào yêu nước, tranh đấu của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn (1969-1975)” do Nhà xuất bản Trẻ phát hành tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu giao lưu trong chương trình.
Các đại biểu giao lưu trong chương trình.

“Chúng ta đòi Hòa Bình-Huỳnh Tấn Mẫm và phong trào yêu nước, tranh đấu của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn (1969-1975”) là hồi ức tập thể của những thành viên nòng cốt của phong trào yêu nước của thanh niên, sinh viên, học sinh ở thành phố Sài Gòn giai đoạn 1969-1975 về 1 giai đoạn hào hùng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của nhân dân thành phố Sài Gòn-Gia Định, 1 trang trong lịch sử dân tộc.

Tiếp nối truyền thống thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, phong trào yêu nước của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn tiếp tục có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Những người trẻ trí thức tay không vũ khí nhưng ý chí mãnh liệt đã vượt qua lựu đạn cay, phi tiễn, dùi cui, ma trắc…, những đòn tra tấn đến “giập lục phủ ngũ tạng”, những đòn mua chuộc, tâm lý chiến của kẻ thù, những mưu sâu kế hiểm, đòn thế chính trị nhằm vô hiệu hóa và chi phối phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh.

Những thanh niên ấy đã thể hiện óc sáng tạo, sự chủ động và linh hoạt đến kỳ lạ trong phương thức đấu tranh, liên tục làm thất bại hết thủ đoạn này đến thủ đoạn khác của chính quyền Sài Gòn.

Khi “tam giác sắt” Nông Lâm Súc-Văn khoa-Dược khoa bị chính quyền phong tỏa, họ tạo “tam giác sắt” mới: Tổng Hội Sinh viên-Trung tâm Giáo dục Y khoa-Đại học xá Minh Mạng...

Thậm chí, họ còn tận dụng mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Sài Gòn để sử dụng Dinh Hoa Lan của Đại tướng Dương Văn Minh và tư dinh của Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ làm nơi ẩn náu hay trụ sở đấu tranh.

Họ có muôn vàn ý tưởng đấu tranh, từ hội họp, tập văn nghệ, làm báo, tập võ, tuyệt thực đấu tranh, xuống đường biểu tình đòi tự trị đại học, đòi hòa bình, dân sinh dân chủ, đến chống quân sự học đường, chống bầu cử độc diễn, đốt xe Mỹ...

Thanh niên, sinh viên, học sinh đã trở thành lực lượng xung kích trong các phong trào đấu tranh tại đô thị, góp phần làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Quyển sách này được thực hiện dựa trên lời kể của anh Huỳnh Tấn Mẫm - Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn (1969-1971), chị Nguyễn Thị Yến - Thủ quỹ Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn (1969-1971), anh Lê Văn Nuôi - Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn (1970-1971), anh Lê Hoàng - Đoàn trưởng Đoàn học sinh Sài Gòn (1971-1974), và nhiều góp ý, hỗ trợ từ các anh chị: Nguyễn Hoàng Trúc, Tôn Thất Lập, Vũ Thị Dung, Phan Nguyệt Quờn, Cao Thị Quế Hương, Ngô Đa, Trương Anh Dũng, Nguyễn Văn Vĩnh, Lâm Thành Quý, Lê Ngọc Tú...

Là người chấp bút cho cuốn sách, tác giả Đoàn Yên Kiều cho biết, để hoàn thành cuốn sách, chị đã tham khảo nhiều tờ báo ở Sài Gòn trước 1975 như: Sinh Viên, Tia Sáng, Tin Sáng, Đuốc Nhà Nam, Điện Tín, Hòa Bình, Chính Luận... để bổ sung thông tin và đối chiếu, xác minh các sự kiện, con người, ngày giờ.

Một số tài liệu, bài viết, hình ảnh được phổ biến trên Internet của các tác giả và sinh viên, học sinh trước 1975 cũng được tham khảo để đối chiếu thông tin.

“Chúng tôi mong rằng khi cầm trong tay quyển sách này, bạn đọc sẽ có cảm giác nắm được bàn tay của những người trong cuộc, cùng thở, cùng bước đi và cùng dấn thân” - ông Lê Hoàng, đại biện Ban Liên lạc phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn-Gia Định trước năm 1975 chia sẻ.